Vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng tại Tổng Công ty Vinaconex làm vỡ tuyến ống dẫn nước sông Đà 14 lần đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Để làm rõ những nguyên nhân dẫn đến vỡ ống nước sạch, chúng tôi nêu những điểm chính trong “Kết luận giám định tư pháp hoạt động đầu tư xây dựng dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây-Hòa Lạc- Xuân Mai-Miếu Môn-Hà Nội-Hà Đông” của cơ quan chức năng Bộ Xây dựng (BXD).
Kết luận này do ông Phạm Minh Hà, Cục trưởng Cục giám Nhà nước về chất lượng công trình BXD và ông Lương Đức Long, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng ký ngày 15/4/2015. Việc tổ chức thực hiện giám định do các cơ quan cục Giám định Nhà nước về định chất lượng công trình; cục Hạ tầng kỹ thuật; vụ Pháp chế BXD: Giám định việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng. Viện Vật liệu xây dựng: Giám định nguyên nhân vỡ ống, chất lượng và độ bền lâu của tuyến ống. Trường đại học Kiến trúc HN: Giám định chất lượng thiết kế và công tác vận hành khai thác. Trường Đại học Xây dựng: Thẩm tra kết quả giám định.
Kết quả giám định cho thấy có một số vấn đề tồn tại liên quan tới sự cố vỡ ống truyền tải nước nói riêng và chất lượng công trình nói chung như sau: Giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt dự án: Theo nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt tại Quyết định số 1517/QĐ/VC-ĐT ngày 10/10/2003 thì tuyến ống truyền tải nước sạch sử dụng ống gang dẻo.
Trong báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh được phê duyệt tại Quyết đinh số 468/QĐ/VC-ĐT ngày 15/4/2004 đã đổi sang sử dụng ống cốt sợi thủy tinh. Khi thực hiện việc điều chỉnh dự án, chủ đầu tư đã tổ chức khảo sát, đánh giá các vấn đề kinh tế kỹ thuật, xem xét đến điều kiện thực tế xây dựng và chủ trương nội địa hóa trong sản xuất của Việt Nam.
Tuy nhiên việc thay đổi nội dung này chưa được chủ đầu tư và người quyết định đầu tư thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính do còn thiếu văn bản về việc thẩm định lại dự án theo quy định.
Giai đoạn thiết kế: Đối chiếu với quy định của Tiêu chuẩn AWWA-M35 (thiết kế tuyến ống áp lực cốt sợi thủy tinh) thì thuyết minh tính toán thiết kế kỹ thuật chưa thấy đề cập đến việc tính toán độ bền và biến dạng cho trường hợp ống nằm trong đất.
Theo kết luận giám định đã chỉ ra công trình đường ống dẫn nước sông Đà có nhiều vi phạm trong giai đoạn sản xuất ống cốt sợi thủy tinh.
Về vật liệu nhập khẩu chính để sản xuất ống cốt sợi thủy tinh có các yêu cầu kỹ thuật được quy định trong hợp đồng mua bán. Tuy nhiên khi kiểm tra hồ sơ quản lý chất lượng của công ty Viglafico (đơn vị sản xuất ống) không thấy các biên bản, giấy tờ thể hiện kết quả kiểm tra chặt chẽ chất lượng vật liệu đầu vào để sản xuất ống.
Công ty Viglafico không thực hiện việc thử nghiệm độ bền thủy tĩnh dài hạn theo quy định của tiêu chuẩn AWWA C950 như đã công bố về chất lượng sản phẩm. Đây là thông số cần thiết để tính toán kiểm tra độ bền lâu của tuyến ống.
Về độ dày của thành ống: Trong phần tính toán thuyết minh thiết kế kỹ thuật, độ dày ống của các loại ống DN 1500, DN 1600, DN 1800 sử dụng là 33,85 mm. Trong thiết kế bản vẽ thi công quy định ống DN 1800, PN6, SN 5000 có độ dày là 32mm; ống DN 1600, PN6, SN 5000 có độ dày là 28,5mm; ống DN 1600, PN10, SN 10000 có độ dày là 30,8mm.
Kết quả kiểm tra do cơ quan giám định thực hiện cho thấy độ dày ống DN 1600 (ống vỡ lần thứ 10) trung bình là 25,8mm; độ dày ống DN 1500 (của 17 ống lưu tại một công ty) trung bình là 24,2mm. Ngoài ra, theo phiếu kiểm tra xuất xưởng do một công ty cung cấp được lưu trong hồ sơ sự cố của 9 lần vỡ ống, ghi nhận độ dày các ống bị vỡ nằm trong khoảng từ 24,1mm đến 25,7mm.
Từ kết luận của cơ quan giám định cho thấy, công ty sản xuất ống Viglafico đã không tuân thủ thiết kế, "ăn bớt" độ dày của thành ống dẫn đến sai thiết kế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình đường ống dẫn nước sông Đà. Sai phạm này là một trong những nguyên nhân gây ra vỡ đường ống.
(còn nữa)
Nhóm phóng viên Xã hội