Vụ bạo hành bé trai ở Hà Nội: Hành vi giết người hay cố ý gây thương tích?
Cháu bé 14 tháng tuổi được mẹ nhờ một người bạn chăm sóc. Không lâu sau đó, bé nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, trên người có nhiều thương tích nghi do bị bạo hành. Vậy đối tượng gây ra vụ việc bị xử lý ra sao?
Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh về vụ việc cháu T.A. (14 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, trên người có nhiều thương tích nặng nghi do bạo hành, Công an TP. Hà Nội đã vào cuộc điều tra và bước đầu thông tin.
Theo đó, sau khi sinh A., mẹ bé là Đinh Lan Hương (SN 1983, HKTT ở phố Tống Duy Tân, quận Hoàn Kiếm) đã gửi bé cho một người bạn chăm sóc. Sau đó, bé được mẹ nhờ Nguyễn Thanh Hằng (SN 1978, trú tại phố Yên Phụ, quận Ba Đình) tiếp tục chăm sóc. Thời gian này, do liên quan đến ma túy nên Hương bị công an bắt giam. Ngày 3/8, A. được Hằng đưa vào cấp cứu.
Bước đầu Hằng phủ nhận việc gây ra thương tích trên người cháu A..
Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án cố ý gây thương tích theo Điều 104, Bộ luật Hình sự để điều tra. Theo đó, căn cứ vào tỷ lệ thương tật của cháu A., đối tượng gây thương tích cho cháu sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến tù chung thân.
Nếu tỷ lệ thương tật của cháu A. dưới 11%, thì kẻ gây ra thương tích cho cháu vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự ở khoản 1, Điều 104 với tình tiết định khung hình phạt là phạm tội đối với trẻ em.
Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cũng cho rằng, hành vi bạo hành của đối tượng với cháu A. có dấu hiệu của tội Giết người.
Theo đó, kẻ đánh cháu bé ra tay “hiểm” vào những vùng trọng yếu trên cơ thể dẫn tới chấn thương sọ não, xuất huyết não và đẩy cháu bé vào tình trạng hôn mê, hiện nay vẫn đang phải thở oxy, hành vi này đã cấu thành tội Giết người theo quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 93, Bộ luật Hình sự. Việc cháu bé không mất mạng là do được cấp cứu kịp thời.
Cũng trong câu chuyện này, nhiều người dân không khỏi thắc mắc chuyện mẹ cháu A. bị bắt trong khi đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Về thông tin này, luật gia Nguyễn Quốc Văn chia sẻ, qua thông tin báo chí đăng tải và thông tin từ Công an TP. Hà Nội cho thấy, mẹ cháu A. đã bỏ chồng và có con trước đó, mẹ A. có hoạt động buôn bán ma túy.
Tháng 8/2016, Hương bị Công an quận Ba Đình (Hà Nội) bắt vì tội Buôn bán trái phép chất ma túy nhưng được tại ngoại do đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 36 tháng.
Chỉ hơn 1 tháng sau, Hương lại bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt vì cùng tội danh trên và lại được tại ngoại. Đến tháng 7/2017, Hương tiếp tục bị Công an phường Ngô Thì Nhậm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bắt vì buôn bán ma túy.
Theo quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, trong trường hợp bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng nếu tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử thì sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam.
“Pháp luật Nhà nước ta đã nhân đạo đối với người phạm tội là phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi với quy định về thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang biện pháp ngăn chặn khác. Tuy nhiên, trường hợp các đối tượng phạm tội lợi dụng quy định này để tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội thì Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 đã có quy định dự phòng nói trên”, luật gia Văn chia sẻ.
Xuân Hòa