Thông tin về bệnh nhân khám bệnh tại phòng khám 168 bị chết não những ngày qua đã khiến dư luận xã hội bàng hoàng, đau xót. Đáng chú ý, bác sĩ người Trung Quốc được cho là liên quan trực tiếp đến vụ việc nghiêm trọng này đã bỏ trốn ngay sau đó.
Nhiều người nhớ lại cách đây vài năm, vụ việc tương tự cũng xảy ra, khi một bệnh nhân tử vong tại phòng khám Maria (65 - 67 phố Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội), toàn bộ các bác sĩ Trung Quốc đều rời đi ngay trong đêm.
Vụ bệnh nhân khám bệnh tại phòng khám 168 bị chết não một lần nữa đặt vấn đề quản lý như thế nào với phòng khám có yếu tố nước ngoài để không còn những việc đau lòng xảy ra như thời gian qua.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội) xung quanh vấn đề này.
Một số vụ việc bệnh nhân gặp vấn đề (tử vong, chết não) sau khi đi khám bệnh ở phòng khám có yếu tố nước ngoài khiến câu chuyện quản lý phòng khám kiểu này nóng hơn bao giờ hết. Theo ông, việc quản lý hiện nay đã thực sự tốt hay chưa?
Để những câu chuyện buồn như vậy xảy ra, rõ ràng là quản lý có vấn đề. Qua thông tin báo chí đăng tải tôi còn được biết, phòng khám 168 đã từng có không ít sai phạm, từng bị sở Y tế Hà Nội quyết định đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh. Ngay cả bác sĩ người Trung Quốc cũng từng bị tước chứng chỉ hành nghề.
Tác hại của việc quản lý lỏng lẻo là vô cùng to lớn. Thêm vào nữa, phòng khám hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Tôi đề nghị xử lý mạnh tay với những trường hợp này, tránh tình trạng “bôi trơn” phía sau hoặc xử lý kiểu nương nhẹ để rồi tiếp tục tái phạm. Dù đó là người nước ngoài cũng phải căn cứ vào luật pháp của Việt Nam để xử lý cụ thể.
Với việc quản lý lỏng lẻo như vậy, theo ông trách nhiệm thuộc về ai?
Ở đây không chỉ có trách nhiệm cá nhân mà còn có trách nhiệm quản lý Nhà nước. Bản thân người gây ra vụ việc phải chịu trách nhiệm trực tiếp là đương nhiên, không thể bỏ trốn mà hết trách nhiệm. Phòng khám phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về mặt pháp lý. Người chủ phòng khám 168 phải biết được bác sĩ của mình đi đâu, ở đâu và năng lực như thế nào.
Nhưng theo tôi, về mặt quản lý Nhà nước, thanh tra sở Y tế Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm khi để xảy ra những vụ việc đau lòng như thế trên địa bàn. Phòng khám có hay không có yếu tố nước ngoài đều phải được kiểm tra thường xuyên, sớm phát hiện những vấn đề như: Không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng phục vụ không tốt, năng lực y, bác sĩ không đảm bảo... để kịp thời chấn chỉnh. Tại làm sao để có người chết não mới vỡ lẽ ra mọi chuyện như thế?
Sự việc lần này cho thấy, cần có những giải pháp mạnh tay hơn nữa trong quản lý các phòng khám tư nhân?
Sự việc đau lòng xảy ra là bài học xương máu. Tính mạng con người một khi mất đi là không lấy lại được. Tôi từng được biết ở một số địa phương khác cũng xảy ra sự việc tương tự, Hà Nội không phải là duy nhất.
Bởi thế, kể cả khi phòng khám có giấy phép hoạt động cũng cần xem lại chất lượng đội ngũ y, bác sĩ ở những phòng khám hiện nay. Nếu hậu quả nghiêm trọng cần phải truy tố trước pháp luật.
Dường như đang có sự thả nổi, lơ là khiến phòng khám phát triển một cách khó kiểm soát?
Trong câu chuyện này, trách nhiệm của thanh tra, sở Y tế còn chung chung, chưa rõ. Tôi đề nghị phải quy trách nhiệm cá nhân, hậu kiểm của thanh tra sở Y tế xem đơn vị này đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? Tại sao một số phòng khám còn hiện tượng “bác sĩ chui” vẫn hoạt động?
Thêm nữa, trên địa bàn Hà Nội hiện có rất nhiều phòng khám tư nhân, quản lý lỏng lẻo sẽ rất nguy hiểm. Cần thiết một cuộc rà soát toàn diện các phòng khám trên địa bàn, kiểm soát, giám sát chặt chẽ xem có đủ giấy phép hành nghề, chất lượng đội ngũ y bác sĩ đến đâu.
Phòng khám có yếu tố nước ngoài có sự phức tạp nhất định, vì khi bác sĩ bỏ trốn truy tìm sẽ rất khó khăn. Nếu không quản lý ngay từ đầu thì sẽ rất nguy hiểm. Nếu thanh tra, kiểm tra một cách hình thức sẽ khó phát hiện. Thanh tra cũng phải kiểm tra kỹ về chuyên môn.
Tôi nghĩ, những người làm công tác thanh tra đủ trình độ, hiểu biết để rõ cái gì không đảm bảo, cái gì đảm bảo. Vấn đề là họ có làm chặt chẽ hay không. Có câu chuyện “bôi trơn” ở phía sau để làm ngơ cho phòng khám không đảm bảo chất lượng hoạt động hay không. Đây là câu chuyện cần phải làm rõ. Nếu không, uy tín của ngành y sẽ ngày càng bị ảnh hưởng.
Thêm nữa, người dân sẽ luôn canh cánh lo sợ mỗi khi đi khám bệnh. Có thể do tắc trách trong công việc, kiểm tra, giám sát một cách hời hợt dẫn đến tình trạng này.
Người dân thường đề cao những phòng khám có yếu tố nước ngoài, nghĩ rằng có yếu tố nước ngoài chất lượng sẽ tốt hơn, khám sẽ yên tâm hơn. Nhưng câu chuyện ở phòng khám 168 đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề này để người dân cẩn trọng và tỉnh táo hơn.
Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Dương Thu