Thường thì mỗi vụ án chỉ có một quyết định khởi tố về một tội hoặc nhiều tội đã xảy ra và được xử lý theo đúng tiến trình tố tụng hình sự: Điều tra, truy tố, xét xử, và cuối cùng kết thúc bằng bản án, quyết định có hiệu lực. Thế nhưng vụ án “Giết người “ xảy rả ở Bắc Giang vào năm 2003, đã được xét xử bằng bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành từ năm 2004, đã kết án ông Nguyễn Thanh Chấn tù chung thân về tội danh mà Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố. Bị án đã thi hành án được 10 năm, nay phát hiện có tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án, chứng minh ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án oan sai. Theo dõi thông tin báo chí cho thấy, mới đây Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục khởi tố vụ án “Giết người” cùng về vụ án đã khởi tố trước đó 10 năm, việc khởi tố vụ án như vậy có đúng thủ tố tụng hình sự không?
Mọi hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS). Đó là nguyên tắc đảm bảo pháp chế XHCN trong tố tụng hình sự. Thế nhưng trong thực tiễn tố tụng, có những trường hợp chưa được BLTTHS quy định, và chưa có văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan có thẩm quyền. Đôi khi các cơ quan tiến hành tố tụng phải làm những việc mà BLTTHS không quy định để có thể xử lý không bỏ lọt người lọt tội, không làm oan người vộ tội.
Tình tiết mới phát sinh trong quá trình bị án Nguyễn Thanh Chấn đang thi hành án, ngày 25/10/2013 đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận chính là người thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối ngày 15/8/2003 để cướp tài sản.
Căn cứ vào kết quả xác minh, ngày 29/10/2013, Cục điều tra – VKSNDTC đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự, đồng thời khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Lý Nguyễn Chung (sinh năm 1988) về hai tội “ Giết người” và “ Cướp tài sản “, bắt khẩn cấp đối với Lý Văn Chúc( cha của Chung) về hành vi đe doạn giết bà Nguyễn Thị Lành- nhân chứng vụ án.
Ngày 6/11/2003, Hội đồng thẩm phán TANDTC mới có quyết định tái thẩm chấp nhận kháng nghị tái thẩm của viện trưởng VKSND tối cao, hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã tuyên ông Nguyễn Thanh Chấn chung thân về tội Giết người để điểu tra lại từ đầu.
Tôi không bình luận về nội dung vụ án, các đối tượng trên có hành vi phạm tội hay không cần phải chờ kết quả giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng theo đúng quy định của BLTTHS. Vấn đề tôi muốn nêu ở đây là Vụ án “Giết người” xảy ra ở Bắc Giang năm 2003 đã được khởi tố và có bản án có hiệu lực năm 2004, đến nay có tình tiết mới phát hiện người đã bị kết án không có hành vi phạm tội mà do đối tượng khác gây ra. Việc khởi tố vụ án lần thứ hai để xử lý đối tượng gây án ra đầu thú như các báo thông tin như vậy có đúng tố tụng hình sự không?
BLTTHS đã quy định thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện mà tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó. Những tình tiềt được dùng căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định tại Điều 291 BLTTHS là:
1. Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện không đúng sự thật.
2. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán Hội thẩm nhân dân đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai.
3. Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật.
4. Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật.
Đối chiếu với quy định của BLTTHS nêu trên, theo tôi vụ án Giết người ở Bắc Giang không thể khởi tố vụ án mới, vì mỗi vụ chỉ được khởi tố bằng một quyết định khởi tố vụ án. Khi phát hiện tình tiết mới, cơ quan điều tra không thể căn cứ quyết định khởi tố vụ án truớc đó đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực để khởi tố bị can đối với đối tượng mới phát hiện qua xác minh đơn tố cáo của gia đình người đã bị kết án oan. Cơ quan điều tra cũng không thể khởi tố vụ án mới để xử lý đối với đối tượng mới đầu thú. Trường hợp này phải giải quyết theo trình tự tái thẩm, vì tình tiết mới làm thay đổi bản chất nội dung vụ án đã được quy định tại các điều 290,291 BLTTHS. Thẩm quyền kháng nghị tái thẩm vụ án này thuộc viện trưởng VKSNTC.
Đối với vụ án đã có hiệu lực pháp luật này, khi phát hiện tính tiết mới, cơ quan điều tra đã báo cáo viện trưởng VKSNDTC biết để thực hiện quyền kháng nghị tái thẩm theo thẩm quyền. Vì vậy, theo tôi chỉ sau khi có quyết định tái thẩm hủy các bản án để điểu tra lại từ đầu thì cơ quan điều tra mới có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Chấn, đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với Chung về tội “Giết người” mà không phải ra quyết định khởi tố vụ án mới . Theo đó, cơ quan điều tra vẫn có thẩm quyển quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về tội “Cướp tài sản“ và “đe doạ giết người" để khởi tố bị can đối với Chung về tội “Cướp tài sản, đối với ông Chúc về tội “đe doạ giết người “ nếu việc khởi tố có đầy đủ dấu hiệu phạm tội và còn trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự .
Trong thời gian chưa có quyết định tái thẩm thì ngày 29/10/2013, VKSNDTC đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Giết Người “, khởi tố bị can đối với Chung về tội danh này. Như vậy cùng một vụ án, cùng một người bị hại đã tồn tại hai quyết định khởi tố vụ án do hai cơ quan khác nhau cùng ban hành. Một quyết định do Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố năm 2003, một quyết định do VKSND tối cao khởi tố tháng 10/2013? Điều này liệu có phù hợp với quy định của BLTTHS? Câu trả lời xin nhường cho các cơ quan có thẩm quyền và các chuyên gia pháp luật trong lĩnh vực tố tụng hình sự.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Đoàn Luật sư Khánh Hòa )