Liên quan đến vụ nổ kinh hoàng ở Bắc Ninh, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt để tạm giam đối với Nguyễn Văn Tiến (54 tuổi, ở thôn Quan Độ, Văn Môn, huyện Yên Phong, hiện đang cư trú tại Phố Mới, Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) về tội Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 304, Bộ luật Hình sự 2015.
Ông Tiến được xác định là chủ bãi phế liệu để xảy ra vụ nổ khiến 2 người chết và nhiều người khác bị thương ở xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Tại cơ quan điều tra, ông Tiến bước đầu khai nhận, từ tháng 12/2016 có mua khoảng 7 tấn đầu đạn cũ loại 12 ly 7 và 14 ly 5 để tháo dỡ lấy phế liệu. Số đầu đạn trên được tập kết tại khu vực sân vườn nhà ông Tiến và ngày 3/1 đã xảy ra vụ nổ. Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đang làm rõ nguồn gốc số đầu đạn mà bị can Tiến để ở xã Văn Môn.
Nhận định về vụ việc, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng VP Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: "Có thể nói, vụ nổ vừa xảy ra ở Yên Phong, Bắc Ninh là vụ việc kinh hoàng, thiệt hại nghiêm trọng với tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân, gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Vụ việc này một lần nữa là tiếng chuông cảnh tỉnh trong việc quản lý vũ khí quân dụng, vật liệu nổ cũng như công tác quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân khi thực hiện các hoạt động thu gom phế liệu, rác thải".
Theo luật sư Đặng Văn Cường, hiện nay, chúng ta đã có đầy đủ các quy định pháp luật về xử lý, phân loại rác thải và các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ. Có nhiều cơ quan, tổ chức được phân công quản lý trong những lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện tượng "cưa bom", "chặt đạn"... vẫn thường xuyên xảy ra và gây thương vong, thiệt hại nghiêm trọng tới sức khỏe, tài sản của công dân.
Vì vậy, câu chuyện trách nhiệm sẽ được đặt ra với chính quyền địa phương nơi để xảy ra vụ việc, trước tiên là trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân biết mà chấp hành cho đúng tránh những hậu quả đáng tiếc như vụ việc này.
Trách nhiệm tiếp theo được đặt ra là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát trong hoạt động kinh doanh thu mua phế liệu của trường hợp này... Các kho chứa rác thải, phế liệu nằm ngay trong khu dân cư là không đảm bảo an toàn, không phù hợp với quy định pháp luật. Những cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong vụ việc này cần phải được xem xét trách nhiệm và xử lý theo quy định pháp luật.
Về mức án mà chủ bãi phế liệu có thể đối mặt, luật sư Đặng Văn Cường đánh giá: Hiện nay, chúng ta đã có luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Vì vậy, thời điểm này luật chưa có hiệu lực pháp luật để áp dụng. Việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ vẫn được áp dụng căn cứ vào Pháp lệnh số 16 ngày 30/6/2011. Theo đó, Điều 3 của Pháp lệnh quy định: Vũ khí gồm vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
Như vậy, nếu trên hiện trường thu được các loại vũ khí quân dụng như đã nêu tại khoản 2, Điều 3, Pháp lệnh số 16 thì người mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng sẽ bị khởi tố theo quy định tại Điều 304, BLHS năm 2015 về tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Với hậu quả làm chết 2 người, gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho nhiều người, thiệt hại về tài sản nhiều tỷ đồng thì những người vi phạm trong trường hợp này có thể bị xử lý theo khoản 4, Điều 304, BLHS năm 2015 với hình phạt là bị phạt tù từ 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, khoản 6, Điều 3 Pháp lệnh số 16 năm 2011 quy định: Vật liệu nổ gồm thuốc nổ và các phụ kiện nổ. Vì vậy, nếu trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn thu giữ được thuốc nổ hoặc các phụ kiện nổ thì người tàng trữ, mua bán vật liệu nổ còn bị xử lý về tội danh theo quy định tại Điều 305, BLHS. Với tội danh này thì hình phạt cao nhất cũng là tù chung thân.
Bên cạnh trách nhiệm hình sự, đối với trách nhiệm dân sự, những người buôn phế liệu là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Điều 589, Điều 591 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
"Hiện nay mới là giai đoạn đầu của vụ việc, cơ quan điều tra mới chỉ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thu thập vật chứng vụ án, dấu vết, xác định thiệt hại về người và tài sản để làm căn cứ thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật. Nếu có dấu hiệu của các tội danh khác, hoặc phát hiện các vi phạm khác của những người có liên quan thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật. Vũ khí là các loại bom, mìn, lựu đạn, đạn, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ mới có thể phát nổ. Ngoài vũ khí nêu trên thì vật liệu nổ cũng có thể phát nổ và gây nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản của con người", luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng: từ 3 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 1 đến 5 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 5 đến 15 quả mìn, lựu đạn; từ 3 đến 10 quả đạn cối, đạn pháo; từ 300 đến 1.000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 200 đến 600 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam thuốc nổ các loại hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 2 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
đ) Vật phạm pháp có số lượng: từ 11 đến 30 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 6 đến 20 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 16 đến 45 quả mìn, lựu đạn; từ 11 đến 30 quả đạn cối, đạn pháo; từ 1.001 đến 3000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 601 đến 2.000 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam thuốc nổ các loại; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng: từ 31 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên trở lên; từ 21 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41 trở lên; từ 46 quả mìn, lựu đạn trở lên; từ 31 quả đạn cối, đạn pháo trở lên; từ 3001 viên đạn trở lên (đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống); từ 2.001 viên đạn súng máy cao xạ trở lên (đạn cỡ 12,7 ly đến 25 ly); từ 101 kilôgam trở lên thuốc nổ các loại; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên.
b) Làm chết 3 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
V.Hương