“Vi phạm ngoài ý muốn” (?)
Báo Người đưa tin vừa nhận được một số đơn từ, hồ sơ chứng nhận của Công ty Thuận Phong liên quan đến nghi án sản xuất phân bón giả của cty này gây bất bình dư luận thời gian qua.
Theo đó, ngày 17/7/2017, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Thuận Phong đã gửi “Đơn giải trình và nhận khuyết điểm” tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, Trưởng ban Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
Sau đó, đơn giải trình trên cũng đã được công ty Thuận Phong gửi tới báo Người đưa tin và một số cơ quan báo chí khác.
Trong đơn, cty Thuận Phong nhận khuyết điểm về các “vi phạm về hợp quy, về đăng ký kinh doanh, về chỉ dẫn sở hữu công nghiệp”, “thiếu thông tin bắt buộc về nơi sang chiết đóng chai phân bón tại Việt Nam”, “sản xuất phân bón không đạt mức sai số định lượng cho phép so với mức công bố”.
Như vậy, Công ty Thuận Phong tiếp tục khẳng định họ chỉ vi phạm hành chính. Liên quan đến nhận định này, trước đó, trong khi bộ Công an cho rằng không đủ căn cứ khởi tố về tội sản xuất phân bón giả, thì bộ Tư pháp, bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng lại khẳng định, Thuận Phong sản xuất hàng giả, nên phải khởi tố hình sự.
Cuối bản giải trình, DN khẳng định “đã nhận thức được toàn bộ vi phạm” và đã nghiêm túc chấp hành việc nộp phạt, đồng thời có biện pháp xử lý khắc phục các nội dung vi phạm, kỷ luật sa thải một số cán bộ quản lý, kỹ thuật có liên quan và mong muốn được chấm dứt vụ việc kéo dài suốt 2 năm qua, được sản xuất trở lại, tránh tình trạng phá sản.
Gửi kèm theo đơn giải trình nói trên còn có Thông báo của Đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh Đồng Nai ký ngày 13/7/2017 về “Kết quả thử nghiệm lần 1 và lần 2 của 29 mẫu phân bón Cty SXTM Thuận Phong”, Bảng phân tích tổng hàm lượng dinh dưỡng phân bón vô cơ so với công bố và một số chứng từ khác chứng minh chất lượng và thương hiệu doanh nghiệp.
Đây được coi là lên tiếng chính thức của Công ty Thuận Phong sau khi vụ việc xảy ra hồi tháng 5/2015 cộng với áp lực của công luận và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Chờ kết luận cuối cùng…
Trước đó, báo Người đưa tin đã đăng tải loạt bài về nghi án cty Thuận Phong sản xuất phân bón giả. Theo đó, ngày 24/4/2015, đoàn công tác của ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh tại công ty Thuận Phong.
Qua quá trình kiểm tra, đoàn công tác xác định trong quá trình sản xuất phân bón nhập khẩu từ Mỹ của công ty Thuận Phong có dấu hiệu làm giả. Cụ thể là, trong 29 mẫu phân bón do Công ty Thuận Phong sản xuất và đang lưu giữ tại kho, qua giám định, 19/29 mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu so với công bố, hàm lượng chất chính thấp hơn 70% so với tiêu chuẩn chất lượng ghi trên nhãn; một số mẫu còn lại ở mức kém chất lượng, chỉ đạt hơn 10% hàm lượng. Vụ việc được chuyển cho cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai thụ lý.
Ngày 27/8/2015, sau 4 tháng điều tra, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã công bố kết quả điều tra vụ việc và kết luận: Vi phạm của Công ty Thuận Phong là vi phạm áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không đủ yếu tố cấu thành tội hình sự. Do đó, hai cơ quan này đề nghị chuyển vụ việc sang Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tháng 10/2015, phía Công ty Thuận Phong cũng đã gửi văn bản và một số tài liệu tới báo chí cung cấp thêm thông tin và có một số phản hồi khẳng định rằng “Thuận Phong không sản xuất hàng giả”.
Ngày 15/4/2016, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định đình chỉ vụ án và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đồng thuận với quyết định này.
Ngày 31/5/2017, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có văn bản yêu cầu hủy quyết định không khởi tố để tiếp tục điều tra làm rõ. Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty Thuận Phong.
Như vậy sau hai năm, nghi án này rơi vào bế tắc vì những xung đột trong ý kiến của các cơ quan liên quan thì hiện nay nó đang được phục hồi điều tra. Người nông dân cũng như dư luận đang trông chờ vào kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.
Báo Người đưa tin sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến vụ việc.
Minh Minh