Cử tri bức xúc với vụ VN Pharma, đổi mới tuyển sinh ĐH và tham nhũng

Cử tri bức xúc với vụ VN Pharma, đổi mới tuyển sinh ĐH và tham nhũng

Đỗ Thị Thơm

Đỗ Thị Thơm

Thứ 4, 11/10/2017 17:04

Chiều 11/10, bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã thay mặt ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri tại phiên họp thứ 15 của ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các đoàn Đại biểu Quốc hội và 2.396 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Cử tri lo lắng về vụ VN Pharma

Xã hội - Cử tri bức xúc với vụ VN Pharma, đổi mới tuyển sinh ĐH và tham nhũng

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo báo cáo, thời gian qua, bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân vẫn thể hiện sự lo lắng trước tình trạng nhập khẩu và bán thuốc chữa bệnh kém chất lượng với số lượng lớn, đặc biệt là vụ án nhập khẩu hàng nghìn hộp thuốc điều trị ung thư của công ty Cổ phần VN Pharma; dịch sốt xuất huyết bùng phát nhanh, kéo dài trên phạm vi rộng, một số nơi khó kiểm soát dẫn đến quá tải các bệnh viện.

Vụ công ty Cổ phần VN Pharma có hành vi nhập thuốc điều trị ung thư, làm giả con dấu tại TP.HCM, dư luận cho đây là việc hết sức nguy hại: Nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg, loại thuốc đặc trị ung thư mà theo kết luận giám định của bộ Y tế, lô thuốc này 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Băn khoăn với đổi mới trong tuyển sinh đại học

Báo cáo cũng chỉ ra, kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm học 2017-2018 có những đổi mới theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân băn khoăn về việc đổi mới trong tuyển sinh đại học, phản ánh một số bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp trung học và tuyển sinh đại học năm 2017, điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào của một số trường đại học, cao đẳng và cách thức tính điểm ưu tiên vào các trường đại học chưa hợp lý; cách thức tổ chức và chất lượng học ngoại ngữ hiệu quả chưa cao; tình trạng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị ở một số nơi vẫn còn thiếu thốn, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chất lượng đào tạo sau đại học, dạy nghề còn hạn chế; tình trạng các doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tuyển dụng đối với lao động từ 35 tuổi trở lên; tình trạng “lạm thu” đầu năm học với nhiều khoản thu quá cao, bất hợp lý gây khó khăn và bức xúc cho phụ huynh và gia đình.

Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát các chính sách, quy định về tuyển sinh đại học, khuyến khích học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ở địa phương; nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và dạy nghề để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động; đề xuất bổ sung quy định về quy chuẩn, quy trình sa thải lao động của các doanh nghiệp; kiên quyết chấn chỉnh ngay tình trạng “lạm thu” trong các nhà trường và triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục tổng thể trong thời gian tới.

Hành vi tham nhũng ít bị xử lý hình sự

 

Xã hội - Cử tri bức xúc với vụ VN Pharma, đổi mới tuyển sinh ĐH và tham nhũng (Hình 2).

Các dự án BOT được cử tri đặc biệt quan tâm. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Các ý kiến của cử tri và nhân dân phản ánh việc phát hiện tham nhũng chưa kịp thời, công tác tự kiểm tra, thanh tra chưa thực sự hiệu quả; hành vi tham nhũng tuy đã bị xử lý hành chính, kỷ luật nhưng ít bị xử lý hình sự; một số dự án lớn đầu tư thua lỗ, gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước nhưng chưa có phương án giải quyết và xử lý kịp thời; kết quả thu hồi tài sản tham nhũng thấp; việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hạn chế.

Cử tri và nhân dân bức xúc về tình trạng lợi dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ; việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu và không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương.

Chỉ định thầu BOT còn sai phạm

Về quản lý đô thị và giao thông vận tải, các dự án BOT nổi lên là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm. Cử tri và Nhân dân đánh giá cao chủ trương của Nhà nước về việc triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân tại một số địa phương phản ánh về việc phê duyệt, đầu tư, quản lý và vận hành các trạm BOT giao thông còn nhiều bất cập. Nhiều người dân thể hiện thái độ không đồng tình trước việc đặt các trạm thu phí quá dày, không phù hợp; mức phí quá cao, không hợp lý; việc chỉ định thầu còn sai phạm, thiếu công khai, minh bạch; hệ thống hành lang pháp lý chưa rõ ràng, công tác quản lý Nhà nước về dự án BOT còn bộc lộ nhiều hạn chế, gây lãng phí và thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ Giao thông Vận tải và chính quyền các địa phương khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động của các dự án BOT giao thông; bảo đảm công khai, minh bạch trong đầu tư, hoạt động; nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước; khẩn trương đồng bộ hóa và áp dụng công nghệ thông tin trong thu phí để giảm thất thoát và tránh ùn tắc; nghiên cứu xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát của Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các dự án BOT giao thông.

Phát biểu thảo luận về bản báo cáo này, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Báo cáo của ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khá chi tiết. Tuy nhiên, theo tôi rất nhiều phần minh chứng cho nội dung trong báo cáo nằm ở phần phụ lục kèm theo để người dân hiểu rõ. Vì thế, tôi đề nghị báo cáo cần thêm một số thông tin số liệu để người dân, cử tri biết.

Tôi lấy ví dụ như đánh giá về kiến nghị của cử tri về một số bất cập của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Cụ thể là việc xét tuyển đại học còn nhiều bất cập như có trường thí sinh 30 điểm/3 môn vẫn bị trượt; ngược lại một số trường sư phạm thí sinh 3 điểm/môn vẫn trúng tuyển”.

Đóng góp cho báo cáo này, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu quan điểm: “Theo tôi, ngoài việc liệt kê các sự việc, báo cáo cần phân tích có bao nhiêu nội dung về chính sách, bao nhiêu là chuyện riêng của người dân. Nếu là các vấn đề chính sách, tỷ trọng các mảng như thế nào, ý kiến của người dân ở các địa bàn ra sao, có khác nhau hay không? Từ đó, chúng ta có những đánh giá khái quát”.

Đỗ Thơm (ghi)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.