Vào lúc 16h chiều ngày 30/7, tại khu vực Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), trong khi khắp nơi đang gồng mình chống bão thì người dân ở đây vẫn hoạt động bình thường như bão đã đi qua. Ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: “Theo kinh nghiệm dân gian thì bão sẽ không đổ bộ vào đất liền ở Lộc Hà nữa. Cơn gió Tây Nam thổi từ dãy Trường Sơn ra dường như đã làm bão chuyển hướng”.
Người dân Nghệ An bồng bế nhau chạy bão
Mặc dù được chính quyền và các phương tiện truyền thông cảnh báo vùng biển Lộc Hà sẽ bị ảnh hưởng nhưng tại chợ cá Thạch Kim, từ sáng đến chiều ngày 30/7, người dân và tiểu thương vẫn tiến hành buôn bán bình thường. Những chiếc xe đông lạnh chở hải sản vẫn tấp nập vào chợ lấy hàng.
Một người dân đang đứng trước bãi biển cho hay: “Không biết lần này bão có vào hay không, nhưng người dân ở đây vẫn thường dựa vào kinh nghiệm của bản thân hơn cảnh báo của lực lượng chức năng. Theo chúng tôi thì sẽ không có bão”.
PV đã ghi lại hình ảnh, nhiều trẻ con vẫn hồn nhiên nô đùa ngoài bãi biển, xem như chẳng có chuyện gì. Huyện Lộc Hà là một trong hai huyện tại Hà Tĩnh được dự báo sẽ bị cơn bão số 3 đổ bộ vào.
Tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa), mặc dù được dự báo, tâm bão đi qua nhưng theo người dân, cả sức gió và lượng mưa đều không lớn nên chưa xảy ra sự cố.
Tại xã ven biển Ngư Lộc (Hậu Lộc), một trong những vùng được xác định bão sẽ đổ bộ, từ khoảng 9h sáng trời bắt đầu mưa, nhưng không lớn. Đến chiều tối 30/7, gió có xu hướng giảm, mưa cũng không nặng.
Trong khi đó, nơi không được xác định bão đổ bộ, không phải là tâm bão, nhưng thiệt hại lại rất lớn là huyện đảo Cát Hải, triều cường kết hợp sóng lớn tràn qua đê gây ngập lụt 1/3 thị trấn Cát Hải. Toàn bộ tuyến đê Bến Gót - Gia Lộc dài 3 km bị sạt lở nghiêm trọng.
Tại Đồ Sơn, sóng mạnh cao hàng chục mét đã phá vỡ hơn 600 m bờ kè khu vực du lịch quốc tế Hòn Dấu. Nước biển tràn vào trung tâm quận gây ngập sâu. Cho đến cuối ngày 31/7, khi bão đã tan, nhiều người dân vẫn không biết bão đã vào đất liên từ lúc nào và đâu làm tâm bão.
Ông Phạm Xuân Tứ (68 tuổi) trú tại xóm 7, xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã chết do bị điện giật và ông Cà Văn Biến (60 tuổi) trú tại khu vực suối Chiềng Xôm, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã (Sơn La) chết do bị sét đánh khi mưa to. Cả hai ông đều chết khi đang thực hiện việc di dời tránh bão.
Xuân Hồng