Có một thời ở Bản Mù (Trạm Tấu, Yên Bái) khói thuốc phiện quyện trong sương sớm. Người Mông ở Bản Mù cũng u mê theo cơm đen, khói trắng. Những vạt dài suốt khắp các triền núi của Bản Mù tím trời hoa anh túc. Giàng A Pua (SN 1944, thôn Khấu Ly, xã Bản Mù, Trạm Tấu) ngày đó đã phát hiện ra những con khe, con suối có thể trồng được cây anh túc, cộng thêm bí quyết chế thuốc phiện đã đưa Giàng A Pua thành một ông “vua thuốc phiện” giữa thủ phủ sương mù. Nhờ được cán bộ tuyên truyền, cải tạo, Pua đã đập bàn đèn, đốt thuốc phiện, trở lại làm người lương thiện.
“Bản Mù đã thay đổi rất nhiều rồi, người Mông, người Thái không còn bị con ma anh túc làm cho mộng mị nữa đâu. Cuộc sống của tôi đã hồi sinh, không còn cái tên “vua thuốc phiện” nữa, nhờ được cán bộ tuyên truyền, tôi đã đập bàn đèn, đốt thuốc phiện và thay vào đó là những nương ngô, nương lúa”, Giàng A Pua tâm sự.
“Ông vua không ngai”...
Chúng tôi đến trung tâm xã Bản Mù nằm ở bản Mù Thấp, cách thị trấn Trạm Tấu 11km, nằm trên đầu nguồn dòng suối Thia, một số bản ở độ cao gần 2.000m. Vùng đất này lúc nào cũng chìm trong mây mù, nên có tên như vậy. Tuy nhiên, từ trung tâm xã, để đến được bản xa nhất như Giàng La Pán, Háng Chi Mua, Tàng Ghênh, nằm trong vùng giáp ranh với Phù Yên và Bắc Yên của Sơn La thì phải mất một ngày đi bộ liên tục.
“Những ngày còn mê muội, công tác xóa cây thuốc phiện ở Bản Mù gặp rất nhiều khó khăn bởi người dân vẫn chưa hiểu hết tác hại của thuốc phiện. Trong công tác xóa cây thuốc phiện, nhiều người ở Bản Mù còn nhắc mãi đến Giàng A Pua và coi Pua như một ông vua không ngai trong vùng thuốc phiện”, Chủ tịch xã Sùng A Luầ gợi nhớ chúng tôi về một thời gian khổ trong công cuộc xóa cây thuốc phiện. Sau chén rượu giao bôi, chúng tôi men theo những triền lúa nương, những con đường lầy lội tìm đến nhà Giàng A Pua.
Trên đường đi, Đại úy Nguyễn Đức Thịnh, cán