Những khó khăn và dự báo
Dệt may là một trong 9 ngành xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam được kỳ vọng sẽ cán đích xuất khẩu 39 tỷ USD năm nay. Thế nhưng, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến các nhà máy sản xuất buộc phải đóng cửa, đứng trước nguy cơ mất đơn hàng.
Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong đợt dịch vừa qua, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hóa cũng như việc thực hiện “3 tại chỗ”, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục sản xuất phải đóng cửa, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Tập đoàn.
“Nhiều đơn hàng không thể kịp tiến độ nên chúng tôi phải thương thuyết với khách hàng để giãn thời gian giao hàng. Đối với đơn hàng mới, lẽ ra bây giờ là thời điểm phải ký đơn hàng cho cuối năm 2021 và đầu năm 2022 nhưng vừa qua nhiều khách hàng đã “bỏ đi” khi không biết bao giờ doanh nghiệp tiếp tục tái sản xuất lại”, ông Hiếu cho hay.
Theo ông Hiếu, vấn đề khiến doanh nghiệp “đau đầu” là tiêm vắc-xin cho công nhân và khó khăn về nhân lực lao động trong thời gian tới. Bởi hiện nay lao động đã về quê hết, thời điểm đi làm lại chỉ được 50%, việc tuyển dụng lao động mới sẽ gặp nhiều khó khăn và chất lượng lao động sẽ không đồng đều.
Còn ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, doanh nghiệp thực hiện sản xuất đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16 hơn một tháng nay, số lượng công nhân thiếu hụt khoảng 10%, nên các đơn hàng xuất khẩu trong quý III/2021 sang Mỹ và các nước châu Âu bị chậm tiến độ khoảng 2 tuần. Với tình hình này, khả năng doanh nghiệp khó đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm 2021.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra dự báo không mấy khả quan: Với kịch bản tốt nhất thì năm nay, xuất khẩu chỉ có thể đạt khoảng 32-33 tỷ USD, trong khi mục tiêu ban đầu đặt ra năm 2021 sẽ xuất khẩu khoảng 39-39,5 tỷ USD sản phẩm dệt may.
Tương tự, ngành Da giày cũng gặp phải nhiều khó khăn. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam chia sẻ, tác động của dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp da giày bị thiệt hại lớn do phải ngừng hoặc giảm sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương người lao động... Hiện nay, các doanh nghiệp khu vực phía Bắc dù vẫn hoạt động, nhưng với công suất chỉ đạt 50% do thiếu nguyên phụ liệu từ các nhà máy phía Nam. Trong khi đó, việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc cũng không thuận lợi, do việc di chuyển gặp khó khăn, khiến các đối tác đã dần chuyển đơn hàng sang nước khác.
Giải pháp "cứu nguy” cho doanh nghiệp
Theo Bộ Công Thương, năm 2021, sản lượng một số mặt hàng chính của 2 ngành đều sụt giảm và thấp hơn so với mục tiêu đặt ra. Thậm chí, trong năm 2022, sản xuất sẽ tiếp tục gặp khó khăn, mức độ hồi phục của sản xuất, kinh doanh phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh và việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Bộ Công Thương vẫn đang bám sát diễn biến thị trường, phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ kịp thời những nút thắt cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành Dệt may, da giày giai đoạn từ năm 2021- 2030; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất; xanh hóa ngành Công nghiệp dệt may, da giày; phát triển dệt, nhuộm trong nước, bảo đảm nhu cầu vải cho ngành…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh rủi ro, bảo đảm các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn hiện tại cho doanh nghiệp, giữ vững thị trường xuất khẩu, đi đôi với phát triển thị trường nội địa; tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm dệt may, da giày Việt Nam tại Mỹ, EU; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tuân thủ triệt để những điều khoản về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ của các thị trường nhập khẩu.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, để giữ đơn hàng cho năm tới, các doanh nghiệp đã cố xoay xở, tìm nhiều giải pháp. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đã đề xuất phương án mở cửa sản xuất với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, đưa lao động vào sản xuất không quá 30% công suất trong 2 tuần đầu, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và 3 với 50% và 70% công suất.
Trong khi đó, ông Cao Hữu Hiếu kiến nghị, Nhà nước tiếp tục khai thác nguồn vắc-xin nhiều nhất, nhanh nhất và tiêm đúng đối tượng; thống nhất giữa các địa phương về quy định kiểm tra và phân luồng giao thông để hàng hóa xuất nhập khẩu, nguyên liệu cho sản xuất và đẩy nhanh thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động theo quy định để “trợ lực” kịp thời cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.
Những con số đáng suy ngẫm và kiến nghị nhằm phục hồi sau khi dịch dần được kiểm soát
Ở thời điểm hiện tại, việc các địa phương triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch, nhất là tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trong văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam gần đây, các hiệp hội ngành hàng đã đưa ra con số chỉ 15-20% các doanh nghiệp thực hiện được mô hình sản xuất "3 tại chỗ", còn lại đa số doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng sản xuất.
Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất Tp.HCM, hiện có khoảng 600 doanh nghiệp của Thành phố tiếp tục hoạt động nhờ áp dụng chế độ này. Đây là con số quá ít ỏi so với hàng chục nghìn doanh nghiệp của Tp.HCM và các doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ không đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu.
Theo tính toán sơ bộ, một doanh nghiệp may với 4.000 lao động ngưng sản xuất, chỉ riêng khoản chi trả công nhân 14 ngày đầu, bình quân là 10 tỷ đồng. Hay một doanh nghiệp da giày với khoảng 9.000 lao động, chi phí triển khai các biện pháp phòng chống dịch mất khoảng 1 triệu USD, chưa kể chi phí đầu vào tăng 5-10%. Nhiều lao động bỏ về quê tránh lây lan dịch bệnh và khó khăn trong việc đi lại, di chuyển giữa các địa phương do phong tỏa, giản cách xã hội.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho hay, nhiều doanh nghiệp khó tổ chức sản xuất theo “3 tại chỗ” (3T), một số doanh nghiệp tổ chức được thì lại gặp khó khăn về tập hợp nhân lực lao động. “Vấn đề nhân lực lao động còn tiếp tục khó khăn trong thời gian dài, bởi hiện nay lao động đã về quê hết. Sau dịch bệnh, việc tuyển dụng lao động sẽ nhiều khó khăn”, ông Giang cho biết.
Mới đây, tại văn bản số 147/2021/VITAS-CS góp ý về Dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 của Chính phủ, Vitas đề nghị cắt giảm các chi phí để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó bao gồm việc giảm 30% giá điện cho các kho chứa hàng hóa của các doanh nghiệp logistics cho đến hết năm 2021.
Đồng thời kèm theo hàng loạt kiến nghị khác như dừng, giảm, hoãn thu phí cảng biển theo từng giai đoạn cụ thể; tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giãn, thời gian trả nợ gốc và lãi; miễn, giảm phí BHXH...
Hương Anh ( Tổng hợp từ báo Tin tức/TTXVN, báo Lao Động)