Xã hội hóa trong trường học: Tự nguyện hay ép buộc?

Xã hội hóa trong trường học: Tự nguyện hay ép buộc?

Hà Công Luân

Hà Công Luân

Thứ 2, 04/09/2017 06:30

TP.Hà Nội đã thực hiện xã hội hóa giáo dục nhiều năm nay. Tuy nhiên, không ít trường trong quá trình thực hiện gây những bức xúc cho phụ huynh. PV báo Người Đưa Tin đã có khảo sát nhỏ tại địa bàn Thủ đô để hiểu rõ hơn thực trạng này.

Phụ huynh khó xử

Những năm gần đây, việc xã hội hóa giáo dục được các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội triển khai mạnh mẽ và tạo ra nhiều chuyển biến tích cực cho công tác dạy và học. Tuy nhiên, không ít cơ sở giáo dục vẫn chưa thực hiện đúng quy định, đưa ra nhiều khoản thu lớn và chưa có được sự đồng thuận cao từ phía phụ huynh học sinh.

Từ lý do này, nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc, hoài nghi. Họ sợ nếu làm không khéo, việc xã hội hóa giáo dục sẽ tiếp tay cho tình trạng lạm thu. Có nhiều phụ huynh cho rằng, khi được thông báo về các khoản xã hội hóa thì họ đều “nhắm mắt” đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến việc học hành của con cái.

Cuối tháng Tám, phản ánh với PV báo Người Đưa Tin, nhiều phụ huynh đang có con theo học tại trường THCS Ái Mộ (Q. Long Biên, Hà Nội) cho biết, mặc dù chưa khai giảng cũng như chưa họp phụ huynh đầu năm, nhưng giáo viên chủ nhiệm đã thông báo về việc nộp tiền xã hội hóa để lắp điều hòa cho học sinh. Chị N.N.T., có con đang học lớp 9 cho biết: “Thời điểm hiện tại đã sang mùa thu, trời không còn nóng nữa. Nếu như chúng tôi mua điều hòa cho các cháu thì không hợp lý. Hơn nữa con tôi đã học cuối cấp và không sử dụng được nhiều”.

Xã hội - Xã hội hóa trong trường học: Tự nguyện hay ép buộc?

Nhiều phụ huynh khó xử trước việc xã hội hóa. (Ảnh minh họa).

Không chỉ có vậy, chị M.A., một phụ huynh khác cũng có con đang học lớp 9 cho hay: “Chúng tôi chưa được họp phụ huynh đầu năm để cùng thống nhất về việc mua điều hòa, mà chỉ nhận được thông báo mỗi học sinh phải đóng 200.000 đồng để mua điều hòa. Theo tôi được biết, việc xã hội hóa phải công khai và nhận được sự đồng thuận của tất cả phụ huynh”.

Cứ mỗi khi vào năm học mới, gia đình bà P., cũng như nhiều phụ huynh khác đang có con theo học tại trường THCS Ái Mộ phải sắm sửa đồ dùng học tập cho 2 đứa con của mình, việc nhà trường thông báo đóng tiền mua điều hòa cho cậu con trai đang học lớp 9 của bà P. khiến cho bà không khỏi bức xúc: “Nhà trường thông báo việc mua điều hòa, thế nhưng dù có thắc mắc thì phụ huynh chúng tôi cũng phải ký đồng ý vì có những điều rất khó xử. Nhà trường đưa ra thì bắt buộc phụ huynh phải nộp cho con em mình thôi. Tuy nhiên, nhiều người thấy việc thu như vậy là không phù hợp”. 

Việc xã hội hóa phải là tự nguyện

Anh Nguyễn Văn Thắng đang có con theo học một trường tại quận Cầu Giấy cho hay: “Việc xã hội hóa giáo dục chúng tôi ủng hộ, tuy nhiên nhà trường chỉ nên mua sắm những thứ thật sự cần thiết. Khi có thông báo việc xã hội hóa chúng tôi dù muốn hay không đều phải đồng ý, vì e sợ ảnh hưởng tới con”.

Đồng quan điểm trên, chị Hoàng Minh N. (quận Hà Đông) cho rằng: “Mỗi năm học mới có nhiều khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh đối với lớp học và nhà trường như trang bị tủ, kệ, bàn để cặp cho học sinh, trang trí lớp học; cải tạo sân trường, khu năng khiếu, khu vui chơi... Theo tôi, nếu vận động đủ kinh phí thì làm, không đủ kinh phí thì dừng lại và xin kinh phí của chính quyền địa phương, không nên huy động, ép buộc phụ huynh phải đóng góp tự nguyện cho lớp, cho nhà trường sẽ dẫn đến một số phụ huynh rơi vào thế phải chấp nhận, bị ép nộp là không đúng tinh thần tự nguyện và chủ trương xã hội hóa trong hoạt động giáo dục hiện nay”.

Anh Ngô Kim Lộc (phụ huynh học sinh trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Q. Hai Bà Trưng) thẳng thắn nêu quan điểm: “Thu tự nguyện là để phục vụ trực tiếp cho việc học tập của học sinh trong lớp chứ không phải để mua bàn ghế, đồ trang trí, điều hòa hay các hạng mục khác. Cần kiểm soát hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, tránh để ban này trở thành “hội phụ thu” của nhà trường. Hiệu trưởng/giáo viên chủ nhiệm không thể nói là không biết ban đại diện phụ huynh dự kiến làm gì, thu những khoản nào...”.

Xã hội - Xã hội hóa trong trường học: Tự nguyện hay ép buộc? (Hình 2).

Bà Phạm Thị Lệ Hằng.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, TP.Hà Nội cho biết : “Tại các trường trên địa bàn quận chúng tôi thực hiện xã hội hóa trên tinh thần tự nguyện, tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc sau: Nguyên tắc về lợi ích hai chiều, nguyên tắc tình cảm, tự nguyện hay nguyên tắc “đồng thuận”, nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc phù hợp, thích ứng hay nguyên tắc “mềm dẻo”. Chúng tôi xác định mỗi hoạt động hợp tác, phối hợp đều phải xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của hai phía, nhà trường và cộng đồng. Cần quán triệt nguyên tắc lợi ích hai chiều trong việc triển khai các biện pháp cụ thể, phải đảm bảo rằng kết quả của việc xã hội hóa giáo dục không chỉ mang lại lợi ích cho giáo dục, cho nhà trường mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho những người tham gia, cho cộng đồng, địa phương, thì biện pháp đó mới khả thi và có sức sống. Không chỉ Hà Đông mà các địa bàn khác khi thực hiện cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc này thì mới thành công”.

Chia sẻ về kinh nghiệm xã hội hóa đối với học sinh cuối cấp, bà Hằng nói: “Đối với học sinh cuối cấp (lớp 5, 9) khi nhà trường thực hiện xã hội hóa để mua sắm trang thiết bị đều phải dựa trên nguyên tắc giảm dần.Tức là học sinh lớp 1 phụ huynh sẽ đóng góp nhiều hơn lớp 5. Việc xã hội hóa với mục đích phụ huynh và nhà trường cùng chia sẻ để cho các con có một môi trường học tập tốt, chính vì vậy lợi ích của học sinh phải đặt lên đầu. Các trường không nên cố gắng xã hội hóa chỉ vì cho trường mình đẹp”. 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.