Gas cũng lên giá?
Thông tin từ các hãng gas trong nước cho biết, gas thế giới hiện đang được chào bán với giá 1.000 USD/tấn, tăng 50 USD/tấn so với mức giá công bố hồi đầu tháng 9/2012. Đó là lý do để các hãng gas bàn tính việc tăng giá bán.
Trước đó, vào đầu tháng 9, giá gas bán lẻ trong nước đã tăng 51.000 đồng, lên 418.000 đồng/bình 12 kg. Tuy nhiên, các hãng gas cho rằng, nếu mức giá trên thị trường gas thế giới vẫn giữ nguyên cho đến hết tháng, các doanh nghiệp gas trong nước sẽ điều chỉnh giá bán lẻ tăng tương ứng khoảng 15.000 đồng/bình 12 kg.
Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh gas cũng cho rằng, Nhà máy Dinh Cố đã có thông tin về việc đấu thầu nguồn cung cấp gas với mức tăng hơn 20 USD/tấn chi phí premium (phí vận chuyển, lợi nhuận tài chính doanh nghiệp, bảo hiểm). Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá gas trong thời gian tới có thể tăng ít nhất 20.000 đồng/bình 12 kg.
Điện không chịu kém
EVN cũng đang “đau đầu” tính toán lại giá thành sản xuất kinh doanh ở khâu phát điện thương phẩm và so sánh với kế hoạch năm để điều chỉnh giá bán lẻ.
EVN sẽ điều chỉnh giá điện vào tháng 10
Trước đó vào tháng 7, EVN đã có đợt tăng giá và ngành điện lực cũng đang hình thành “thói quen” điều chỉnh giá đúng hạn kiểu xăng dầu khi thực hiện một cách nghiêm túc Thông tư 24 của Chính phủ.
Thông tư này quy định, việc điều chỉnh giá điện chỉ được thực hiện tối thiểu sau 3 tháng sau lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Như vậy, sang tháng 10 cũng là thời điểm tròn 3 tháng sau lần điều chỉnh giá điện trước đó.
Để chuẩn bị cho kế hoạch điều chỉnh giá điện vào đầu tháng 10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tính toán tổng chi phí giá thành phát điện thương phẩm của 1Kwh so với kế hoạch đầu năm để có quyết định cụ thể.
Tuy nhiên, theo như Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đặng Huy Cường thì phương án giá điện 2012 phải tính tới giá thành của cả một năm 2012 trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối bán lẻ, yếu tố mùa khô và mùa lũ nên việc phát thủy điện nhiều trong tháng mùa mưa lũ không có nghĩa là có điều kiện để giảm giá điện, mà phải tính chi phí phát điện thực tế so với chi phí theo kế hoạch. Vì thế, việc giảm giá điện là một thực tế rất xa vời và khó xảy ra.
Một tính toán khác cũng cho thấy, bình quân trong 4 năm từ nay đến 2015, lỗ chênh lệch tỷ giá được phân bổ vào giá điện bình quân sẽ vào khoảng là 6.600 tỷ đồng/năm. Vì thế, dù cơ cấu đầu vào của giá điện có giảm thì việc điện giảm giá vẫn là một ảo tưởng vì EVN sẽ lấy lý do phải bù lỗ để đưa vào giá điện và trong tình huống xấu nhất có thể giá điện sẽ còn tăng mạnh.
Việc của người dân lúc này có lẽ chỉ là chờ đợi những động thái tính toán của ngành điện trong những ngày sắp tới và phương án cuối cùng về việc điều chỉnh giá điện sẽ do Bộ Công Thương và Bộ Tài chính trả lời hoặc trình Thủ tướng quyết định.
Nếu giá xăng, giá gas rồi đến giá điện tăng đồng loạt, người dân thực sự đang gánh trên mình một gánh nặng quá lớn.
Khánh An