Cửa ô Thăng Long - Hà Nội xưa được sách "Bắc thành dư địa chí" đầu thế kỷ XIX ghi lại: Hà Nội có 21 cửa ô, nhưng sách này lại không kể đầy đủ tên của các cửa ô.
Ô Quan Chưởng ngày xưa
Đến năm 1931, khi hai ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến dựng bản đồ tòa thành Hà Nội đã ghi lại vị trí và tên của 16 cửa ô. Đó là Ô Yên Hoa nay là ngã ba đê Yên Phụ - đường Thanh Niên; Ô Yên Tĩnh nay là ngã ba đê Yên Phụ - Cửa Bắc; Ô Thạch Khối nay là đầu dốc Hàng Than; Ô Phúc Lâm nay là đầu phố Hàng Đậu; Ô Thanh Hà nay là Ô Quan Chưởng; Ô Trừng Thanh là ở phố Chợ Gạo cũ ngày nay; Ô Mỹ Lộc nay là ngã ba đường Trần Quang Khải - Hàng Mắm; Ô Đông An nay là ngã ba đường Trần Quang Khải - Hàng Thùng; Ô Tây Luông nay là Nhà hát Lớn Hà Nội; Ô Nhàn Hòa nay là ngã ba Trần Quang Khải -Trần Hưng Đạo.
Ngoài ra còn có Ô Thanh Lãng nay là Ô Đống Mác; Ô Yên Ninh ngã tư phố Huế - Đại Cồ Việt, tức Ô Cầu Dền; Ô Kim Hoa là ngã tư đường Giải Phóng - Đại Cồ Việt, tức Ô Đồng Lầm ngày nay; Ô Thịnh Quang nay ở ngã tư Hàng Bột-Khâm Thiên, tức Ô Chợ Dừa; Ô Thành Bảo nay là bến ôtô Kim Mã và Ô Thụy Chương là khoảng vườn hoa Tây Hồ ở đầu đường Hoàng Hoa Thám ngày nay.
Ngày nay, nhắc đến cửa ô Hà Nội, người ta nhắc tới năm di tích cửa ô là Ô Quan Chưởng, Ô Đống Mác, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền và Ô Cầu Giấy.
Quan Chưởng nằm trên phố Hàng Chiếu, ngay cạnh chợ Đồng Xuân. Đây là cửa ô duy nhất còn lại cổng ba cửa như cổng thành, có vọng lâu, xây bằng gạch vồ màu đỏ, có cả tấm bia đá của Tổng đốc Hoàng Diệu cho dựng vào năm 1882 nghiêm cấm binh lính quan nha không được sách nhiễu người dân qua lại đây vào thành. Ô Quan Chưởng được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (năm 1749) có tên là cửa Thanh Hà, vì đây vốn là đất thôn Thanh Hà, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ.
Ô này là một di tích lịch sử, nơi diễn ra trận chiến oanh liệt của quân dân Hà Nội chống lại thực dân Pháp xâm lược. Ngày 20/11/1873, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất. Từ bốn giờ sáng, tàu chiến Pháp đã tập trung tất cả đại bác bắn vào trong thành Hà Nội. Một cánh quân của chúng tiến tới Ô Quan Chưởng liền bị quân ta chặn lại.
Ô Đống Mác là tên cửa ô thời xưa, hiện nay nằm ở cuối phố Lò Đúc, nơi tiếp giáp phố Trần Khát Chân. Bản đồ Hà Nội năm 1831 gọi đây là cửa ô Thanh Lãng. Tới bản đồ năm 1866, cửa ô này được gọi là cửa ô Lãng Yên. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Đống Mác còn có tên là Ông Mạc. Vì năm 1782, từ nội thành về bến Thanh Trì, Hải Thượng Lãn Ông đã đi qua cửa ô này và ghi trong Thượng kinh ký sự: "Ngày 10/9, từ sáng tinh mơ, tôi qua cửa ô Ông Mạc. Cửa chưa mở”.
Ô Chợ Dừa ở ngã tư Hàng Bột - Khâm Thiên hiện nay. Theo Bản đồ Hà Nội, đường phố Khâm Thiên hình thành rất sớm với hàng loạt các thôn như Tương Thuận, Khâm Đức, Tô Tiền tổng Hữu Nghiêm, Trung Tả, Quan Thổ và Xã Đàn tổng Thọ Xương.
Thời Pháp thuộc, toàn bộ phố Khâm Thiên thuộc về địa phận tỉnh Hà Đông, huyện Hoàn Long. Ngoài mặt phố có các phòng trà, tiệm nhảy mọc lên rất hào nhoáng, sầm uất, nhưng sau lưng phố là một thế giới hoàn toàn khác. Đó là cuộc sống cơ hàn của những người dân lao động mất nước với những túp lều tranh xiêu vẹo.
Sau khi Thủ đô được giải phóng, phố Khâm Thiên mang một bộ mặt mới. Nhưng, một thảm cảnh đã xảy ra vào ngày 26/12/1972, giặc Mỹ đã rải bom tàn phá phố Khâm Thiên. Hiện nay, khi nói đến Ô Chợ Dừa là nói đến ngã sáu của các phố Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Đê La Thành, Nguyễn Lương Bằng, Xã Đàn.
Ô Cầu Dền ngày nay ở ngã tư phố Huế-Bạch Mai-Trần Khát Chân- Đại Cồ Việt: từ xa xưa, nơi đây có con sông nhỏ, trên có một cây cầu bắc qua với tên gọi là Cầu Dền. Vì vậy, cửa ô này lấy Cầu Dền làm tên gọi. Khu vực Ô Cầu Dền cũ bây giờ không còn dấu vết của quá khứ.
Ô Cầu Giấy nằm trên đường phố Cầu Giấy. Đây là một đường phố khá dài với 1.800m nối liền đường Kim Mã từ cổng Đền Voi Phục qua Cầu Giấy, bắc qua sông Tô Lịch đến ngã ba Nguyễn Phong Sắc-Xuân Thủy. iện Ô Cầu Giấy còn một ngôi đền nổi tiếng là đền Voi Phục. Ngoài cửa đền có đắp hai con voi quỳ phục nên đền có tên là Voi Phục.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hà Nội đã có nhiều cửa ô, con số các cửa ô thay đổi theo thời gian, hiện nay chỉ còn lại Ô Quan Chưởng.
Ngô Trọng Bình (Vietnam+)