Xây hàng rào điện để cứu voi

Xây hàng rào điện để cứu voi

Thứ 5, 27/12/2012 23:53

Để ngăn sự xâm hại của voi, lần đầu tiên tại Việt Nam, một hàng rào điện sẽ được dựng lên

Ông Trần Văn Mùi, giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa (BTTN-VH) Đồng Nai cho biết, để chấm dứt xung đột gay gắt giữa người và voi, Khu bảo tồn sẽ triển khai dự án làm hàng rào điện dài 30km (gồm 20km hàng rào cố định và 10km hàng rào di động) ở xã Phú Lý và xã Mã Đà.

Xã hội - Xây hàng rào điện để cứu voi

Ông Nhơn bên gốc cây xoài bị voi quật ngã

Xoài chín, voi về, dân khốn khổ

Anh Nguyễn Đức Tú - phó trưởng Phòng bảo tồn thiên nhiên và hợp tác của Khu BTTN - VH Đồng Nai dẫn chúng tôi vào sâu trong Khu bảo tồn ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Nơi đây là khu vực voi thường xuyên xuất hiện. Những ngày này, xoài đang trong giai đoạn cuối mùa thu hoạch, người dân tranh thủ hái để bán kiếm thêm thu nhập. Nhưng tìm đỏ mắt chúng tôi vẫn không thấy bóng lái buôn đến thu mua. Trong các vườn xoài, những dấu chân voi to bằng chiếc nón lá chưa kịp khô, còn hằn in khắp nơi.

Ông Đặng Văn Nhơn, trưởng ấp 2 xã Phú Lý chỉ tay về những cây xoài bị voi quật ngã nói: “Ông Bồ (cách gọi khác về voi của người dân địa phương - PV) thường ăn xong là rung cho cây rụng hết trái, dưới mỗi cây có hàng trăm kí xoài còn xanh tươi nhưng lái buôn không chịu mua. Voi phá bao nhiêu thì người dân gom lại cân kí để nhà nước hỗ trợ, xem như thiệt hại do thiên tai gây ra. Cùng đó, nếu lái buôn thu mua thì sẽ mua với giá quá thấp. Chẳng hạn, xoài cát Hòa Lộc giá chỉ 2.000 đồng/kg. Vì thế nên người dân trông cho voi phá để họ được nhận tiền bồi thường”.

Để mục sở thị, chúng tôi đi qua gần chục hecta trồng mì mới cao ngấp nghé đầu người, cũng đều đã bị voi giẫm nát. Mì rất đắng, voi không ăn nhưng vẫn nhổ phá. Còn các rẫy mía nhìn từ xa thấy rộng bạt ngàn nhưng khi lại gần thì đã bị voi ăn hết đọt. Những cây đã có đủ lượng đường đều bị voi quật nát.

Bà Ngô Thị Hoa, có rẫy mía rộng 20 hecta bị voi phá tan hoang được UBND tỉnh hỗ trợ thiệt hại 534 triệu đồng. Còn chị Đào Thị Hoàng than thở: “Tuần trước, mất hai đêm liền, gia đình đem gạo muối, mực khô, thịt luộc, trướng, trái cây, nhang đèn rồi lập bàn thờ khấn vái “ông Bồ ơi, ông đi ngang đi dọc rồi đi thẳng vào rừng, đừng về rẫy bà con phá nữa, chúng con sợ ông quá rồi… Ai ngờ, nửa đêm, ổng về phá đổ cả bàn thờ, ống nước dài 50m dùng để tưới nước cũng bị ổng dùng vòi quấn rồi giẫm nát hết”.

Cũng theo chị Hoàng, hết cách nên mọi người làm đuốc đuổi cho voi chạy. Ai ngờ, hôm sau đàn voi vào tới tận nhà để phá. “Ông Bồ vào nhà là tìm muối ăn trước, nếu không tìm thấy là ổng ăn chiếc chiếu mình nằm, vì trong chiếu có lượng muối do mồ hôi tiết ra. Ở nhà tôi, voi ăn hết sạch xoài Thái nhưng chỉ nhận được sáu triệu đồng tiền hỗ trợ. Hiện tại, riêng chi phí mua phân, thuốc sâu, gia đình còn nợ tới 205 triệu mà không biết làm cách nào để trả” - chị Hoàng đau xót.

Khu vực xã Phú Lý, Mã Đà, người dân chủ yếu trồng xoài, mía và mì. Vì vậy, cứ đến mùa thu hoạch là đàn voi khoảng 10 con từ trong rừng kéo về. Theo người dân ở đây cho biết, chúng vào các rẫy trồng xoài Thái và mía ăn trước. Khi nào ăn hết thì mới thưởng thức tới xoài cát Hòa Lộc và xoài Ba Mùa. Vì voi rất khôn và thù dai, nếu vào rẫy nào phá thì tốt nhất không nên xua đuổi, nếu làm tổn thương là hôm sau sẽ dẫn cả đàn quay lại phá mạnh hơn. Theo thống kê của khu bảo tồn, từ tháng 4/2012 tới nay đã có tới hơn 200 lần voi về phá hoa màu của dân.

Gian nan cuộc chiến với “ông Bồ”

Diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, vì thiếu đồ ăn tự nhiên nên bắt buộc voi phải xâm hại hoa màu của dân. Nhiều năm qua, nhà cửa, tài sản của người dân ở các xã Phú Lý, Mã Đà, Thanh Sơn không chỉ bị voi gây thiệt hại nặng nề mà họ còn phải đánh đổi bằng sinh mạng. Điều này đã đẩy sự xung đột giữa người và voi ngày càng gia tăng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân dùng rất nhiều biện pháp nguy hiểm để xua đuổi, như ném bình gas nhỏ vào voi cho nổ, tẩm dầu với vải đốt voi… Hiện, Khu bảo tồn có hàng chục trạm theo dõi cao 24 mét được xây dựng kiên cố. Bất kể ngày hay đêm đều có người canh gác và báo về trung tâm chỉ huy. Nếu voi xuất hiện thì đội phản ứng nhanh của Khu bảo tồn sẽ xuất hiện rồi dùng các biện pháp nghiệp vụ, với các dụng cụ đặc dụng như còi hú, đèn chiếu với độ sáng cao để xua đuổi voi.

Ông Nguyễn Hữu Đạo, đội trưởng Đội phản ứng nhanh xã Phú Lý cho biết: “Ở đây, hiện còn khoảng 10 cá thể voi, từ năm 2010 đến tháng 6/2011, tỉnh đã hỗ trợ cho người dân khoảng 4 tỷ đồng. Voi thường xuất hiện vào buổi tối nên chúng tôi thường xuyên nhắc nhở người dân về đêm không được ra rẫy, có voi là phải báo ngay để lực lượng xử lý. Hiện nay đang vào mùa khô nên cấm người dân không được đốt lửa đuổi voi để tránh tình trạng cháy rừng. Giờ giải pháp dùng còi hú, đèn chiếu không còn tác dụng nữa. Chẳng hạn con voi đực có cặp ngà lệch có soi đèn, còi hú hết công suất đi nữa thì nó vẫn đứng trơ trơ. Có hôm giữa trưa nó ra tới tận ngoài đường, mình gọi thì nó quay lại nhìn rồi đi tiếp”.

Theo thống kê khác, từ 1993 đến cuối năm 1998, đã có 12 cá thể voi ở Đồng Nai bị giết hại. Vì thiếu chỗ cư ngụ, tháng 4/1999, đàn voi rừng ở Lâm trường Tân Phú, Đồng Nai đã vượt sông La Ngà đến huyện Tánh Linh, Bình Thuận cư trú. Gần 3 năm sinh sống ở đây, đàn voi đã giết chết 13 người, nạn nhân hầu hết là người dân du canh du cư, phá rừng trái phép làm nương rẫy. Còn nhớ, sáng ngày 7/11/2011, tại tiểu khu 1B Lâm trường I thuộc Công ty Lâm nghiệp La Ngà có một nhóm người lái hai chiếc xe máy vào rừng bắt cá thì bị một con voi tấn công. Nạn nhân bị giẫm chết là Nguyễn Trần Vũ (SN 1996, ngụ ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán).

Hữu Võ


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.