Từ những tư liệu PV báo điện tử Người Đưa Tin thu thập được, thực trạng cấp phép cho các công ty, đơn vị trông giữ xe dưới lòng đường tại Hà Nội đang trở nên phổ biến dù nhiều tuyến phố khá chật hẹp, lưu lượng giao thông cao.
Xem thêm: >>> Hà Nội: Bát nháo các điểm trông giữ xe có thu phí dưới lòng đường
Xem thêm: >>> Hà Nội: 'Xé rào' kẻ vạch, lấn chiếm lòng đường thu tiền
Xung quanh thực trạng này, PV báo điện tử Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với PGS. TS Từ Sỹ Sùa, chuyên gia giao thông đô thị, hiện đang giảng dạy Bộ môn Vận tải đường bộ và thành phố tại trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội.
PV: Thưa ông, nhiều tuyến phố tại Hà Nội khá chật hẹp, người tham gia giao thông rất khó khăn đi lại, đặc biệt vào giờ cao điểm, nhưng vẫn xuất hiện la liệt các điểm trông giữ xe dưới lòng đường, vượt phép không chỉ một bên mà cả hai bên đường?
PGS. TS Từ Sỹ Sùa: Về mặt ngữ nghĩa, lòng đường vẫn có thể dùng cho giao thông tĩnh được, nhưng với điều kiện không ảnh hưởng đến giao thông động tức là ảnh hưởng đến vấn đề lưu thông, ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông. Giao thông tĩnh ở đây có thể là sử dụng một phần lòng đường làm điểm trông giữ xe.
Hơn nữa, cả về mặt thời gian và diện tích việc bố trí giao thông tĩnh dưới lòng đường phải đảm bảo không ảnh hưởng đến giao thông động.
Thực tế, nhiều lòng đường Hà Nội khá chật chội, nhưng vẫn bố trí bãi đỗ xe dưới lòng đường thì cần phải xem công năng con đường đó có bố trí bãi gửi xe hay không, nếu không thì có gì đó mập mờ, lợi ích nhóm.
Trong khi đó, thiết kế chiều rộng của mỗi con đường sẽ lấy vấn đề lưu thông lên hàng đầu. Trường hợp khả năng lưu thông dư thừa, lúc đấy mới xem xét đến việc cho sử dụng một phần lòng đường vào việc khác như làm bãi trông giữ xe.
Đặc biệt, phải tính đến công năng, hiệu quả của mỗi con đường, không thể ngân sách bỏ ra rất nhiều tiền, nhưng sau đó phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích của một vài đơn vị.
PV: Vậy các nước trên thế giới họ có lấy lòng đường làm điểm trông giữ xe ô tô, xe máy không thưa ông? Nếu có cần phải đảm bảo như thế nào, thưa ông?
PGS. TS Từ Sỹ Sùa: Việc bố trí lòng đường làm nơi trông giữ xe là hoàn toàn bình thường không chỉ ở nước ta mà nhiều thành phố trên thế giới cũng có.
Tuy nhiên, sử dụng lòng đường làm điểm trông giữ xe cần phải rõ ràng, minh bạch, chứ không phải hôm trước không có hôm sau lại mọc ra doanh nghiệp kẻ vẽ lòng đường một cách tùy tiện nhằm thu tiền gửi xe.
Bởi vậy, quy hoạch mỗi con đường phải công khai, thống nhất tránh xung đột giữa tĩnh và động. Thực tế, nhiều tuyến phố Hà Nội giao thông động đang hẹp hơn so với phần giao thông tĩnh.
PV: Như vậy, các tuyến phố giao thông tĩnh đang lớn hơn giao thông động gây ảnh hưởng đến tốc độ, an toàn của người tham giao giao thông?
Tham gia lưu thông phải đảm bảo an toàn, tốc độ, đặc biệt liên quan đến quyền của người tham gia giao thông.
Bởi vậy, việc bố trí các điểm đỗ xe bất hợp lý, gây ảnh hưởng đến giao thông động cần phải rà soát lại và thu hồi giấy phép.
PV: Thưa ông, thực tế tại nhiều tuyến phố được sở GTVT Hà Nội cấp phép cho trông giữ xe dưới lòng đường mà chính quyền địa phương không hề hay biết, dẫn đến tình trạng các đơn vị, công ty này tự tung tự tác lấn chiếm lòng đường?
PGS. TS Từ Sỹ Sùa: Như tôi đã nói, việc cấp phép cho các công ty, đơn vị được trông giữ xe dưới lòng được phải công khai, minh bạch và phải được sự đồng thuận giữa cơ quan liên quan trong đó có chính quyền sở tại.
Nhưng không có nghĩa phải được chính quyền sở tại đồng ý, bởi lúc thiết kế con đường đó đã có một phần dành cho giao thông tĩnh. Mỗi con đường trước khi thiết kế đều có công năng của nó. Bởi vậy, muốn biết một tuyến đường có được cấp phép trông giữ xe dưới lòng đường hay không phải xem thiết kế, công năng của con đường đó.
Trong trường hợp thiết kế con đường không có phần dành cho giao thông tĩnh mà lại có đơn vị, công ty kẻ đường làm điểm trông giữ xe dưới lòng đường là có lợi ích nhóm.
Xin cảm ơn ông!
PV báo điện tử Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Vũ Phương – Đình Thiện