Với tất cả tâm tư và sự trân trọng, tôi – đứng trên cương vị một giáo viên, xin phép được viết đôi lời gửi tới Bộ trưởng nhằm bày tỏ nỗi niềm và mong ước của bản thân xung quanh thí điểm xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên.
Kính thưa Bộ trưởng, chắc Bộ trưởng cũng biết, nghề giáo khi xưa đã từng “rực rỡ” thế nào. Cả làng, cả huyện chỉ có một vài thầy đồ, ông giáo. Và đương nhiên, những ông giáo đó luôn mặc định được “ngồi chiếu trên”, được mặc nhiên là cha, là mẹ của đám trẻ trong làng. Họ được dạy dỗ trẻ bằng mọi cách, từ chữ nghĩa cho đến những trận đòn roi, những hình phạt nghiêm khắc mà không vướng phải bất cứ định kiến nào của xã hội. Thời xa xưa đó là thời kỳ mà nghề giáo thực sự “là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Nhưng rồi thời gian đã bào mòn dần “đỉnh cao”. Sau bao năm, sau bao biến chuyển, cải cách, thay đổi, duy chỉ có một thứ đó là đồng lương còm cõi của giáo viên vẫn “thi gan cùng tuế nguyệt”. Chính vì thu nhập kém cỏi, lại thêm bao áp lực từ nhiều phía, nghề giáo đã không còn thu hút nhân lực.
Để đảm bảo số lượng sinh viên cần tuyển, các trường đào tạo sư phạm đồng loạt giảm điểm đầu vào. Từ đỉnh cao, điểm tuyển sinh các trường sư phạm thậm chí còn thấp hơn những ngành nghề phổ thông.
Đương nhiên, với đồng lương ba cọc ba đồng, với hàng loạt áp lực, ràng buộc từ mọi phía mà nghề giáo phải đối mặt thì phải công nhận rằng, “vào biên chế” hay nói cách khác, sự ổn định là động lực duy nhất khiến chúng tôi chấp nhận ràng buộc với nghề. Và nay, nếu Bộ trưởng quyết định cắt giảm biên chế thì còn ai muốn cống hiến, còn ai thực sự muốn làm giáo viên?
Tôi đảm bảo rằng khi vừa phải chật vật lo kinh tế, vừa phải làm “hoa hậu thân thiện” với những người quyết định sự dài ngắn của hợp đồng lao động thì giáo viên cũng chẳng khác gì những người đi làm kinh tế trên thương trường. Vả chăng, nếu có khác, thì khác ở môi trường làm việc và ở… túi tiền.
Không biết lúc đưa ra thí điểm này, Bộ trưởng có nghĩ đến các thầy, cô giáo đang công tác ở vùng hải đảo, biên giới xa xôi, những nơi vùng sâu, vùng xa hay không? Hay Bộ trưởng chỉ nhìn vào một bộ phận thầy cô giáo ở thành phố lớn để quyết định?
Giáo viên ở các thành phố lớn, ngoài đồng lương cứng, họ còn có cơ hội kiếm thêm thu nhập như dạy ở các trung tâm, tổ chức lớp học thêm. Hoặc nếu không thể cạnh tranh được ở những trường công lập thì họ còn có thể ứng tuyển vào các trường tư thục, trường quốc tế để tiếp tục nghiệp "gõ đầu trẻ" của mình...
Còn với những đồng nghiệp là "giáo viên cắm bản" thì tin "thí điểm xóa bỏ biên chế giáo viên" tựa như sét đánh ngang tai. Không biết khi đã bỏ biên chế, mức lương của các giáo viên có được cải thiện hay không?
Trong hoàn cảnh nếu chuyển sang chế độ hợp đồng mà lương giáo viên vẫn thấp như thế thì những người giáo viên cắm bản phải đối mặt với quá nhiều thiệt thòi. Nếu lương không tăng mà áp dụng việc xóa biên chế, đẩy giáo viên vào thế "bấp bênh" thì liệu còn ai dám hy sinh cả tuổi trẻ, hy sinh những thú vui, chấp nhận sống ở nơi "chó ăn đá, gà ăn sỏi" để "thắp sáng" tri thức cho bà con?
Như vậy, thí điểm trên có quá bất công với giáo viên và học sinh những nơi "thâm sơn, cùng cốc" hay không, thưa Bộ trưởng?
Theo tôi "cú hích" lần này của bộ Giáo dục và Đào tạo dường như chưa thực sự đúng đắn. Nền giáo dục cần sự cải biến mang tính chất bền vững, dài hơi chứ không phải một cú đẩy mang đến sự nhộn nhạo, khốc liệt như trên thương trường.
Để chiêu mộ được những giáo viên giỏi thì nhà trường phải đưa ra những mức lương hấp dẫn. Đương nhiên, đứng trước bài toán thu hút nhân lực, nhà trường phải chủ động được vấn đề tài chính, phải tạo ngân sách bằng cách nâng học phí, tận dụng những khoản phụ thu...
Cũng chính từ việc cạnh tranh đó của các trường mà vô tình khiến lằn ranh giữa giàu - nghèo, giỏi - kém trong giáo dục ngày càng hằn sâu. Những học sinh giàu có đương nhiên sẽ lựa chọn học ở những trường thu hút được giáo viên giỏi, và ngược lại, những học sinh nghèo sẽ chỉ “dám” học ở những trường có giáo viên ở mức “nhàng nhàng”. Như vậy, liệu có "phản giáo dục"?
Đó mới chỉ là một số trong vô vàn viễn cảnh mà một người – trong – cuộc như tôi nghĩ đến khi bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thí điểm việc xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên.
Và đương nhiên, chỉ nghĩ đến đây thôi tôi đã không dám nghĩ tiếp vì sợ mình không đủ đam mê để hy sinh, để gắn bó với nghiệp “gõ đầu trẻ".
Không biết đến bao giờ thời kỳ hoàng kim của nghề giáo mới quay trở lại, đến bao giờ giáo viên mới thực sự “là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Có lẽ, ngày đấy còn xa lắm...
Kính thư
Giáo viên