Mới đây lại thêm một câu chuyện đau lòng về sự tử vong bất thường của một sản phụ ở xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội được cư dân mạng chia sẻ và nhận được sự đồng cảm của tất cả mọi người.
Sự ra đi của người phụ nữ bất hạnh ấy khiến đứa bé vừa chào đời rơi vào hoàn cảnh không có bàn tay mẹ ẵm bồng, chăm sóc, người chồng chịu cảnh “gà trống nuôi con”.
Bên cạnh đó dư luận cũng thắc mắc về cái chết của sản phụ trong câu chuyện, mong muốn làm sáng tỏ để có kết luận rõ ràng từ phía bệnh viện cho gia đình nạn nhân.
Theo đó, sản phụ là Nguyễn Thị Kha (SN 1976, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội), tử vong sau quá trình sinh mổ tại Bệnh viện đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc).
Chiều ngày 6/12, chúng tôi có mặt tại gia đình chị Kha. Tiếp chúng tôi là anh Đàm Văn Hưởng - chồng của nạn nhân. Trên gương mặt anh vẫn hiện rõ sự mệt mỏi, hai mắt trũng sâu vì những đêm thức khuya. Hôm đó là tròn 15 ngày con của anh chị chào đời.
Anh Hưởng bảo, gia đình chưa kịp vui mừng đón thành viên mới đã phải đội tang đưa vợ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Theo lời anh Hưởng kể, đây là lần thứ 4 chị Nguyễn Thị Kha sinh con. Hai đứa con gái lớn đều đã học cấp 3, đứa con thứ 2 mất sau khi sinh được vài ngày, đến đứa con thứ 4 gia đình rất cẩn thận nên tháng nào anh Hưởng cũng đưa vợ đi khám thai định kì. Cả mẹ và thai nhi đều bình thường, chị Kha không có biểu hiện đau ốm hay mệt mỏi.
“Trước khi mổ, tôi thường xuyên đưa vợ đi khám cẩn thận. Trước khi sinh, vợ tôi cũng vào viện trước nửa tháng. Thấy sức khỏe bình thường, ở trong đó cũng buồn nên nhà tôi bảo xin về. Khi về, bệnh viện có hẹn là 10 ngày nữa thì vào mổ.
Trong quãng thời gian 10 ngày ấy, tôi cũng đưa vợ vào khám một lần nữa, sáng đi, tối về. Theo lịch hẹn, 2 ngày nữa mới đến ngày mổ, thế nhưng cẩn thận hơn nhà tôi lại vào trước 1 ngày để chờ. Và sáng hôm sau nữa thì bắt đầu mới mổ.
Tại thời điểm các bác sĩ thực hiện ca mổ, sức khỏe vợ tôi hết sức bình thường, ăn uống tốt. Tôi đi ký kết biên bản mổ, đến đúng 8h sang ngày 21/11, vợ tôi lên bàn mổ”, anh Hưởng chia sẻ.
Cũng theo anh Hưởng, được khoảng hơn 1 tiếng sau có 1 y tá bế con trai tôi xuống, gọi cả gia đình vào và nói tình hình của mẹ cháu là bị tắc mạch ối, các bác sĩ bảo tim ngừng đập 2 phút, các bác sĩ đang cấp cứu và khả năng cứu được là 40%. Lúc đó gia đình anh Hưởng rất hoang mang.
Theo anh Hưởng, khoảng 13 giờ cùng ngày, bác sĩ của bệnh viện đa khoa Phúc Yên có gọi anh vào và thông báo cho bệnh nhân chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, các bác sĩ ở Bạch Mai nói phần phần sống sót của chị Kha chỉ là 1%.
Đồng thời anh Hưởng cũng cho biết, tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ yêu cầu anh cam kết để sử dụng phương pháp công nghệ mới là hạ thân nhiệt vì lúc đó khắp cơ thể chị Kha đều toát mồ hôi.
Nhưng khoảng 7h sáng hôm sau, một bác sĩ gọi anh Hưởng vào nói rằng "tình hình bệnh nhân khi chuyển bệnh nhân xuống đây chỉ còn 1% sống sót, chúng tôi theo dõi bệnh nhân trên máy không thể làm gì được thêm nữa".
“Lúc này tôi không biết phải nói gì nữa, chỉ biết nói với các bác sĩ ấy rằng: "Trăm sự nhờ các bác cứu nhà em vì em còn 1 cháu nhỏ vừa sinh vẫn nằm ở Bệnh viên đa khoa Phúc Yên. Thế nhưng, đúng 8h15 ngày hôm ấy, vợ tôi tắt thở", anh Hưởng đau đớn kể lại.
Gần 11h trưa cùng ngày, chị Kha được đưa về nhà để gia đình tổ chức tang lễ.
"Chiều hôm đó, nhân viên khoa sản của bệnh viện Phúc Yên có tới viếng. Khi tôi bóc phong bì ra thấy có 5 triệu đồng trong đó. Hiện tại, tôi vẫn giữ phong bì phúng viếng của Bệnh viện đa khoa Phúc Yên. Sáng hôm sau, gia đình nhà tôi vào Bệnh viện đa khoa Phúc Yên đón cháu về nuôi dưỡng. Họ sắp xếp cho 1 thùng sữa 12 hộp, loại 400 gram", anh Hưởng cho biết.
Theo anh Hưởng: "Cách đây 3 năm trước nhà tôi cũng sinh 1 cháu theo hình thức mổ tại Bệnh viện đa khoa Phúc Yên nhưng thiếu tháng. Mổ cho vợ tôi lúc đó cũng là bác sĩ mổ lần này. Sau đó con tôi cũng được chuyển đến Bệnh viện Xanh- Pôn (Hà Nội). Sau 4 ngày cháu cũng mất. Nguyên nhân tử vong được các bác sĩ kết luận là suy hô hấp, có triệu chứng xuất huyết.
Rút kinh nghiệm, lần này nhà tôi đi khám định kỳ. Tuy nhiên, lần này nhà tôi sinh cháu được 3,8 kg, cháu ăn tốt, ngủ tốt, rất là ngoan mà nào ngờ được con thì mất mẹ", anh kể lại.
Nhìn vào đứa con thơ, anh Hưởng cho biết, từ ngày sinh ra cháu chưa được nhìn thấy mặt mẹ lúc nào, dường như ý thức được thân phận của mình, con anh rất ngoan, đêm không quấy khóc, tự tay bố tắm cho, bé cũng không khóc.
“Anh trai tôi trên Hà Giang ngỏ ý muốn nuôi con cho tôi nhưng tôi không đồng ý, con tôi tôi sẽ nuôi dạy cho ăn học đàng hoàng, tôi sẽ cố gắng bù đắp cho cháu”, đó là chia sẻ của người đàn ông vừa đeo tang vợ, vừa ẵm bồng con thơ.
Mẹ anh đã 85 tuổi, bị tai biến nhưng thỉnh thoảng vẫn phải bế cháu. Theo lời kể của anh, chị Kha ngoài việc ở nhà chăm con có làm thêm ruộng nương, bản thân anh cũng đi nhận thêm các công trình xây dựng để kiếm thêm thu nhập.
Trao đổi thêm với phóng viên, chị gái của anh Hưởng cho hay: “Từ khi vợ mất, thằng Hưởng một mình gà trống nuôi con, những công việc chăm con của phụ nữ giờ đây mình em tôi phải làm hết. Chúng tôi chạy đi chạy lại giúp được gì thì giúp còn việc chính vẫn phải em tôi ngày đêm chăm sóc con thay mẹ nó”.
Mẹ anh Hưởng cũng buồn bã nói: “Con dâu tôi đã ra đi, tội cháu bé lọt lòng không biết đến mùi sữa mẹ, không cảm nhận được tình mẫu tử, không được vỗ về, âu yếm... Dù khó khăn tới đâu tôi cũng không bao giờ cho cháu, không ai được bế nó ra khỏi cổng nhà tôi”.
Liên quan đến thông tin này, trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Chiến, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc) xác nhận có sự việc trên xảy ra tại bệnh viện.
Đồng thời ông Chiến cho biết, cách đây khoảng 2 tuần bệnh viện có tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Kha sinh năm 1976 (trú tại xã Tiến thịnh, Mê Linh , HN). Sự việc xảy ra với sản phụ Nguyễn Thị Kha là điều mà bệnh viện và gia đình không ai mong muốn.
Hiện tại, phía Bệnh viện đa khoa Phúc Yên cũng đang chờ kết luận từ phía Bệnh viện Bạch Mai để có câu trả lời sớm nhất tới gia đình cũng như độc giả.
Báo Người đưa tin sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Nguyễn Huệ