Sau này mới biết, mỗi khi bọn trẻ đến mua hàng, lần nào ông chủ cửa hàng cũng cho chúng cái kẹo mút hay một ít ruốc thịt để ăn. Ngày nay, một số doanh nghiệp cũng học tập ông chủ nọ, dùng chiêu "ruốc thịt" để thu hút khách hàng. Duy chỉ có điều, đối tượng được khuyến mại không hiếm là những thầy cô giáo - cánh tay tiếp thị nối dài đã mang lại một lượng khách hàng lớn cho các doanh nghiệp.
Với những thế hệ học trò, bao giờ những người thầy tận tâm, có trách nhiệm cũng để lại dấu ấn khó phai mờ (Ảnh minh họa)
Kế hoạch nhỏ bị biến tướng
Cậu con trai của anh Tuấn về nhà báo cáo với bố là phải đóng góp 10 vỏ bút Thiên Long để làm “Kế hoạch nhỏ”. Thấy lạ, anh Tuấn hỏi con: "Tại sao nhất định phải là bút Thiên Long, bút khác có được không?". Cậu bé trả lời tỉnh queo: "Không, nhất định phải là bút Thiên Long, không có sẽ bị phạt". Nhưng chẳng tìm đâu được 10 vỏ bút Thiên Long cho cậu con trai nên anh Tuấn đành ra ngoài mua 10 cái bút Thiên Long mới về nộp cho cô giáo cho xong việc.
Chị Thanh (Long Biên- Hà Nội) thấy cô con gái đang học lớp 2 lo lắng vì trong 1 - 2 ngày tới phải có được 10kg giấy vụn để làm kế hoạch nhỏ ở lớp. Chị ngay lập tức giúp con bằng cách đặt hàng với bà mua đồng nát hay đi qua ngõ nhà mình.
Anh Trung công tác ở một tờ báo, nên con gái anh luôn đi đầu trong phong trào kế hoạch nhỏ bởi năm nào cũng đóng góp cả một chồng báo cũ còn cao hơn cả người cô bé. Không những mất đi tác dụng xã hội, phong trào Kế hoạch nhỏ đang có nhiều biến tướng bởi sự thương mại hóa thì giá trị của nó đã bị mai một rất nhiều.
Đưa đứa con trai học lớp 1 đi siêu thị, anh Nam thấy làm lạ vì tự dưng cậu con trai lại chỉ đích danh sữa cô gái Hà Lan đòi mua bằng được. Về nhà, bắt con uống thì cậu bé nhất quyết không uống, hỏi ra mới biết, ở lớp cô giáo khuyến khích những bạn nào có thẻ Sân chơi kỳ diệu trong lốc sữa cô gái Hà Lan thì mới được chơi nhiều trò chơi ở lớp.
Cánh tay tiếp thị nối dài
Môi trường sư phạm hiện đang ít nhiều bị xâm lấn bởi những hoạt động thương mại. Đặc biệt, với các em trong độ tuổi học cấp 1, những tác động xấu của các hoạt động thương mại hóa đối với các em như thế nào là điều chưa thể lường hết được. Hình ảnh đáng kính về một người thầy, người cô đang bị làm nhòe đi, thay vào đó, khi nghĩ đến hai từ "nhà giáo” người ta liên tưởng đến nhiều hơn hình ảnh của một người bán sách, người môi giới thuốc diệt muỗi, hay những nhân viên tiếp thị cho một doanh nghiệp. Điều đó thật đáng buồn.
Anh Kiên, một người làm dịch vụ diệt các loại côn trùng gây hại như muỗi, kiến, mối, cho biết: Anh đã đến từng trường học trên địa bàn thành phố để tiếp thị, các trường mẫu giáo và cấp 1, cấp 2 là vùng đất hứa đối với công việc của anh.
Giáo viên chủ nhiệm chỉ cần một cuộc điện thoại với Trưởng hội phụ huynh của lớp nói rằng lớp học có khá nhiều muỗi, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của các em và không quên đưa ra tư vấn: "Tôi có chỗ quen chuyên làm dịch vụ này rất đảm bảo, giá cả lại phải chăng". Phụ huynh gật đầu cái rụp chỉ việc nộp tiền và nhờ cô giáo liên hệ giúp với "người quen".
Anh Kiên cho biết: "Mỗi lần như vậy, đều phải để lại phần trăm hoa hồng cho cô giáo, phải "biết điều" thì mới có cửa làm ăn lâu dài".
Không thiếu gì cơ hội để tăng thêm thu nhập cho các thầy cô, trong bất cứ hoạt động mua sắm nào của trường lớp như: chăn màn, rèm che cửa, máy chiếu, đồ chơi ngoại khóa, sách vở. Thầy cô đều có thể là người “định hướng” tiêu dùng cho những loại sản phẩm này.
Nắm bắt được điều đó, các doanh nghiệp bán những sản phẩm liên quan đến môi trường giáo dục đã định hình trước chiêu dụ khách hàng. Mục tiêu của họ là vận động bộ phận giáo viên ở các cấp mẫu giáo, cấp 1, cấp 2 làm cánh tay tiếp thị nối dài cho doanh nghiệp.
Chị Kim Thúy (Từ Liêm) có cậu con trai học mẫu giáo rất băn khoăn không biết có nên mua những cuốn sách hướng dẫn nuôi trẻ thông minh do cô giáo dạy con mình bán hay không: "Không mua thì sợ cô giáo phật lòng, ghét con mình. Nội dung những cuốn sách ấy thì nhan nhản trên mạng, bỏ tiền ra mua cũng phải vài trăm nghìn chứ ít gì".
Không chỉ thế, hiện nay ở các trường tiểu học còn để doanh nghiệp vào tận trường, lớp để giới thiệu sản phẩm. Anh Long (Đống Đa, Hà Nội) kể, loại bút mực của Trung Quốc anh mua cho con ở đối diện cổng trường có 13 nghìn đồng/chiếc. Cũng chiếc bút ấy, có người vào tận lớp học, đúng thời điểm các bậc phụ huynh đón con để giới thiệu đây là bút mực Hồng Kong và bán với giá 30 nghìn đồng/chiếc.
Lại Quỳnh