Thời gian gần đây, nhiều người hâm mộ xứ Nghệ xôn xao với câu hỏi tại sao, khi mùa giải 2012 sắp kết thúc, SLNA vẫn chưa chính thức ký hợp đồng gia hạn với các trụ cột dù công việc này đã được khởi động từ rất lâu rồi. Người đưa tin đã có cuộc điều tra, từ chính các cầu thủ để biết được nguyên nhân gây “sốc” dẫn đến sự chậm trễ này.
Trọng Hoàng là ngôi sao nhận được nhiều ưu đãi nhất ở SLNA
Đòn độc hậu trường
SLNA là đội bóng giàu truyền thống với rất nhiều thành tích ấn tượng nhưng về kinh tế, dù là thời bao cấp hay khi đã được chuyển giao cho Ngân hàng Bắc Á, cái nghèo vẫn đeo bám họ. Sự thiếu thốn về vất chất, trong hoàn cảnh nào đó, có thể là tác nhân để cầu thủ trẻ xứ Nghệ biết ý thức và nỗ lực nhiều hơn. Tuy nhiên, tham gia vào giải chuyên nghiệp, liên quan đến chuyển nhượng cầu thủ, nghèo đói thực sự là ác mộng khiến SLNA lo ngay ngáy, mỗi lần thị trường chuyển nhượng mở cửa.
Năm nay, tính sơ sơ, đội bóng xứ Nghệ có đến cả một đội hình hết hạn hợp đồng, trong đó có nhiều cái tên quan trọng như Trọng Hoàng, Văn Hoàn, Đình Đồng, Văn Bình... Để giữ được cầu thủ mà tốn ít tiền, SLNA đã thành lập một hội đồng hẳn hoi, với nhiệm vụ được phân công rất cụ thể. Nhưng bên cạnh cách làm việc khoa học như vậy, SLNA còn sử dụng nhiều chiêu thức, ứng với từng hoàn cảnh cụ thể, để mục tiêu tối thượng là giữ được cầu thủ với giá rẻ nhất có thể. Với cách làm việc như vậy, BHL SLNA đã không ngần ngại dìm hàng, thậm chí ép giá cầu thủ để có được điều mình mong muốn.
Một cầu thủ chơi tốt, có kinh nghiệm như Ngọc Luận suốt mùa vừa qua phải khổ sở trên ghế dự bị. Tìm hiểu mới biết, vì việc đàm phán gia hạn với cầu thủ người Huế này đang trục trặc, liên quan đến giá lót tay nên SLNA đã treo, như để cho Ngọc Luận phải hiểu ra vấn đề. Ức chế, Luận chấp nhận cuộc sống đời thừa, đợi đến hết mùa giải để chuyển đi nơi khác. Ngọc Luận không phải là trường hợp đầu tiên mà trước đây, trung vệ kỳ cựu Cao Xuân Thắng cũng đã từng gặp rắc rối. Đó là mùa giải 2010, Xuân Thắng sắp hết hạn hợp đồng với SLNA và được nhiều đội khác chào mời. SLNA cũng muốn có cầu thủ này nhưng vì không thống nhất về mức lót tay nên đôi bên mâu thuẫn. Hậu quả là Xuân Thắng bị treo, suốt lượt về mùa giải 2010 phải mài đũng quần trên ghế dự bị. Sau mùa ấy, Xuân Thắng ra đi với một cục tức và đến tận bây giờ, nó vẫn chưa nguôi ngoai.
Ngọc Luận và Xuân Thắng chỉ là hai điển hình, bởi còn rất nhiều cầu thủ khác là nạn nhân của cách giữ quân không giống ai tại xứ Nghệ. Thế nên, chuyện nhiều cầu thủ năng lực tốt, kinh nghiệm những vẫn phải chết mòn trên ghế dự bị, chẳng có gì lạ ở xứ Nghệ. Thậm chí, để cho thấy sự khác biệt trong việc nghe lời và không nghe lời, ban huấn luyện SLNA sẵn sàng tung những cầu thủ kém chuyên môn, ít kinh nghiệm hơn vào sân và ca ngợi hết lời như để chứng minh, SLNA dành sự ưu tiên tối đa cho những cầu thủ dám hy sinh quyền lợi bản thân, không nặng chuyện tiền bạc để ở lại với đội bóng quê hương.
Vì bị dìm hàng, sợ không ngóc lên được, nhiều cầu thủ đành chấp nhận đề nghị theo ý đội bóng xứ Nghệ để ở lại.
Hệ quả khó lường
Một điều khá bất ngờ là sau khi dìm hàng, SLNA lại tiếp tục chiêu ép giá để tiết kiệm tối đa kinh phí. Nguyên nhân dẫn đến điều này là lợi dụng thời buổi buổi kinh tế khủng hoảng, các ông bầu cũng không còn máu me với bóng đá, SLNA đã mau chóng nhận ra thế yếu của các cầu thủ đểra đòn.
Từ việc nài nỉ cầu thủ ký hợp động gia hạn, giờ thì chính SLNA mới là những người nắm đầu chuôi và cố tình kéo dài thời gian ký hợp đồng gia hạn để cầu thủ tự giảm bớt giá trị tiền bạc của mình. Một cầu thủ SLNA cho biết, như mọi năm, quân SLNA được rất nhiều CLB ưa chuộng và khi mùa giải chưa kết thúc, đã có hàng chục đội bóng khác chào mời. Năm nay, tình hình kinh tế khủng hoảng, nhu cầu mua sắm của các ông bầu hầu như không có nên cầu thủ SLNA bị ế, dù có không ít cái tên khá hot.
Đó là thiệt thòi nhưng tệ hơn, SLNA đã nhân cơ hội đó, để tiết kiệm tối đa kinh phí, khi đề nghị các cầu thủ, tự bớt giá để có được hợp đồng nhanh nhất. Ở cái thế như vậy, nhiều cầu thủ thực sự hoang mang, bởi nếu không nhanh chân ký với SLNA thì có thể, một thời gian sau, giá lót tay còn thấp hơn nữa.
Chắc chắn, với cách làm cao tay của SLNA, chẳng cầu thủ nào giám chần chừ chờ đợi một đội bóng khác mở lời, bởi thời điểm khó khăn thế này, chẳng ai biết được thế nào mà lần. Nhưng nếu ở lại xứ Nghệ, đến như Trọng Hoàng, cầu thủ được đánh giá là đắt giá nhất, cũng may lắm nhận được khoảng 4-5 tỷ đồng.
Có thể, SLNA sẽ thành công, với chiêu thức dìm hàng và ép giá của mình, nhưng hiệu quả từ những cái tên họ ký hợp đồng gia hạn chắc chắn sẽ là một dấu hỏi lớn, bởi dù nhiều hay ít, họ cũng bị ức chế sau những gì, SLNA đã đối xử với họ.
Quân xứ Nghệ không còn được chuộng Dù có một lứa cầu thủ khá tài năng như Trọng Hoàng, Đình Đồng, Văn Bình, Văn Hoàn, Ngọc Anhnhưng đến thời điểm này, chỉ có duy nhất Đình Đồng là được 1 CLB phía Bắc chào mời. Đây là thực tế buồn nhưng trong cuộc chiến chống chảy máu tài năng, SLNA lại như mở cờ trong bụng, bởi họ có thể lợi dụng tình hình đó để ép giá cầu thủ. Nếu như theo dự kiến, SLNA phải mất tầm 30 tỷ đồng để giữ gần 10 cầu thủ cần giữ lại, thì nay, với tình hình như đã đề cập, họ chỉ mất tầm khoảng 15 tỷ đồng, trong đó người cao nhất như Trọng Hoàng nếu ở lại, cũng chỉ nhận được khoảng 4-5 tỷ đồng mà thôi. Người thấp nhất, có khi chỉ nhận được vài trăm triệu. |
Kim Thoa