Tôi không nhớ đây là lần bao nhiêu đọc được thông tin về việc bác sĩ, nhân viên y tế bị hành hung, tấn công trọng thương. Và đã từng có ít nhất một bác sĩ mãi mãi ra đi, không bao giờ có thể cứu người vì cú đâm thấu mạng của người nhà bệnh nhân. Sau mỗi lần như thế, không ít bác sĩ đổ lỗi cho người nhà bệnh nhân, cho rằng đó là “vô ơn”. Thậm chí nhiều người còn kêu gọi các bác sĩ từ chối cứu chữa cho người nhà của những kẻ côn đồ. Người nhà bệnh nhân thì muôn thưởu ca bài ca “không có lửa làm sao có khói”. Hố sâu ngờ vực, khoảng cách giữa bác sĩ, bệnh nhân, người nhà sau mỗi lần như vậy càng thêm xa cách.
Một vị Thứ trưởng bộ Y tế đã đề nghị cho phép bảo vệ bệnh viện dùng công cụ hỗ trợ để tăng cường an ninh cho bệnh viện. Đó là động thái mới nhất của bộ Y tế nhằm nỗ lực bảo đảm cho nhân viên y tế và chính bệnh nhân. Tuy nhiên, nỗ lực này chỉ là giải pháp tạm thời. Bệnh viện, bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân sẽ chẳng thể có an toàn nếu có quá nhiều người Việt xấu xí thích “nói chuyện” bằng nắm đấm.
Điều này thể hiện phần nào qua con số thống kê 6 ngày tết có đến trên 4.100 người vào viện vì đánh nhau. Một con số khiến không ít người sốc. Đó là những người đánh nhau được ghi nhận qua kênh bệnh viện, còn những người đánh nhau mà không nhập viện chắc hẳn sẽ lớn hơn con số đó rất nhiều. Những cú va chạm giao thông, một cái “nhìn đểu”, rủ nhậu mà không nhậu…tất cả đều có thể là lý do để ẩu đả, chém giết nhau. Nói không ngoa khi một trong những nỗi bất an lớn của người Việt hiện nay là làm sao đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân, người nhà.
Một vị bác sĩ đã chua xót bày kế cho thế hệ đàn em, những ai có ý định theo ngành y là nên học võ, lên đai trước khi biết khám bệnh, biết cầm dao mổ. Phụ huynh rỉ tai nhau là nên cho con học võ song song học văn hóa. Bởi bệnh viện, trường học là 2 nơi tưởng như an toàn nhất thì giờ cũng đầy rẫy bạo lực.
Tôi rất tâm đắc với ý kiến của một vị chuyên gia xã hội học cho rằng, gốc rễ của việc thích “nói chuyện” bằng nắm đấm của nhiều đối tượng hiện nay là do ẩn ức xã hội, các giá trị ảo, giả lên ngôi. Và chừng nào chúng ta còn sống trong sự ngờ vực nhau, các giá trị xã hội bị đảo lộn, ai cũng tưởng “mình là nhất” thì ẩu đả, bạo lực sẽ khó được trấn áp.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.