Trước vấn đề này, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế).
Thưa Cục trưởng, cuối năm 2016, đầu năm 2017 đã xuất hiện các ca bệnh có trong chương trình tiêm chủng mở rộng như ho gà, thủy đậu... Tại sao chúng ta tiêm phòng, tuyên truyền nhưng vẫn có những ca bệnh như vậy?
Trước tiên chúng ta thấy những bệnh có vacxin là thành tựu rất lớn và Việt Nam đã làm tốt chương trình tiêm chủng mở rộng nên nhiều bệnh có vacxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm đi rất nhiều.
Tới thời điểm này chúng ta vẫn giữ vững được thành quả thanh toán bại liệt, mặc dù bại liệt có ở 1 số nước khu vực Trung đông; chúng ta vẫn giữ vững được thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh...
Các bệnh có trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm đi rất nhiều. Tuy vậy vẫn còn một số bệnh như ho gà hay vừa qua, có số mắc một vài trường hợp về bạch hầu tại Bình Phước, Quảng Nam.
Chúng tôi nhận định rằng, có thể xảy ra những bệnh này vì chưa phải chúng ta đã loại trừ và thanh toán. Khi chưa thanh toán và loại trừ chúng ta vẫn ghi nhận các trường hợp xảy ra.
Để làm tốt vấn đề này chúng ta phải đạt được tiêm chủng quy mô 90 – 95% trên tất cả các xã phường chứ không phải quy mô tỉnh, huyện để nói rằng chúng ta không còn những vùng không tiêm chủng.
Gám đốc các sở Y tế phải biết trong tỉnh mình những vùng nào có tỉ lệ tiêm phòng thấp, chúng ta phải can thiệp. Chúng tôi cũng đang chỉ đạo, áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao tỉ lệ tiêm chủng tại các khu vực đó.
Về cơ bản với vấn đề quy mô chúng ta đã giải quyết được ở tuyến huyện, tỉnh, còn quy mô xã phường chúng ta ưu tiên tập trung cho vùng sâu, vùng xa.
Như vậy ở đây không phải sự bất thường mà là thách thức cần giải quyết vì thành quả chúng ta vẫn duy trì tốt.
Thực tế cuối năm 2015, đầu năm 2016 chúng ta phải đối mặt với câu chuyện người dân không tin vào vacxin Quinvaxem và nhiều người không đi tiêm hoặc tiêm không đúng lịch, tiêm muộn. Đây có phải là nguyên nhân mà ho gà, viêm gan B, viêm não... có thể quay trở lại trong thời gian tới?
Chương trình tiêm chủng mở rộng là chương trình có sự ưu tiên, ưu tiên những bệnh nào lây lan mạnh, ưu tiên những bệnh nào có số ca tử vong cao...
Chúng ta đã chứng kiến dịch sởi năm 2014, 2015 nhưng sau khi chúng ta tổ chức tốt chiến dịch tiêm vacxin sởi-rubella cho hơn 20 triệu trẻ em thì đến cuối năm 2015, đầu 2016, đặc biệt chúng ta không còn ca bệnh nào. Giá trị của tiêm chủng là như vậy.
Vừa qua cũng phải xác nhận ngoài phản ứng của vacxin Quinvaxem, vacxin có thành phần ho gà toàn tế bào và sự khan hiếm của một số vacxin dịch vụ mà có thành phần ho gà vô bào thì cũng chứng kiến một số bệnh dịch nhưng đặc biệt ho gà tăng cao.
Trong năm 2016, bộ Y tế đã tập trung giải quyết vấn đề này. Thứ nhất, chúng tôi tập huấn cho toàn hệ thống cán bộ, bác sĩ lâm sàng cũng như hệ thống tiêm chủng. Làm tốt công tác này đảm bảo an toàn nhưng đặc biệt tập huấn những vấn đề cấp cứu sau tiêm.
Thứ hai, làm tốt tuyên truyền ích lợi của tiêm chủng. Thứ ba, với vacxin dịch vụ, ở một số tỉnh có nhu cầu cao như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã cung cấp đầy đủ. Như vậy tỉ lệ vacxin trong đó có các vacxin có thành phần tương đương tỉ lệ tiêm chủng cao. Năm 2016 và thời gian gần đây, các bệnh liên quan tới Quinvaxem không bùng phát hay tăng cao.
Từ năm 2016 tới nay, chúng ta thấy quai bị xuất hiện ở cả người lớn, trẻ em, số ca mắc chưa bùng phát cao nhưng đã rải rác, mà bệnh này cũng có vacxin dự phòng. Vậy ông giải thích thế nào về vấn đề này?
Chúng tôi cũng theo dõi, thứ nhất, quai bị là bệnh lây lan và có vacxin nhưng chưa phải là bệnh mà có vacxin đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Quai bị lây qua đường hô hấp, chỉ giải quyết được khúc mắc khi có chuyện tiêm vacxin nhưng việc tiêm chủng chỉ tập trung giải quyết cho những đối tượng đi tiêm dịch vụ, ở thành phố lớn nơi người dân có điều kiện kinh tế.
Hiện nay chúng ta giám sát tốt hơn, không phải số ca mắc tăng lên và người mắc bệnh chịu khó đi đến những cơ sở y tế để được điều trị tốt hơn.
Theo thống kê theo dõi chúng tôi biết rằng, trước đây cứ đến mùa nào là dịch bệnh đó nổi lên. Ví dụ các bệnh liên quan tới quai bị, cúm... vào mùa lại có tình trạng người dân nằm hết bệnh xá, trạm y tế. Nhưng lúc đó chúng ta chưa thống kê được như ngày nay.
Rõ ràng hiện nay phải xác định người dân có bệnh cần tới cơ sở y tế để theo dõi, nhờ đó sự giám sát của ngành y tế cũng tốt hơn.
Nguyễn Huệ