Người núi Sóc Sơn nhớ ơn Thánh Gióng nên đã mở hội ba ngày từ mồng 6 đến mồng 8 tháng Giêng âm lịch. Du khách đến với hội Gióng Sóc Sơn thường nghe câu ca dao xưa:
"Tháng Giêng giỗ Thánh Sóc Sơn
Tháng Ba giỗ tổ Hùng Vương nhớ về".
Điều đặc sắc ở lễ hội Gióng chính là rước Voi của làng Dược Thượng. Để chuẩn bị con Voi này, các nghệ nhân tại làng phải chuẩn bị trước đó cả tháng trời tại một khuôn viên rộng ở đình làng Dược Thượng. Trước ngày lễ, Voi được dân làng rước từ tờ mờ sáng về đền Thượng tại lễ hội Gióng. Voi đan bằng tre, dán giấy đen cao 3 – 4 m có vẽ các hình hoa văn dữ dằn.
Ngày chính hội có các nội dung đặc sắc sau:
– Lễ dâng hoa tre: Chiếc hoa tre là thanh tre dài được vót thành một túm xơ ở đầu rồi nhuộm màu đỏ, vàng. Sau lễ dâng hoa tre, quan lễ hô lớn: “Lễ đất, tranh lộc” thì hoa tre được tung lên cho mọi người cướp cầu may. Mùa xuân là mùa sinh sôi nảy nở của vạn vật nên tư tưởng chủ yếu là hướng về tín ngưỡng phồn thực. Chiếc hoa tre có tua bông ở đầu chính là biểu tượng của sinh thực khí nam.
– Đoàn rước voi của làng Dược Thượng. Voi đan bằng tre, dán giấy đen cao 3 – 4 m có vẽ các hình hoa văn dữ dằn.
– Đoàn rước ngà voi và lễ tiến ngà voi: Đây là màn rước của làng Phả Lộng.
– Lễ rước trải: Trải là hình nhân được xếp thành hai hàng trên một hình thuyền đầu rồng đuôi cá hay hình đầu rồng đuôi én.
– Đến sáng ngày Mồng 7 tiến hành lễ Chém tướng. Ba thiếu nữ được chọn để đóng giả tướng giặc có tuổi từ 13 – 16 tuổi. Khoảng 7 giờ, lễ chém tướng bắt đầu.
Từ đỉnh núi cao có người cầm cờ hiệu phất lệnh. Khi cờ lệnh ở trên cao phất lên thì ở dưới này quân chém tướng vung gươm nhanh nhẹn làm động tác tượng trưng chém đầu tướng giặc. Ba cô gái (tướng giặc) nhanh chóng ù té chạy, vụt nhanh vào chỗ vắng người và ở đó có người nhà đón cõng về.
Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 11 năm 2010.
Vi Hậu