Thời gian vừa qua, PV báo Người Đưa Tin đã phát hiện tình trạng “gian lận phí” tại trạm thu phí BOT Mỹ Lộc trên QL21B, tỉnh Nam Định (do Công ty cổ phần Tasco làm chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến tránh thành phố Nam Định, đoạn từ Quốc lộ 10 đến thị trấn Mỹ Lộc theo hình thức BOT), dưới hình thức nhân viên trạm không công khai trả lại vé cho tài xế để bỏ túi hàng chục tỷ đồng mỗi năm, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.
Liên quan tới vụ việc trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Trạm thu phí BOT Mỹ Lộc – Nam Định thuộc sự quản lý của UBND tỉnh Nam Định, mọi số liệu thu phí đều được UBND tỉnh Nam Định gửi về bộ GTVT. Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ báo chí, chúng tôi sẽ có văn bản gửi tới UBND tỉnh Nam Định yêu cầu xác minh làm rõ, sau đó sẽ xử lý những người liên quan”.
Ông Huyện cho hay, tổng cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan quản lý giám sát, hàng tháng, quý đều có kiểm tra các hoạt động thu phí tại các trạm thu phí BOT. Hiện nay, Tổng cục cũng đang xin đề án gửi lên Thủ tướng phê duyệt đồng ý cho các dữ liệu tại các trạm thu phí được truyền trực tiếp về Tổng cục. Hành động của nhân viên trạm thu phí thu tiền mà không trả lại vé cho tài xế là sai với quy định của pháp luật, vì theo nguyên tắc bất kỳ là loại xe nào khi đi qua trạm thu phí, nhân viên đều phải trả lại vé, tổ chức hay những người nào làm sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Liên quan tới sự việc này, ông Trịnh Xuân Thủy - Chánh thanh tra tổng cục ĐBVN nhận định, tình trạng nhân viên không trả vé cho tài xế sẽ làm ảnh hưởng tới nguồn thu của trạm, chủ đầu tư, đồng thời sẽ làm cho báo cáo tài chính của chủ đầu tư tới cơ quan Nhà nước bị sụt giảm, kéo theo là thời gian thu phí sẽ tăng lên. Việc không trả vé cho tài xế có thể là do xuất phát từ chính nhân viên trạm “hám lợi” hoặc có thể là do một nhóm nào đó cố tình làm như vậy để thu lợi nhuận ăn chia riêng, số lượng vé bán ra hàng ngày chính là nguồn thu của ngày đó.
“Ở mỗi trạm thu phí đều có barie, việc đóng mở barie có hai hình thức, đó là quẹt mã số trên vé thu phí và nút bấm thủ công do nhân viên thu phí bấm. Khi tài xế đi qua, nhân viên phải xé vé và quẹt mã trên vé vào hệ thống máy tính để barie mở cho xe đi qua, số tiền trên vé cũng sẽ được nhập vào hệ thống. Nếu nhân viên không đưa vé cho tài xế, có thể là nhân viên thao tác bấm nút mở barie thủ công để cho xe đi qua”, ông Thủy phân tích.
Thế Anh - Công Đức
Xem thêm
Chấn động:Gian lận phí ở trạm Mỹ Lộc, nhân viên bỏ túi hàng chục tỷ?
Nhân viên trạm BOT Mỹ Lộc – Nam Định ‘nuốt vé' công khai