Di dân miền Tây và câu chuyện vùng Siberia

1,3 triệu người miền Tây đã rời bỏ vùng đất trù phú trong 10 năm qua. Tại Siberia, vùng đất khắc nghiệt nhất thế giới – nhiều người Nga đổ xô về đây để an cư lạc nghiệp.

img

Nhắc đến vùng Siberia nước Nga, người ta thường hình dung đến vùng đất được coi là nơi “thử thách sinh tồn” đối với con người. Mùa đông nơi đây thường lạnh từ -30 đến -50 độ C, đến mức lông mi cũng phải đóng băng. Là một vùng đất vẫn còn hoang dã, người ta nói ở Siberia gấu thường đi lang thang trên đường phố, đảo mắt chỉ thấy những cánh rừng taiga bất tận; nơi mà ngày thì dài hơn đêm, những dòng sông đóng băng vĩnh cửu và những bầy muỗi khát máu chỉ chực chờ tìm con mồi.

Nghe qua có thể thấy Siberia chẳng phải là vùng đất tốt lành để sinh sống. Thế nhưng vẫn có tới 36 triệu người Nga đang an cư lạc nghiệp tại khu vực này. Họ là người bản xứ, hậu duệ của những người tìm vàng năm xưa hay những cư dân mới đến từ khắp nơi trên đất nước. Sau nhiều năm, họ vẫn ở đó, không hề rời đi dù điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt.

Ngược lại, mấy ngày gần đây, thông tin về thực trạng đáng báo động đối với tình hình di dân ở miền Tây của Việt Nam đã gây nhiều sự chú ý. Theo một báo cáo gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số dân miền Tây chuyển đến các nơi khác như TP. HCM, Đông Nam Bộ... trong 10 năm qua lên tới con số hơn 1,3 triệu người, lớn hơn dân số một tỉnh trong vùng. Báo cáo cũng cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long có 17,3 triệu dân, là nơi có tỷ lệ nhập cư thấp nhất nhưng xuất cư lại cao nhất.

Đây được coi là con số đáng chú ý. Bởi nếu như so sánh Siberia với miền Tây, chúng ta sẽ thấy có những điểm kỳ lạ. Mặc dù vùng Siberia băng giá của Nga có tỷ lệ nhập cư không cao, nhưng ít nhất tỷ lệ di cư của khu vực này chưa bao giờ đến mức nghiêm trọng. Điều này xuất phát bởi lý do Nga rất chú trọng đưa ra các khung chính sách có lợi để kích thích người dân đổ về Siberia sinh sống, cùng với đó là chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng.

Trong khi miền Tây vốn được đánh giá là vùng đồng bằng trù phú, được coi là vựa lúa gạo của cả nước, được thiên nhiên ưu đãi, ôn hòa, điều kiện sinh sống rất tốt nhưng thực trạng người dân rời bỏ quê hương đến nơi khác lập nghiệp lại trở nên đáng quan ngại.

Nhiều quan điểm cho rằng, lý do người miền Tây rời đi là do những thách thức về thiên tai, như hạn mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường khiến điều kiện sống trở nên khốn khó. Nhưng ở nguyên nhân sâu xa khác, các chuyên gia cho rằng vấn đề thực tế đến từ hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông, cảng biển, dịch vụ ở miền Tây còn yếu kém, không thu hút được đầu tư từ bên ngoài.

Ngành kinh tế chủ yếu là lúa gạo, không tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương. Cấu trúc kinh tế chưa ổn định, nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, hạ tầng giao thông rời rạc, thiếu kết nối khiến vùng đất này chưa phát triển như mong muốn. Cơ hội kinh tế nơi đây không có hoặc kém hấp dẫn khiến nhiều người phải di dân tới các vùng khác.

Nhìn lại trường hợp của Siberia, theo tờ RBTH, một trong những lý do khiến nhiều người Nga vẫn sống ở Siberia và thậm chí chuyển đến sinh sống là bởi nơi đây có nhiều thành phố đông dân và cơ sở hạ tầng phát triển không kém bất cứ đâu. Siberia cũng có đầy đủ các trung tâm khoa học và viện nghiên cứu, hạ tầng thông tin liên lạc tốc độ cao, internet và các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng. Nơi đây có ba thành phố với dân số hơn một triệu người và 19 thành phố với hơn 100.000 người.

Siberia là nơi cực kỳ giàu khoáng sản, chứa hầu hết các loại quặng kim loại có giá trị kinh tế quan trọng, cùng với đó là mỏ dầu lớn ở lưu vực dầu khí Tây Siberia, nơi có nhà máy lọc dầu lớn nhất của Nga. Là khu vực hẻo lánh nhưng Tây Siberia ngày nay đóng góp đến 21% giá trị cho nền kinh tế Nga, GDP bình quân đầu người cũng cao hơn mức trung bình cả nước.

Hình mẫu của Siberia cho thấy rằng, không phải một vùng đất khắc nghiệt sẽ là lý do tạo nên tình trạng di dân, mà vấn đề quan trọng nhất vẫn là kinh tế. Các chuyên gia cho rằng nếu không có những yếu tố đột biến, khả năng dân số miền Tây sẽ tiếp tục giảm, đến năm 2030 cả vùng chỉ còn chưa đầy 17 triệu người.

Điều cần chú trọng lúc này là cần phải có những giải pháp vĩ mô, đồng bộ, chú trọng vào xây dựng cơ sở hạ tầng, từng bước dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế, tận dụng tốt điều kiện ưu đãi của miền Tây, để không chỉ giúp người dân bám trụ quê nhà mà còn thu hút thêm nguồn nhân lực dồi dào từ các địa phương khác.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img