200.000 USD và quà mừng quan chức

Ngoài số tiền 200.000 USD cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận từ Phạm Nhật Vũ do tưởng là quà mừng, liệu vị Bộ trưởng có theo thói quen mà nhận được món quà nào khác hay không? Và số tiền đó bao năm qua có được kê khai minh bạch trong bản lý lịch hàng năm?

img

Ngày 16/12, TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử các bị cáo trong vụ án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của CTCP nghe nhìn toàn cầu AVG gây thiệt hại hơn 6.590 tỷ đồng.

Những con số "khủng", số tiền hối lộ lớn chưa từng có, những nhân vật cộm cán đã khiến cho phiên toà nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.

Đối với tôi, hình ảnh ấn tượng nhất trong ngày xét xử đầu tiên là vẻ mặt tiều tuỵ của hai cựu Bộ trưởng bộ Thông tin & Truyền thông - ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn. Hai bị cáo ra toà với cáo buộc nhận hối lộ số tiền lên tới hàng triệu USD.

Ấn tượng và gây "choáng" hơn cả, khi cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khai ráo hoảnh tại toà: "Gần Tết năm 2016, Phạm Nhật Vũ có đến phòng làm việc của tôi chúc mừng tôi trúng cử và chúc Tết. Tới chiều tối, tôi mới mở ra thì thấy 200 nghìn USD... Lúc đó, tôi nghĩ là quà mừng của Phạm Nhật Vũ khi tôi lên Bộ trưởng bởi rất nhiều người tới chúc mừng tôi sau Đại hội".

Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, ông Trương Minh Tuấn mới nghĩ nếu mình không ký quyết định 236 đồng ý cho MobiFone đầu tư AVG "chắc không có quà đó nên đã chủ động khai báo và nộp lại cho cơ quan điều tra".

Hoá ra, việc nhận được món quà trị giá 200.000 USD - tương đương 4,5 tỷ đồng đối với ông Tuấn - khi còn đương nhiệm cũng chỉ giống như một món quà mừng.

Thử hỏi, ngoài Phạm Nhật Vũ đến cảm ơn vì chữ ký của Bộ trưởng trên quyết định 236 thì "rất nhiều người khác" đến chúc mừng ông Trương Minh Tuấn liệu có vì chữ ký nào khác hay không?

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 của Chính phủ cho thấy, năm 2019 có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 103 triệu đồng. Các trường hợp này ở Trà Vinh (1 người, 3 triệu đồng) và Thái Bình (2 người, 100 triệu đồng).

Tiền "quà mừng" 200.000 USD của ông Trương Minh Tuấn nhận được so với 3 trường hợp nộp lại quà tặng 103 triệu đồng, con số nào phản ánh thực tế?

Lại nhớ hình ảnh cựu Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama sau khi về hưu thì ngày ngày đạp xe đi siêu thị mua đồ ăn giúp vợ vì bà bị đau lưng. Sau những ngày ngồi ghế Thủ tướng, ông Murayama sống trong ngôi nhà giản dị, không có bảo vệ, thư ký hay người giúp việc. Cuộc sống của cựu Thủ tướng và vợ được cho là không khác gì so với người dân địa phương, không có chế độ đặc biệt gì, thậm chí các khoản trợ cấp sách, báo và đi lại cũng không có.

Quay lại mối quan hệ giữa Phạm Nhật Vũ và ông Trương Minh Tuấn, 200.000 USD - Quà mừng hay hối lộ? Khi nhận ông Trương Minh Tuấn có biết không?

Tôi tin là tất cả những quan chức khi nhận được món quà nào cũng đều nhận biết được ý nghĩa thực sự của món quà ấy. "Của biếu là của lo, của cho là của nợ", ấy sao biết là của lo nhưng vẫn nhận?

Mấu chốt vấn đề vẫn là việc công khai, minh bạch trong kê khai tài sản của quan chức. Tuy nhiên, chúng ta có những thiết chế hữu hiệu để kiểm soát việc này hay chưa?

Cũng theo báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng 2019 của Chính phủ, có hơn 1 triệu người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm qua, nhưng chỉ phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với năm trước, tức năm trước chỉ phát hiện 6 trường hợp). Có 8 trường hợp bị xử lý kỷ luật và đang xem xét xử lý 2 trường hợp.

Thử hỏi, tài sản của ông Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son những năm trước có được kê khai đầy đủ, minh bạch hay không? Số tiền 200.000 USD hay 3 triệu USD nhận từ Phạm Nhật Vũ được kê vào đâu và lý giải thế nào?

Xử lý sai phạm của hai nguyên bộ trưởng mới chỉ là một vụ việc điển hình, còn hàng loạt khối tài sản bí ẩn khác dưới cái mác cho/biếu/tặng hay quà mừng cần được xử lý, thì chìa khoá phải là việc thực hành luật pháp nghiêm minh, tránh cả nể, lách luật, gây thiệt hại cho cả Nhà nước và nhân dân.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img