Ngày 27/7, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng Nguyễn Thành Trung ký văn bản báo cáo những ca bệnh trốn viện cần được giám sát gửi trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) yêu cầu cơ quan chức năng hỗ trợ, giám sát và truy tìm 30 người tự ý trốn khỏi bệnh viện khi đang thực hiện cách ly.
Cụ thể, sau khi thực hiện chỉ đạo của Ban phòng chống Covid-19 thành phố Đà Nẵng, bệnh viện Đà nẵng áp lệnh cách ly vào 13h ngày 26/7. Tuy nhiên, do tâm lý lo lắng, nên một số người bệnh và người nhà bệnh nhân đã tự ý bỏ viện. Do đó, cơ sở chữa bệnh này lập danh sách báo cáo CDC Đà Nẵng để có biện pháp theo dõi, giám sát.
Theo ghi nhận của PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, danh sách này gồm có 30 bệnh nhân (và người nhà) điều trị ở khoa Tim mạch can thiệp (15 người), khoa Ngoại tiết niệu (15 người). Họ cư trú chủ yếu ở các quận huyện thuộc TP.Đà Nẵng; có một vài trường hợp ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.
30 người trốn cách ly đang là hiểm họa cho xã hội (Ảnh: Hữu Long)
Ngày 27/7, bệnh viện Đà Nẵng được lực lượng chức năng căng dây phong tỏa. Tại các khu vực cổng chính và phụ đều có cảnh sát túc trực, kiểm soát.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh - Giảng viên khoa Tâm lý (học viện Hành chính Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) - cho rằng, có thể họ đã hành động theo tâm lý đám đông, một người bỏ trốn sẽ kéo theo sự hoảng loạn, a dua của những người bên cạnh. Từ đó cũng có thể hiểu được, tại sao có nhiều người cùng bỏ trốn cùng một lúc như vậy.
“Hoặc có thể kể đến một số nguyên nhân khác, chẳng hạn như những người kia vào bệnh viện với nhiều liý do khó nói: bệnh hiểm nghèo, trốn gia đình,… nếu cách ly sẽ phải khai báo y tế và công khai danh tính, họ sợ gia đình biết được sự thật nên họ tìm cách trốn đi. Hoặc cũng có thể do họ chủ quan với sức khỏe của chính mình, cho rằng bản thân có đề kháng tốt, khỏe mạnh nên không muốn bị cách ly. Hoặc vào khu cách ly họ sợ điều kiện thiếu thốn, không đủ điều kiện chăm sóc, sinh hoạt và sợ bị kỳ thị. Nhưng dù sao đi chăng nữa, việc trốn khỏi khu cách ly là một điều đáng lên án mạnh mẽ, vì nó là hiểm họa cho cả xã hội”, giảng viên Nguyễn Thị Minh nhận định.
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, TS Nguyễn Thị Tố Quyên, chuyên gia xã hội, bức xúc: “ Những cá nhân trốn cách ly như vậy có ý thứcrất kém. Trong khi cả nước phải gồng mình lên để phòng chống dịch, từ Chính phủ đến người dân đều đang rất nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh thì một số người thiếu ý thức cộng đồng, thiếu trách nhiệm với xã hội có thể gây ra họa lớn. Đó là hành vi gây bức xúc dư luận xã hội, rất đáng lên án. Hành vi đó cũng thể hiện sự vô trách nhiệm với xã hội, gia đình và chính bản thân họ”.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cũng bày tỏ, những trường hợp trốn cách ly tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đang góp phần gieo mầm họa rất lớn không thể nào chấp nhận được. Ngoài gây hoang mang dư luân, nó còn góp phần phá hoại nền kinh tế, an ninh - chính trị,… của cả xã hội.
ĐBQH Trí phân tích, chi phí tiền ăn cho 1 người trong khu cách ly trung bình khoảng 60.000 - 90.000 đồng/ngày, chưa tính điện, nước, chăm sóc y tế… Nếu một người không ý thức để lây lan dịch bệnh cho cộng đồng thì hao tổn của xã hội không thể tính bằng tiền được.
Hoặc một người đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người khi trốn cách ly, cơ quan quản lý phải tìm kiếm tất cả những người đã tiếp xúc để giám sát và cách ly. Con số này có thể lên cấp số nhân. Như vậy, việc chỉ cách ly một người đơn giản hơn rất nhiều. Nếu không may người trốn cách ly mắc bệnh, khó khăn trong việc kiểm soát, gánh nặng y tế rất lớn và trở thành mối nguy cho cả xã hội. Đó là hành vi vô trách nhiệm với cộng đồng.
“Ở đây, 30 người trốn cách ly, hiểm họa tiềm ẩn tăng lên gấp bội, các nhà chức trách lại hao tâm trong việc truy tìm và giám sát. Khó khăn chồng khó khăn. Cơ quan chức năng sau khi tìm được những trường hợp này, sau khi hết thời gian cách ly thì cần xử lý nghiêm, đủ sức răn đe cho những việc này sẽ không tái diễn”, ĐBQH Anh Trí chia sẻ.
Là người từng tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở ổ dịch Sơn Lôi (Vinh Phúc), bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Trạm phó trạm Y tế xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) bày tỏ sự quan ngại trước thông tin 30 người gồm người nhà và bệnh nhân tự ý bỏ trốn khi bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng bị phong tỏa.
Nói về hiểm họa khi trốn cách ly của nhóm người này, bác sĩ Hương cho biết: “Hành động này là vô ý thức, và có thể khiến xã hội đối diện với nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao. Bởi, những người trốn cách ly chưa được kiểm tra là có bị nhiễm Covid-19 hay không. Khi đã phong toả bệnh viện thì đó là những ca nghi ngờ, buộc phải chờ kết quả xét nghiệm. Nếu một trong những trường hợp ra ngoài mà bị bệnh thì sẽ lây lan ra ngoài cộng đồng”.
Nhớ lại về quá trình phòng, chống dịch Covid-19 ở Sơn Lôi cách đây vài tháng, bác sĩ Hương cho rằng: “Để người dân hiểu, tránh hoảng loạn thì mỗi cán bộ nhân viên y tế đều tư vấn cho người dân “ở yên tại chỗ và giữ ý thức cho cộng đồng”, nên mọi người phải cách ly tại nhà hoặc cơ sở y tế vì chưa biết bệnh sẽ lây lan ra sao. Nếu có biểu hiện sốt, khó thở thì kiểm tra y tế ngay”.
Cần áp dụng chế tài mạnh mẽ với 30 trường hợp trốn cách ly
PV: Luật sư đánh giá về mức độ nguy hiểm của 30 trường hợp bỏ trốn ở Đà Nẵng với cộng đồng như thế nào?
Luật sư Nghiêm Quang Vinh:
Đối với những trường hợp này, khi bỏ trốn thì vẫn chưa có kết quả xét nghiệm dịch Covid-19. Tuy nhiên, những trường hợp bỏ trốn đã nằm trong danh sách phải cách ly, quản lý. Do đó, đối với những trường hợp này đã vi phạm luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Nhưng trong vụ việc này, vẫn chưa gây hậu quả, làm lây truyền bệnh cho người khác. Vì vậy, chỉ bị phạt hành chính khi không chấp hành các quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Đối với những trường hợp này đã vi phạm luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trách nhiệm của người bệnh, người nhà bệnh nhân trong việc phòng chống bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Người bệnh, người nhà bệnh nhân không tuân thủ đúng theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
PV: Vậy theo luật sư, mức độ xử phạt sẽ như thế nào?
Luật sư Nghiêm Quang Vinh:
Đối với nhưng trường hợp này có thể bị xử lý, phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng với hành vi:
a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;
c) Không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật;
d) Thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.
PV: PV: Có mức độ xử lý nào nặng hơn hay không?
Luật sư Nghiêm Quang Vinh:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Thủ tướng yêu cầu TP.Đà Nẵng giãn cách xã hội từ 00h ngày 28/7
Theo báo Chính phủ, kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố Đà Nẵng bắt đầu từ 00h ngày 28/7, với các nội dung đầy đủ trong Chỉ thị 19; bằng mọi giá không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.
Trước tình hình phức tạp của dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đảng bộ và chính quyền Thành phố Đà Nẵng coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong thời điểm hiện nay, tiếp tục tập trung cao độ, chỉ đạo quyết liệt, huy động sức mạnh tổng hợp, phản ứng nhanh, tăng tốc truy vết, xét nghiệm trên diện rộng nhằm ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, không để dịch lây lan ra toàn thành phố và các tỉnh, thành phố khác.
UBND Thành phố Đà Nẵng tổ chức thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ để phòng, chống dịch trên phạm vi toàn Thành phố trong ít nhất 14 ngày bắt đầu từ 0h ngày 28/7/2020. Đối với các khu vực, địa bàn có nguy cơ cao (như tại 3 bệnh viện, một số nơi các bệnh nhân đã đến), cần phải phong tỏa, cách ly và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020. Đối với các khu vực, địa bàn còn lại, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020.
Tùy diễn biến dịch, Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng xem xét, quyết định mức nguy cơ và biện pháp phù hợp, kịp thời để phòng, chống dịch đối với từng khu vực, địa bàn trên phạm vi thành phố.
L.L.B