Vụ việc cô giáo bị tố vào nhà nghỉ với học sinh ở Bình Thuận đang rơi vào tình huống mà báo chí bị mạng xã hội biến thành trò cười.
Bùng phát từ thông tin trên mạng xã hội, hàng loạt tờ báo, trang mạng đã ngay lập tức đăng tải các bài viết liên quan đến vụ việc cô giáo Phạm Thị Vũ Hạ, giáo viên trường THPT Nguyễn Huệ, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận bị chồng bắt quả tang quan hệ bất chính với học sinh lớp 10 trong nhà nghỉ.
Từ thông tin trên, các trang mạng bắt đầu xào xáo, tổng hợp rất nhiều tình tiết trên Facebook, với đủ các bằng chứng từ chiếc áo ngực, chiếc bao cao su có mặt tại hiện trường để khẳng định cô giáo Hạ làm trò trái với đạo đức nghề giáo, đồng thời lôi kéo cậu học sinh lớp 10 vào vòng xoáy chỉ trích.
Điều kỳ lạ là các trang mạng, cũng như một số tờ báo tham gia vào vụ việc chỉ xác nhận thông tin từ phía nhà trường về việc tạm đình chỉ cô giáo Hạ để điều tra, cùng với nội dung lá đơn tố giác của người chồng mà tuyệt nhiên không hề xác minh thông tin từ phía cô giáo và cậu học sinh nói trên một cách khách quan, đa chiều.
Điều này khiến cho cả dư luận mặc nhiên tin rằng cô giáo Hạ thực sự đã có hành vi không thể chấp nhận được với học sinh của mình, khiến nhân vật này cùng cậu học trò nếm đủ mọi lời mắng chửi, trù ẻo.
Đáng trách hơn, một số trang mạng còn lấy ảnh của một học sinh trong trường, gán ghép với hình ảnh cô giáo bị tố cáo và cho rằng đó là người có quan hệ không lành mạnh với cô giáo trong vụ việc nêu trên. Trong khi thực tế, người đi cùng cô giáo Hạ hôm đó là một học sinh khác.
Và phải đến khi sự việc trôi qua được vài ngày, khi cô giáo Hạ nếm trải đủ mọi lời công kích của miệng đời và cậu học sinh bị hiểu nhầm kia sốc đến mức không thể đi học, thì cả hai mới được một lần giãi bày trên báo chí.
Bất ngờ thay, cô giáo Hạ lại phản bác hết mọi lời cáo buộc, mọi thông tin đăng tải tràn lan trên báo chí vài ngày qua, cho rằng mình bị tố cáo sai sự thật, mất hết danh dự cá nhân. Còn gia đình cậu học sinh bị hiểu nhầm thì đau đớn, suy sụp với cái oan từ trên trời rơi xuống.
Trong lời phân trần của mình, cô giáo Hạ tố người chồng gài bẫy, dàn dựng mọi chuyện sai sự thật. Cô giáo chỉ nhờ học sinh của mình đi tìm nhà trọ cho em gái và không hề có áo ngực hay bao cao su gì như lời người chồng tố giác.
Đáng chú ý hơn, người chủ nhà trọ (cũng chỉ được phóng viên tìm đến sau vài ngày) nơi xảy ra vụ việc cũng đã lên tiếng xác nhận với báo chí rằng mọi tình tiết theo lời người chồng đều là “tầm bậy”.
Đến thời điểm này, câu chuyện trái luân thường đạo lý gây sốt mang tên “cô giáo quan hệ bất chính với học sinh” đã đảo ngược tình tiết một cách ngoạn mục.
Rất nhiều người đã nghĩ rằng việc cô giáo Hạ không nói gì vài ngày qua là vì những lời tố giác là thật, cô xấu hổ vì lỗi lầm của mình nên cam chịu. Nhưng hóa ra, người phụ nữ này đơn giản là không hề được lên tiếng.
Các phương tiện truyền thông chỉ chăm chăm xoáy sâu vào đủ các tình tiết của vụ bê bối gây sốc để kích thích người đọc, trong khi một hành động đơn giản là xác minh sự việc đối với nạn nhân thì không hề có.
Tất nhiên, câu chuyện vẫn còn chưa ngã ngũ. Rất có thể đó chỉ là một lời chống chế của cô giáo Hạ sau vài ngày lấy lại bình tĩnh và mọi kết luận sẽ còn chờ đợi từ phía cơ quan công an điều tra.
Nhưng báo chí và mạng xã hội đã vấp phải một sai lầm quá lớn khi đã vội vã, hấp tấp với thông tin không được kiểm chứng một cách đúng đắn, có cơ sở. Họ vội vã kết án và chỉ trích hội đồng một người không được lên tiếng bảo vệ quan điểm cá nhân của mình.
Và nếu như trong thời gian tới, cô giáo Hạ được chứng minh là đúng thì sao? Khi đó, sai lầm này sẽ trở nên quá khủng khiếp, khi hàng triệu cái “mồm ảo” dưới sự tiếp tay của một số tờ báo kém nghiệp vụ đã vu oan giá họa cho một cô giáo và một học sinh lớp 10 với cái cáo buộc xúc phạm danh dự nhất trên đời.
Và kể cả trong cả hai trường hợp cô giáo Hạ đúng hay sai trong lời cáo buộc của người chồng, trên thực tế cậu học sinh bị ghép ảnh nhầm kia mới là người bị tổn hại lớn nhất trong câu chuyện.
Ở cái tuổi dậy thì còn nhiễu nhương, đó sẽ là một cú sốc tinh thần lớn, ảnh hưởng đến cuộc đời, dẫu cho cậu đã được minh oan trong muộn màng.
Sau scandal chấn động mang tên “cô giáo Bình Thuận”, người ta sẽ còn nói nhiều đến tác động nghiêm trọng của tin tức giả và sự chủ quan của một số tờ báo khi bỏ qua nghiệp vụ để đắm chìm vào biển thông tin thập cẩm, đúng sai lẫn lộn trên mạng xã hội.
Và còn đó nữa, những công dân ảo trên Facebook, những cái mồm thị phi sẵn sàng phán xét, chỉ trích mọi thứ một cách tự động mà không màng đến sự thật hay nghĩ đến hậu quả từ những lời nói mà mình tạo ra. Ai sau này sẽ cản được họ?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả