Phẫn nộ và đau đớn khi ngay giữa mùa Vu Lan báo hiếu phải nghe chuyện “nghịch tử” nhẫn tâm bạo hành, đối xử thậm tế với mẹ ruột. Coi của cải vật chất và tiền bạc là “số một”, phận làm con nhưng sẵn sàng “chà đạp” công dưỡng dục của đấng sinh thành.
Người phụ nữ đánh đập dã man mẹ ruột ở Long An khiến dư luận phẫn nộ. (Ảnh cắt từ clip)
Một mùa Vu Lan nữa lại về, nhắc nhở mỗi người con chúng ta bài học sâu sắc về chữ Hiếu thiêng liêng, hướng lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành.
“Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ/ Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha”. Cha mẹ thương con vô bờ bến, thứ tình cảm thiêng liêng ấy không hữu hình như “cơm ăn áo mặc” hằng ngày, nhưng thiếu nó, ắt hẳn không đứa con nào có thể lớn lên toàn vẹn.
Ta sẽ chẳng thể tìm ở đâu tình yêu thương vô điều kiện như cha mẹ đã dành cho con cái. Thế nên, đạo làm con hãy luôn dặn lòng “Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Không chỉ trong mùa báo hiếu, mà ngày nào cũng là ngày Vu Lan để con cháu hiếu hạnh với đấng sinh thành.
Trong đạo làm người, chữ Hiếu luôn đứng ở vị trí đầu tiên. Không phải ngẫu nhiên mà trong ngôn ngữ, chữ “Hiếu” lại được kết hợp để thành những từ ghép như: hiếu đạo (đạo làm con), hiếu dưỡng (chăm sóc, nuôi dưỡng), hiếu đễ (kính trọng cha mẹ và tôn trọng anh chị), hiếu thuận (hiếu với cha mẹ và hòa thuận với anh em)...Vậy nên, trong muôn vàn tội lỗi, thì bất hiếu là tội nặng nhất, khó mà dung thứ được.
Song, còn gì đau đớn hơn khi ngay giữa mùa Vu Lan báo hiểu phải chứng kiến cảnh những đứa con “nghịch tử” nhẫn tâm “xuống tay” với chính đấng sinh thành. Mới đây nhất, dân mạng “dậy sóng” phẫn nộ trước đoạn clip dài gần 7 phút ghi lại cảnh người phụ nữ tên N.T.H. bạo hành chính mẹ ruột mình là bà N.T.Đ (88 tuổi) ở Long An. Trong clip, bà H. liên tiếp chửi bới, xưng hô “mày tao”, dùng chổi đánh vào mặt, đầu cụ Đ. Không dừng lại, người này còn đổ rác và chất bẩn lên đầu cụ Đ. và ép phải "ăn". Cụ Đ. tuổi cao sức yếu bất lực chỉ còn cách ngồi im chịu trận như một pho tượng với nỗi đau hóa đá.
Được biết, cụ Đ. đã mất cách đây ít ngày, và đoạn clip này được chính cháu ngoại ghi lại từ khoảng tháng 11/2019. Vậy trong suốt ngần ấy thời gian, cụ Đ. phải chịu biết bao trận đòn roi từ chính đứa con mình mang nặng đẻ đau, dứt ruột sinh ra?
Ai cầm lòng cho nổi và dám can đảm xem hết đoạn clip đó, bởi chỉ nhìn thoáng qua thôi cũng đã đủ rùng mình, phẫn uất, thương xót cụ bà vô phúc sinh phải đứa con bất nhân, thất đức.
Nhẽ ra, ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Đ. phải được con cái chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo. Ấy thế mà, chỉ vì hơn thua chút tài sản, bà H. nhẫn tâm coi người mẹ già yếu tội nghiệp là gánh nặng, hành hạ không nương tay. Biết bao người đã thốt lên trong phẫn nộ: “Chữ Hiếu đâu mất rồi ai ơi?”.
Sự việc đau lòng này chỉ là bề nổi của tảng băng mà thôi. Bởi, trong xã hội này còn biết bao nhiêu nghịch cảnh con cái bỏ bê, bạo hành, ngược đãi cha mẹ mà người ngoài khó lòng biết được nếu nó không bị phanh phui. Thật đúng như câu ca dao thủa nào: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể/ Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”.
Quả thật, nói tới chữ Hiếu trong xã hội ngày nay, chúng ta không khỏi băn khoăn, lo lắng. Nền đạo đức bị suy đồi, con người bị hút vào chủ nghĩa thực dụng. Coi của cải vật chất và tiền bạc là “số một”, không ít phận làm con sẵn sàng “chà đạp” công dưỡng dục của đấng sinh thành. Nhưng, “gieo nhân nào sẽ gặt quả đó”, việc họ đối xử tệ bạc với cha mẹ có thể qua mắt pháp luật, nhưng không qua mắt được trời đất. Rồi họ sẽ phải trả giá cho hành vi độc ác của mình.
Nước mắt chảy xuôi là lẽ tự nhiên, cha mẹ nuôi con ai cũng mong con được sống hạnh phúc, mà không mong cầu phải trả ơn, lo lắng cho mình. Vậy thì đạo làm con phải biết đến “công cha, nghĩa mẹ” mà hiếu hạnh với đấng sinh thành – đó là điều luôn cần có trong đạo làm người.
Sự hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, ông bà không chỉ được đo bằng sự cung phụng về tiền tài, của nải, mà còn được thể hiện qua sự quan tâm trong đời sống tinh thần. Vì vậy, bên cạnh sự chu cấp cho cha mẹ về mặt vật chất, chúng ta nên làm những điều khiến cho họ thật sự vui, an hưởng khi về già. Thiết nghĩ, cũng đã đến lúc nhà nước và xã hội phải xây dựng các dịch vụ chăm sóc người già để trả ơn cho sự cống hiến thầm lặng của họ.
Ai nấy đều rơi nước mắt khi nghe câu: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”. Những ai còn mẹ, còn cha, xin hãy đừng làm họ khóc...
Hà Linh* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.