Ai thương những đứa trẻ nhà nghèo bị “cướp chỗ” nơi giảng đường đại học?

Nhiều người đang có quan điểm bảo vệ những thí sinh trên – 18 – tuổi liên quan trực tiếp tới gian lận điểm thi tại Sơn La, Hòa Bình khi ủng hộ việc không công khai danh sách các em tới công luận. Nhưng điều này, liệu có công bằng với những thí sinh khác?

img
img

Tôi, con một gia đình nông dân chính hiệu, con đường duy nhất mà bản thân và bố mẹ hướng ngay từ nhỏ là phải thi đỗ đại học. Sau khi thực hiện được điều đó thì hiện tại tôi có thể tự hào vì tôi đã tự hoạch định cho mình tương lai. Nhưng thật tiếc, đang có ít nhất 110 em khác đang bị chiếm mất cơ hội thay đổi cuộc đời bởi những thí sinh gian lận đến từ Sơn La và Hòa Bình.

Vụ bê bối gian lận vô tiền khoáng hậu xảy ra ở các địa phương khác nhau trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Nhiều thí sinh học thật, thi thật bị mất chỗ vào tay những thí sinh học giả, thi giả. Niềm tin xã hội bị giảm sút, còn ngành giáo dục thì vẫn đang loay hoay tìm cách bịt lỗ hở ở kỳ thi mang tính Quốc gia này. Hơn nửa năm sau khi sự việc xảy ra, bộ Công an và bộ GD&ĐT cho biết đã xác định được 110 thí sinh có điểm thi thật thấp hơn so với điểm thi đã công bố, có cháu được những cán bộ trong ngành giáo dục “phù phép” bài thi lên tới 26.55 điểm/3 môn. Việc đuổi học những thí sinh này là điều hiển nhiên, nó giúp cho giảng đường đại học trở nên trong sạch hơn. Tuy vậy lại có một đợt tranh cãi trong dư luận đã xảy ra, khi xuất hiện 2 luồng ý kiến về việc nên hay không công khai danh tính của thí sinh và phụ huynh đã cướp đi cơ hội học tập của những em học sinh khác. Luồng quan điểm không ủng hộ việc công khai danh tính cho rằng điều đó sẽ làm tổn thương các em, từ đó dẫn đến những tiêu cực trong suy nghĩ và hành động. Ngược lại, nhiều người cho rằng cần đưa danh sách này ra ánh sáng vì các thí sinh gian lận trên đều đã 18 tuổi, độ tuổi đủ trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật và dư luận. Bản thân tôi ủng hộ quan điểm này. Tôi tin, các em biết bố mẹ mình mua điểm cho mình vào trường đại học (phần đa đều là các trường công an, quân đội đi học được miễn học phí, ra trường thì được bố trí ngay việc làm), bởi lẽ làm sao một người đi thi chỉ làm được 3 điểm mà kết quả báo về lên tới 29 điểm lại không biết, vậy nên thật khó để nói các em chỉ là nạn nhân của bố mẹ. Việc công khai danh tính của những em này sẽ là bài học nhãn tiền cho những con người biết xấu hổ khác từ bỏ ý định gian lận ở những kỳ thi tiếp theo. Không chỉ thế, điều này còn giúp cho những sinh viên đến từ Sơn La, Hòa Bình ở các trường đại học được “minh oan”, suốt những tháng ngày qua các em phải sống trong nỗi hổ thẹn, những ánh mắt nghi ngờ đến từ bạn bè, mà nguồn cơn lại là do những người vô lương thực hiện ở quê nhà. Thay vì dành tình thương cho những thí sinh gian lận, dư luận hãy quay sang dành tình thương và đòi hỏi quyền lợi cho ít nhất 110 thí sinh khác đang bị cướp chỗ bởi những em này. Bộ GD&ĐT thay vì thể hiện trách nhiệm của mình thì lại đá quả bóng sang cho các trường tự quyết định có gọi bổ sung hay không. Thay cho lời kết, tôi kể lại câu chuyện mà bản thân đã trải qua. Ngày mà cánh phóng viên chúng tôi lên Sơn La tác nghiệp sự kiện gian lận điểm thi này, tôi cùng một số đồng nghiệp khác được người dân đưa cho một danh sách mà họ cho là những em này đã được bố mẹ bỏ tiền/quan hệ ra mua điểm. Chúng tôi đã nán lại mảnh đất này vài ngày để đi tìm những câu chuyện từ những thí sinh bị nghi gian lận thi cử. Nhưng, rất tiếc khắp thành phố này, chúng tôi không tìm được một thí sinh nào có ý định tự tử, hoặc bỏ nhà đi vì biết tin bố mẹ chạy điểm cho mình! *Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
img