Ôm túi thực phẩm trong lòng, ông Hà Nguyễn Long cố nhích chiếc xe lăn của mình đến gần hơn anh thanh niên của ban tổ chức siêu thị hạnh phúc 0 đồng. Ông muốn được thể hiện lòng biết ơn bằng nụ cười giản dị vì không thể nói lời cám ơn do bệnh tật khiến mình nói chuyện một cách khó khăn.
Sắp xếp lại túi thực phẩm, đặt lên sau xe lăn, một cách khó khăn, ông chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, bằng ngôn ngữ cơ thể kèm theo những câu nói không đầy đủ, ông cố gắng cho PV hiểu việc ông bị bại liệt từ nhỏ, bạo bệnh cũng khiến ông không thể nói chuyện bình thường.
Tật nguyền, không nơi nương tựa, ông lăn lóc với đời bằng công việc bán vé số. Đại dịch ập đến, không có vé số để bán, không có quê để về, ông lay lắt qua ngày bằng những hộp cơm từ thiện của những người hảo tâm.
“Khi nghe có siêu thị 0 đồng, tôi lăn xe đến đăng ký, mua thức ăn. Được trao tận tay, tôi vui lắm. Cám ơn mọi người”, ông Long nói trong vẻ mặt hạnh phúc dù phải phát âm từ chữ của câu nói ấy trong nhiều thời gian.
Bên cạnh ông Long, cũng ngồi trên chiếc xe lăn cũ kỹ, ông Trần Hữu Phát (62 tuổi) cho biết, ông rất hạnh phúc khi được mua thực phẩm thiết yếu với giá 0 đồng. Ông chia sẻ, thời điểm chưa có dịch, ông là một thợ bạc. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở nơi ông làm việc đã tạm nghỉ nên ông trở thành người thất nghiệp.
Những người khuyết tật, người nghèo cảm nhận tình nhân ái ấm áp sau khi mua thực phẩm tại siêu thị.
Ông nói: “Tôi tật nguyền nhưng phải nuôi 3 người khác trong gia đình. Khi công việc chưa bị tạm ngưng, thu nhập của tôi cũng đủ cho tôi và 3 người còn lại đắp đổi qua ngày. Nhưng khi có dịch, chúng tôi không biết làm gì ra tiền nên khó khăn lắm".
"Rất may, Nhà nước, cộng đồng đã có những hành động, chương trình hỗ trợ kịp thời cho những người như chúng tôi. Có thực phẩm với giá 0 đồng như vậy, tôi vui lắm. Siêu thị đã kịp thời giúp đỡ chúng tôi lúc thắt ngặt”, ông Long nói thêm.
Quan sát thực tế, PV ghi nhận, siêu thị gồm 3 gian hàng chính: Gian hàng lương thực, thực phẩm, gian hàng quần áo và gian hàng sách truyện. Mỗi khách hàng sẽ được chọn 5 sản phẩm khác nhau với tổng giá trị cho mỗi lần là 100.000 đồng và 2 lần cho một tháng.
Thời điểm PV có mặt, nhiều mạnh thường quân cũng chở những mặt hàng thiết yếu khác đến tặng cho những người nghèo, khuyết tật đến siêu thị mua thực phẩm. Trước tấm lòng của những nhà hảo tâm, mạnh thường quân, người được nhận quà không khỏi xúc động. Thậm chí, có người đã rơm rớm nước mắt khi nhận túi thực phẩm với giá 0 đồng từ siêu thị.
Các gian hàng bên trong siêu thị 0 đồng.
Đứng chờ 2 người bạn già nhận thực phẩm, ông Dịp Âu Sĩ (60 tuổi) cứ nhìn túi thực phẩm rồi cẩn thật cột lại miệng túi như thể ông lo sợ chúng sẽ tan biến mất. Chia sẻ với PV, ông nói, ông sống một mình đã nhiều năm và không có vợ con.
Trước đây, trong lúc đi làm, ông bị tai nạn giao thông phải mổ não. Khi tỉnh dậy, biết số tiền điều trị rất lớn và phải nằm viện nhiều thời gian, ông đã “trốn” viện về nhà. Từ đó, ông mất sức lao động, chỉ ở nhà trông chờ vào tình thương của các anh em trong gia đình.
Người nghèo cho biết họ hạnh phúc vì được giúp đỡ trong lúc khó khăn, thắt ngặt và mong có nhiều mô hình như thế ở nhiều địa phương các nhau.
Đại dịch kéo đến, cuộc sống của ông vốn đã khó khăn nay lại càng khốn khó. Mọi sự giúp đỡ của người thân với ông dần hạn chế, cái đói dần hiện hữu. Do đó, khi biết đến siêu thị không đồng, ông được 2 người bạn cùng cảnh ngộ dìu, dắt đến chùa Vĩnh Nghiêm để mua thức ăn.
Ông nói: “Tôi biết ơn những người có lòng tốt. Những giúp đỡ này không chỉ khiến chúng tôi vượt qua khó khăn trước mắt mà còn khiến tôi cảm thấy vững tin sống tiếp. Tôi thấy mình không cô đơn”.
Ông Dịp Âu Sĩ và những người bạn cùng hoàn cảnh sau buổi "đi"siêu thị 0 đồng..
Sau câu nói ấy, PV bất chợt nhận thấy đôi mắt ông mấp máy giọt nước mắt. Đúng lúc ấy, 2 người bạn của ông cũng vừa kịp đến bên ông. Cùng nhau cầm túi thực phẩm, ba người bước đi trong niềm hạnh phúc mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy trên khuôn mặt. Chứng kiến những nụ cười, giọt nước mắt hạnh phúc ấy mới thấy, tình người, lòng nhân hậu đang sinh sôi nảy nở giữa lúc khó khăn bủa vây.
Trao đổi với PV, những người này cho biết, họ sống chung một khu phố và thấu hiểu hoàn cảnh của nhau. Những ngày qua, dù mỗi người một hoàn cảnh nhưng các ông bà vẫn qua lại, hỗ trợ nhau lúc khốn khó.
Theo chân họ ra cổng chùa, PV bắt gặp hình ảnh cụ bà trong thân hình gầy gò, cố ôm bọc thức ăn vừa mua trong siêu thị 0 đồng trong lòng. Giữa đám đông, bà cố ngước cao cổ để tìm ai đó. Khi được hỏi, cụ bà cho biết, cụ đang tìm anh xe ôm quen để được chở về nhà. Cụ bà cho biết, nhiều năm qua, bà ở vậy nuôi đứa cháu tật nguyền bằng công việc bán vé số dạo.
Mùa dịch bệnh, không có vé số để bán, không có thu nhập, bà lay lắt qua ngày nhờ lòng hảo tâm của những hàng xóm tốt bụng. Bà nói, khi nghe có siêu thị 0 đồng, bà như người chết đuối vớ được cọc, nên gọi anh xem ôm quen chở đến làm thủ tục nhận quà.
Siêu thị chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu cho ngày tiếp theo.
“Tôi vui lắm. Có thức ăn này rồi, tôi không lo đói nữa. Có thêm quả trứng, nước mắm, dầu ăn, bữa ăn của tôi thậm chí ngon hơn hồi còn đi bán. Tôi sẽ cố tiết kiệm để các nhà hảo tâm còn giúp đỡ cho nhiều người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn tôi”, cụ bà chia sẻ.
Thượng tọa Thích Thanh Phong, Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho biết, bước đầu, chùa cùng các nhà tài trợ sẽ duy trì siêu thị trong vòng 1 tháng. Sau đó, nếu hết dịch, đời sống người dân nghèo, khuyết tật ổn định hơn thì siêu thị sẽ dừng hoạt động. Thượng tọa cũng cho biết, ông hy vọng mô hình này sẽ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn giảm đi phần nào cơ cực trong thời điểm chống đại dịch.
Khi đến siêu thị hạnh phúc 0 đồng, người dân được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và ngồi vào các vị trí đã có sẵn để đảm bảo giãn cách 2m theo quy định. Mỗi khách hàng đến siêu thị sẽ được chọn năm sản phẩm khác nhau như gạo, đường, mắm, muối, thuốc, dầu ăn… với tổng trị giá cho mỗi lần là 100.000 đồng. Mỗi người sẽ được mua tối đa hai lần/tháng.
H.N