Ấn Độ tẩy chay hàng hóa Trung Quốc: Lưỡng bại câu thương?

Mạnh Kiên

Sau cuộc đụng độ biên giới khiến quan hệ hai nước tụt dốc thê thảm, Ấn Độ đã tìm ra cách thức mới để đối đầu với Bắc Kinh tên mặt trận kinh tế. Nhưng liệu tẩy chay hàng hóa Trung Quốc có phải nước đi đúng đắn?

Cuộc chiến kinh tế?

Khi 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc ở Himalayas hồi giữa tháng 6, hòa bình mong manh trên nóc nhà thế giới tồn tại gần 60 năm qua dường như đang trực chờ tan vỡ.

Trong khi các nhà ngoại giao và chỉ huy quân đội hai bên vẫn đang nỗ lực trong các cuộc đàm phán để giải quyết căng thẳng ở cấp độ quân sự, nhiều chuyên gia lo ngại một hình thức xung đột mới đang nhen nhóm khi người Ấn Độ muốn đáp trả kinh tế và trừng phạt người hàng xóm.

Một hiệp hội thương nhân ở New Delhi gần đây đã yêu cầu các khách sạn cấm cửa du khách Trung Quốc và liệt kê danh sách 3.000 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để kêu gọi người dân tẩy chay.

Trên mặt trận nền tảng di động, các nhà lập trình còn tạo ra một ứng dụng giúp phát hiện và loại bỏ các tất cả các ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc trên điện thoại người dùng. Mặc dù Google đã gỡ bỏ trên gian hàng nhưng ứng dụng này đã nhận được sự hưởng ứng vô cùng lớn với hơn một triệu lượt tải.

Các chính trị gia Ấn Độ cũng nhanh chóng tham gia vào lời kêu gọi, đề nghị tẩy chay mọi thứ thuộc về Trung Quốc, từ nhà hàng đến các ứng dụng di động phổ biến như TikTok. Một số hành động đã trở nên cực đoan.

Các thành viên đảng Bharatiya Janata (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi đã lục soát một cửa hàng bán đồ chơi ở Mumbai được cho là có nguồn gốc Trung Quốc, trong khi một nhà lãnh đạo của đảng còn đe dọa “đánh gãy chân” bất cứ ai sử dụng hàng hóa đến từ quốc gia láng giềng.

Chính quyền khu vực cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Tại bang Haryana và Uttar Pradesh, chính quyền đã hủy bỏ nhiều hợp đồng được trao cho các công ty Trung Quốc trong khi chính quyền trung ương yêu cầu các nhà cung cấp phải làm rõ nguồn gốc sản phẩm của họ, cùng với tỷ lệ sản phẩm xuất xứ từ địa phương. Tin tức đăng tải nhiều ngày qua cho thấy hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã bị gián đoạn vì các nhà chức trách đang trì hoãn thông quan.

Hệ quả của những vụ tẩy chay này vẫn chưa được đánh giá nhưng Ấn Độ sẽ phải sớm nhìn nhận một cách nghiêm túc hướng đi này. Nền kinh tế của quốc gia Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 4,5% trong năm nay, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nhưng liệu chừng ấy đã đủ để New Delhi khởi đầu cho một cuộc chiến kinh tế - bên cạnh những va chạm quân sự - với nhà nhập khẩu lớn nhất của mình?

“Voi đấu rồng”

Dựa trên những dự liệu thực tế, câu trả lời là không đủ.

“Một lệnh cấm hàng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc là không khả thi”, ông Harsh Pant, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học King London, nói. “Đây sẽ là một đề xuất gậy ông đập lưng ông”.

Hàng hóa và đầu tư Trung Quốc tràn ngập hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày Ấn Độ, từ mua đồ tạp hóa đến gọi taxi cho đến đặt hàng thực phẩm trực tuyến và thanh toán kỹ thuật số.

Theo báo cáo của Brookings Ấn Độ công bố vào tháng 3 năm nay, khoản đầu tư hiện tại và theo kế hoạch của Trung Quốc vào Ấn Độ là hơn 26 tỷ USD. Theo báo cáo của Gateway House trong cùng tháng, nguồn vốn của Trung Quốc đã tài trợ cho ít nhất 92 công ty khởi nghiệp Ấn Độ - bao gồm 14 công ty khởi nghiệp “kỳ lân”. Những start-up này bao gồm các thương hiệu nổi tiếng như Ola, Flipkart, Byju, Make My Trip, Oyo, Swiggy và Zomato.

Tầm quan trọng của Trung Quốc cũng được đánh dấu bằng sự hiện diện của tư liệu sản xuất nhập khẩu, được các nhà sản xuất Ấn Độ sử dụng để sản xuất hàng hóa thành phẩm.

“Khoảng 60% hàng nhập khẩu của Ấn Độ từ Trung Quốc rơi vào loại này. Nếu không có những mặt hàng nhập khẩu như vậy, chuỗi cung ứng của chúng tôi sẽ không thể cung cấp”, ông Joe Thomas K, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Công nghệ Ấn Độ Madras (IIT-Madras) nói với SCMP.

Bên cạnh nhập khẩu, Trung Quốc cũng tăng cường dấu ấn ở Ấn Độ bằng cách đầu tư vào sản xuất.

Nhiều công ty Trung Quốc hiện đang sản xuất tại Ấn Độ. Trong số 5 thương hiệu sản xuất điện thoại di động hàng đầu ở Ấn Độ, có đến 4 công ty Trung Quốc, chiếm hơn 66% thị phần, theo báo cáo của Gateway House.

Trong nhiều lĩnh vực như viễn thông và dược phẩm, sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cao đến mức các ngành công nghiệp sẽ khó tồn tại nếu cắt đứt nguồn cung. Có tới 90% linh kiện cần thiết cho điện thoại di động được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các nhà phê bình nói rằng vì những lý do này, kế hoạch giúp Ấn Độ tự lực bằng cách giảm nhập khẩu từ Trung Quốc có thể không phải là một ý tưởng tuyệt vời trong ngắn hạn.

“Một khái niệm như vậy sẽ chỉ hoạt động trong dài hạn, khi chúng ta có thể tổ chức lại chuỗi cung ứng. Tự lực sẽ có nghĩa là chúng ta sẽ phải tạo ra năng lực và điều kiện phù hợp cho các nhà sản xuất Ấn Độ để xây dựng các sản phẩm mà hiện tại họ không thể thực hiện do thiếu chuyên môn hoặc tài nguyên”, ông Vinod Kumar, chủ tịch hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Ấn Độ (India SME) với 86.000 thành viên, nêu quan điểm.

Tận dụng cơ hội trong khó khăn

Tất nhiên, New Delhi dường như quá hiểu làn sóng tẩy chay như vậy là không khả thi.

Xét cho cùng, Thủ tướng Modi vẫn được coi là nhà lãnh đạo chủ trương xây dựng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc. Sau khi ông lên nắm quyền thủ tướng, thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đã tăng từ 65,7 tỷ USD trong giai đoạn 2013-2014 lên 87 tỷ USD trong năm 2018-19.

Hơn nữa, so với cùng kỳ, sự phụ thuộc của Ấn Độ vào hàng nhập khẩu Trung Quốc đã tăng từ 51 tỷ USD lên hơn 70 tỷ USD và thâm hụt thương mại của nước này đã tăng từ 36 tỷ USD lên 53,5 tỷ USD.

Vì vậy, lời kêu gọi Ấn Độ “tự lực” của chính quyền Thủ tướng Modi đã khiến nhiều người bối rối. Tuy nhiên, nhiều quan điểm coi đó là một điều tốt.

Cơ quan Đầu tư Ấn Độ cho biết lời kêu gọi đó sẽ đảm bảo biến “khủng hoảng trở thành một cơ hội”.

Deepak Bagla, giám đốc điều hành Cơ quan Đầu tư Ấn Độ, cho biết các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm cách sắp xếp lại chuỗi cung ứng của họ. “Nhiều công ty muốn rời khỏi Trung Quốc và muốn có một sự thay thế cho Trung Quốc. Ấn Độ hoàn toàn sẵn sàng trở thành điểm đến phù hợp”, ông nói.

Theo Bagla, ít nhất 578 nhà sản xuất toàn cầu đã cam kết đầu tư khoảng 170 tỷ USD Mỹ vào Ấn Độ, trong đó 20 tỷ USD đã cập bến.

Thương mại là chìa khóa giảm xung đột

Trong khi đó, những lời kêu gọi tẩy chay dường như không gây ra nhiều mối quan ngại ở Bắc Kinh. Quan điểm tại quốc gia này cho rằng, Ấn Độ đã trở thành một nguồn đầu tư kinh tế đáng kể cho các công ty Trung Quốc và bất kỳ sự gián đoạn nào đối với sự sắp xếp này có thể mang đến những hậu quả chính trị.

Tờ Thời báo Hoàn cầu nhận định, những tác động của một cuộc tẩy chay như vậy sẽ có khả năng tàn phá đối với nền kinh tế Ấn Độ vốn đã mong manh.

Joe, chuyên gia từ IIT-Madras, cho biết chính mối quan hệ kinh tế sâu sắc được phát triển trong hai thập kỷ qua đã giúp giữ duy trì nền hòa bình giữa hai người khổng lồ châu Á, vốn âm ỉ những căng thẳng sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962.

“Trong khoảng thời gian dài, thương mại giữa hai nước tăng lên và điều này tương quan với số lượng xung đột giữa hai nước đi xuống. Cả hai đều tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ”, Joe nói.

Theo Joe, quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn có nghĩa là hai nước có thể giữ cho tranh chấp biên giới không trở thành điểm nóng đỉnh điểm trong quan hệ.

“Hai nước có thể nói với nhau về nhiều lĩnh vực khác ngoài chiến tranh. Tuy nhiên, sự thấu hiểu này đang bị đe dọa”, ông nói.

Những động thái chậm rãi nhưng chắc chắn của Ấn Độ đối với Mỹ, như ủng hộ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Washington và tham gia vào cuộc đối thoại an ninh tứ giác với Mỹ, Nhật Bản và Australia, có thể đã khiến Trung Quốc hoảng sợ.

Kết quả là, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đã bị lãng quên.

Ấn Độ và Trung Quốc cần khẩn trương tăng cường cả quan hệ kinh tế và văn hóa thay vì kéo theo suy thoái về quan hệ thương mại. Nếu tiếp tục như vậy, hòa bình trên nóc nhà thế giới sẽ không thể đảm bảo.

Mạnh Kiên