Đến hẹn lại lên, ngày lễ giảm giá Black Friday (Thứ Sáu đen tối) lại trở thành sự kiện mua sắm được người dân Mỹ săn đón vào dịp cuối năm. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thói quen tiêu dùng này nên được thay đổi.
Theo tờ HuffPost, thay vì ngồi chầu chực trước màn hình máy tính để mua hàng trong dịp này, chúng ta nên cân nhắc không tham gia Black Friday vì một số lý do.
Đầu tiên là dịch bệnh ảnh hưởng đến tài chính của nhiều người. Black Friday kết hợp với Giáng Sinh gây áp lực quá lớn đối với người nghèo trong việc tiêu tiền vượt quá khả năng bản thân để chạy theo xu hướng đám đông. Đây được coi là dịp tăng trưởng đối với các nhà bán lẻ, nhưng lại không tốt cho ví tiền người mua sắm khi phải chịu áp lực chi tiêu quá mức.
Năm 2019, 44% người Mỹ phải vay nợ để mua sắm trong dịp này, với khoản nợ trung bình là 1.325 USD, theo cuộc khảo sát của trang web Magnify Money. Năm nay đặc biệt khó khăn hơn đối với người Mỹ khi hàng triệu người mất việc làm, nhiều công ty phá sản.
Lý do tiếp theo mà tờ HuffPost đưa ra đó là Black Friday chỉ đang khiến cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng. Đến nay, dịch Covid-19 đã giết chết ít nhất 243.000 người Mỹ và là nguy cơ sức khỏe đối với hàng triệu cá nhân khác. Tuy nhiên, điều đó lại không ảnh hưởng đến 1% dân số giàu có ở quốc gia này.
Kể từ giữa tháng 3, khối tài sản của các tỷ phú Mỹ đã tăng tới 931 tỷ USD nhờ đại dịch. Ông chủ trang mua sắm trực tuyến Amazon Jeff Bezos - người giàu nhất thế giới - đã tăng 80% giá trị tài sản ròng chỉ từ ngày 16/3 đến 13/10, với số tiền khổng lồ 203 tỷ USD. Điều này xuất phát từ lý do mọi người không thể mua sắm tại các cửa hàng truyền thống mà bị phụ thuộc vào việc giao hàng độc quyền của Amazon, từ giấy vệ sinh đến kem đánh răng.
Một lý do khác để từ chối Black Friday là lý do về môi trường. Với cam kết giao hàng khẩn trương, các công ty phải huy động thêm nhiều xe tải, khiến tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, số lượng bao bì khổng lồ cũng trở thành áp lực đối với các bãi chôn lấp. Chưa kể đến việc 61% người Mỹ tỏ ra không hài lòng khi phải nhận những món quà đi kèm trong dịp Black Friday gây ra sự lãng phí.
Còn đối với một số người, việc xếp hàng chờ đợi, tranh giành từng món hàng trong dịp Black Friday được cho là phí thời gian vô bổ. Theo một nghiên cứu năm 2016 của trang tài chính cá nhân NerdWallet, phần lớn giao dịch Black Friday không hề hời như nhiều người nghĩ. Không ít cửa hàng đã thổi phồng số tiền giảm giá vào Black Friday để thu hút người mua sắm.
Trong vài năm trở lại đây, Black Friday cũng trở thành xu hướng tiêu dùng mới của các hãng bán lẻ Việt Nam. Xuất phát từ các chương trình khuyến mại cuối năm của các thương hiệu lớn, “Thứ Sáu đen tối” cũng được hàng loạt các cửa hàng lớn nhỏ khác nhau hưởng ứng để tạo nên cơn sốt mua hàng.
Tuy nhiên, Black Friday ở Việt Nam vẫn bị coi là chiêu trò đánh lừa người mua sắm thay vì có một số mặt hàng giảm giá thực chất. Nếu như Black Friday ở Mỹ có những món hàng mới ra mắt cũng được liệt vào danh sách giảm giá với số lượng có hạn thì ở Việt Nam, các mặt hàng hầu như đều tồn kho, hết size, chất lượng, mẫu mã không còn tốt.
Đặc biệt, tại hàng loạt cửa hàng tại các trung tâm thương mại, con phố lớn đều treo biển áp dụng chương trình giảm giá sâu tới 30 - 50%, hay 70 - 90% để thu hút người tiêu dùng. Thế nhưng hầu hết đều là mánh khóe đẩy giá lên cao để câu khách trong khi giá giảm thậm chí còn cao hơn giá gốc. Vậy mới có câu chuyện dở khóc dở cười như chiếc áo khoác ngày thường giá 800 nghìn, đến ngày Black Friday lại thấy giá vọt lên 1 triệu 800 nghìn nhưng có mác giảm 50% còn 900k nghìn.
Sau vài năm gây sốt, Black Friday trong tâm trí nhiều người giờ đây không khác gì “cú lừa”. Chương trình mua sắm cuối năm này không còn nhiều người hào hứng. Nhưng đối với những ai còn chưa tỉnh táo, tờ HuffPost khuyên rằng: Trước khi mạo hiểm sức khỏe và tiền bạc để giúp người giàu càng giàu hơn, người tiêu dùng nên cân nhắc trong kế hoạch mua sắm cuối năm. Black Friday thực tế chỉ là ảo ảnh được tạo ra nhằm mang lại lợi ích cho một số ít người.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.