img

Áo chống nắng “gắn điều hòa”: Nguy hiểm điện giật rình rập

Mai Thu

Thời tiết nắng nóng khiến không ít người đã chi mạnh tay để làm mát “cơ thể” khi ra đường bằng cách mặc áo chống nắng gắn điều hòa. Thế nhưng, không ít chuyên gia khẳng định đây chỉ là chiêu trò đánh vào tâm lý người dùng, nếu người dân bất cẩn trong việc mặc áo sẽ khiến điện rò rỉ gây nguy hiểm, khi ấy “tiền mất tật mang”.

Quạt mini biến thành “áo thần” có điều hòa

Những ngày vừa qua, nhiều nơi đang phải hứng chịu mức nhiệt vượt ngưỡng 40oC, chỉ số tia UV cao khiến không ít người lo lắng, bất an khi ra đường. Lợi dụng tâm lý này, nhiều người bán hàng đã tung ra thị trường những loại sản phẩm chống nắng đặc chủng như áo làm mát, áo điều hòa với giá... “cắt” cổ.

Lần theo những trang web bán “áo điều hòa” đang “làm mưa làm gió” trên trên những “chợ mạng”, PV không khỏi giật mình vì sản phẩm áo điều hòa đang được tung hô với chức năng “có một không hai”. PV được người bán hàng tên Nhung từ số điện thoại 096755xxxx tư vấn rất nhiệt tình và đầy thiện chí: “Nói thật, khi nắng nóng trở lại, Hà Nội cũng như các tỉnh thành Việt Nam sẽ chiến đấu với 1 mùa hè dài dằng dặc. Nhiều khách hàng chỉ muốn bật điều hòa, quạt điện cả ngày. Nhưng, nếu như có việc đi ra ngoài đường thì anh/chị nên sắm một chiếc áo “gắn điều hòa” để đập tan cái nắng mùa hè chói chang. Chị ưng mẫu nào bên em sẽ gửi hàng tận nơi”.

Khi PV hỏi thêm về công dụng cũng như cách sử dụng của chiếc áo điều hòa này, chị Nhung nhanh miệng: “Thực ra áo này hoạt động đơn giản, nó chỉ có hai viên pin và một chiếc quạt, được thiết kế kín đáo bên hai bên sườn áo, có khả năng làm mát tới 6-8 tiếng đồng hồ, loại áo này đặc biệt được những người lao động ngoài trời ưa chuộng. Khi ra ngoài là bật công tác lên, quạt quay, cơ thể mát... nắng nóng không còn đáng ngại nữa”.

img

Áo chống nắng quảng cáo mát như điều hòa được bán với giá đắt.

PV tiếp tục thắc mắc, sao rao bán là áo điều hòa mà xem hình và những lời tiếp thị lại thành áo gắn quạt điện mini và liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe thì chị Nhung đánh trống lảng: “Thực chất nó giống như cái quạt thôi chứ điều hòa làm sao lại gắn được vào áo và có giá 1tr200 nghìn đồng. Nếu như có áo điều hòa thật sự, giá gấp vài lần so với sản phẩm này. Hơn nữa, sản phẩm cam kết không thể bị rò điện ra bên ngoài, đã có rất nhiều người dùng rồi”.

Trước câu hỏi vì sao có những địa chỉ bán chỉ với giá 600 nghìn đồng – 800 nghìn đồng, chị Nhung giải thích: “Đó là những sản phẩm có nguồn gốc nhập từ Trung Quốc, không đảm bảo chút nào. Còn đây là hàng nhập khẩu từ Nhật chứ bên mình không thể sản xuất được. Nếu khách hàng có nhu cầu mua shop sẽ đặt hàng từ 3-5 ngày mới có. Mấy ngày gần đây sản phẩm đang bị cháy hàng, chị có đi khắp nơi cũng không thể mua được với giá này. Nếu chị có nhu cầu mua hoặc muốn xem hàng thì để lại số điện thoại, khi nào có hàng bên mình sẽ gọi để lại. Nhưng, đặt hàng cần chuyển khoản 50% giá trị sản phẩm, không được hoàn, đổi hay bảo hành. Còn hàng đắt hơn có giá trên 2 triệu đồng phải chờ khá lâu mới... tìm kiếm được”.

Theo tìm hiểu của PV, một số trang web cũng rao bán với nguồn gốc, xuất xứ và giá cả đều khác nhau. Tuy nhiên, khi PV đến một số cửa hàng bán áo chống nắng, thiết bị bảo hộ khi ra đường, các chủ cửa hàng đều lắc đầu không có sản phẩm này. Với giá thành đắt đỏ họ không dám nhập, chỉ bán áo, mũ, khẩu trang... muốn mua những chiếc áo “thần kỳ” để chống nóng khi ra đường thì nên tìm đến những shop online là nhiều hàng nhất.

Chỉ có tác dụng “làm mát tâm lý”

Trái ngược với quảng cáo đảm bảo chống nắng 100%, làm mát cơ thể khi ra đường, không lo cái nóng len lỏi, thế nhưng, nhiều người đã sử dụng sản phẩm này lại phản ánh là dùng khá bất tiện bởi chỉ được một khoảng thời gian nhất định vì phải phụ thuộc vào lượng pin.

Anh Minh Thảo (kỹ sư xây dựng) cho hay: “Những ngày nắng nóng tôi vẫn hay phải làm việc ngoài trời, vì thế cứ sản phẩm nào nói làm mát nhất là tôi đặt mua ngay. Tuy nhiên, nó không được như mình mong đợi dù với giá khá “chát””.

Theo anh Thảo, những ngày đầu mặc cũng cảm nhận được sự mát mẻ nhưng nó khá bất tiện vì sạc pin, quạt nặng nhiều hơn so với những chiếc áo thông thường. Hơn nữa, mặc một chiếc áo trên người mà tâm lý cứ lo khi nào hết pin, liệu nó có chập điện không? Thực sự cũng không được thoải mái. Một điều bất tiện hơn nữa là áo này không thể giặt sạch, người dùng chỉ mặc được một vụ là bỏ đi ngay.

img

Thực chất là hai cục pin được lắp vào trong áo chống nắng kèm với chiếc quạt mini.

Nhiều khách hàng vì tâm lý lo ngại nắng nóng nên đã mạnh dạn đặt mua nhưng sau đó lại dùng với một tâm trạng bất an. Còn PGS.TS Nguyễn Trường Luyện (viện Vật lý Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội) sau khi nhận được hình ảnh về chiếc áo “thần kỳ” đang được “săn lùng liền đặt ra câu hỏi: Dựa trên nguyên lý nào để làm mát? Bởi để đưa được lớp bán dẫn nhiệt cao vào trong áo không phải là chuyện đơn giản.

img

PGS.TS Nguyễn Trường Luyện

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Luyện dù dùng công nghệ cao hay hiện tượng cơ học thì cả hai vẫn phải dùng điện, nếu như mối nối của thiết bị được gắn vào áo mà tốt thì mới không lo sợ điện giật. Nhưng nếu chất lượng không tốt, cơ thể ra mồ hôi, tạo độ ẩm thì sẽ là điều kiện để dẫn điện, như thế rất nguy hiểm. Dù điện áp từ 36 V trở lên mới gây ra hiện tượng điện giật, nhưng người tiêu dùng vẫn nên cẩn trọng, bởi nếu rò điện, nguồn điện này vẫn gây ra hiện tượng giật điện nhẹ, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

“Thực chất khi bỏ tiền triệu ra mua những sản phẩm này để làm mát người mua sẽ bị đánh trúng “làm mát tâm lý”, yên tâm khi ra đường nhưng thực chất điện chạy bằng pin thì không thể mạnh được. Vì thế, người mua nên lựa chọn và khảo sát kỹ. Bởi, pin hàng kém chất lượng cũng rất dễ gây chập, cháy. Theo tôi nghĩ, độ bền và sự an toàn của áo là vấn đề mà người tiêu dùng phải lưu tâm”, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện cảnh báo.

M.T

img