Vào đầu tháng 4/2020, 2 bé trai tại huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) đã bị tử vong do ăn nhầm nấm độc khi đi chăn trâu. Sự việc này chưa kịp lắng xuống thì vào giữa tháng Tư, lại xảy ra tiếp việc ba cháu bé là Hạng Thị P. (14 tuổi) cùng em gái Hạng Thị T. (12 tuổi) và Giàng Thị S. (6 tuổi) ở xã Na Cô Sa (Nậm Pồ) vào rừng hái nấm về ăn.
Sau khi ăn, cả ba cháu thấy đau đầu, đau bụng, buồn nôn, không thể ăn uống được gì. Sáng 27/4, khi thấy tình trạng sức khỏe 3 cháu diễn tiến nặng, gia đình mới chuyển các cháu đến trạm Y tế xã cấp cứu nhưng cháu T. đã tử vong. Ngay sau đó, 2 bệnh nhi còn lại được chuyển đến trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ để điều trị, rồi chuyển lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Thế nhưng, sau 5 ngày điều trị, cả hai đều không qua khỏi do chất độc ngấm sâu vào cơ thể.
PV Người Đưa tin Pháp luật đã liên hệ với ông Giàng A Tủa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Na Cô Sa. Ông Tủa bày tỏ nỗi buồn khi sự việc thương tâm xảy ra trên địa bàn. Theo lời của ông Tủa, ba bé tử vong đều là chị em của hai gia đình trong họ, thuộc hộ nghèo của xã, bố mẹ đi làm ăn xa nên thường ngày các bé phải tự chăm sóc nhau. “Hai cháu nhỏ Hạng Thị P. và Hạng Thị T. có hoàn cảnh rất đáng thương, bố bị nghiện ma túy bỏ đi, còn mẹ bỏ sang Trung Quốc Hai cháu sớm tối nuôi nhau trong sự quan tâm của cô dì chú bác trong họ”.
Chưa hết bàng hoàng vì một lúc mất đi ba cháu nhỏ, ông Giàng A D. (bác của các cháu bé) không giấu nổi nỗi đau xót. Trò chuyện qua điện thoại, giọng ông nghẹn lại: “Các cháu đã ra đi trong nỗi đau tột cùng, gia đình đã lo mai táng xong. Các cháu đều nhỏ dại nên không biết được nấm lành hay nấm độc nên đã ăn nhầm. Chúng tôi cũng rất đau lòng, nhưng chỉ biết cảnh báo đến các gia đình nên cảnh giác trước các loại nấm được hái về”.
Là người công tác trong lĩnh vực y tế nhiều năm ở khu vực miền núi, nơi có nhiều món ăn dân dã từ thiên nhiên, ông Trần Mạnh Nam - Phó Giám đốc trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ - cho biết ông đã chứng kiến nhiều vụ việc thương tâm do nạn nhân ăn phải nấm lạ tử vong. Trong đó, từ đầu năm 2020 đến nay, trung tâm y tế huyện đã chứng kiến và sơ cấp cứu cho 5 trường hợp ăn nhầm nấm lạ nhưng đều không qua khỏi. Điều này cũng khiến cho ông Nam và các đồng nghiệp không khỏi trăn trở.
Về trường hợp ba bé tử vong mới đây nhất, ông Nam cho rằng đây là sự việc đau lòng và khiến ai hay tin đều cảm thấy chua xót: “Cách đây một tuần, ba bé được người thân đưa đến trung tâm y tế huyện Nậm Pồ cấp cứu trong tình trạng đã ăn nấm trên 6 giờ, nên lượng độc tố ngấm vào cơ thể, gây hủy hoại gan và các bé đã không qua khỏi. Hiện, những loại nấm này chúng tôi đã lấy mẫu gửi Trung ương để xét nghiệm”.
Nói về những biện pháp tuyên truyền đến người dân, ông Nam chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi đã yêu cầu tất cả các xã phải thực hiện các hoạt động truyền thông để người dân nhận thức không hái những cây rau, cây nấm hoang dại mọc ở môi trường xung quanh nhà, hoặc ở trên rừng. Chủ yếu tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ngoài ra chúng tôi cũng tăng cường cơ chế giám sát các bữa ăn thông qua đội ngũ cán bộ y tế thôn bản”.
PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm: “Người dân không nên hái nấm rừng về ăn, bởi rất khó phân biệt được đâu là nấm thường, đâu là nấm độc. Tốt nhất là trồng nấm để ăn, tuyệt đối đừng hái nấm rừng”.
Xử trí đối với những trường hợp không may ăn phải nấm độc, ông Duệ cho biết khi có triệu chứng bất bình thường do ăn phải nấm độc phải đến cơ sở y tế ngay. Nếu mới ăn vào và người khác phát hiện ra đó là nấm độc thì phải tìm cách nôn ra bằng hết, sau đó đến ngay bệnh viện cấp cứu.
T.L