img

Bác sĩ hé lộ bí quyết đối phó khi bị kiến ba khoang tấn công

NGUYỄN LÀNH

Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 100 ca viêm da dị ứng do kiến ba khoang, số lượng bệnh nhân đến khám mỗi ngày tăng dần. Điều đáng nói, hầu hết bệnh nhân đã tự ý mua thuốc bên ngoài điều trị, khi tình trạng nặng họ mới đến bệnh viện.".

Người dân điêu đứng vì độc tố của kiến

Anh Nguyễn Văn Nam, ngụ chung cư Tân Mỹ, quận 7, TP.HCM đến khám bệnh viện Da liễu (TP.HCM) trong tình trạng vết thương nổi mẩn đỏ, rộp da và sưng tấy vì kiến ba khoang đốt. Anh Nam chia sẻ: “Những ngày đầu mùa mưa từ tháng Năm đến nay, căn hộ chung cư 2 phòng ngủ của vợ chồng tôi luôn xuất hiện kiến ba khoang. Ban đầu chúng bay vào đậu trên rèm cửa, quần áo. Thời gian gần đây, kiến ba khoang đột nhập càng nhiều hơn. Từ khi con nhỏ mới 2 tuổi của vợ chồng bị loại kiến này đốt dẫn đến sưng vù mặt, gia đình chúng tôi đã đề phòng bằng cách đóng kín cửa cả ngày”.

Theo anh Nam, kiến ba khoang đốt rất nhanh, có khi buổi tối, chưa kịp đóng cửa là đã xuất hiện một đám kiến bay vào phòng. Nhiều lần gia đình anh đã đối phó bằng cách dùng khăn ướt lau vết thương sau khi bị kiến đốt, hoặc thoa thuốc mỡ, dầu các loại để vết thương giảm nhẹ nhưng không hiệu quả. Ngược lại, vết thương càng về những ngày sau càng sưng tấy.

Chị Lê Thị Hà, ngụ chung cư ở quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết, do nhà nhiều kiến nên chị mua thuốc diệt kiến về dùng. Nhưng mỗi ngày số lượng nhiều hơn, gần đây xuất hiện kiến ba khoang, to hơn, khi dùng tay diệt kiến đã bị viêm da dị ứng. Vết thương lan ra nhiều nơi trên cơ thể, nhiễm trùng nặng nên phải đến bệnh viện Da liễu thăm khám.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Thị Phương Thảo, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận số ca đến khám viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang tấn công tăng đột biến. Cụ thể, mỗi ngày tiếp nhận từ 80 -100 ca bệnh nhân. Số lượng tăng đột biến nhất từ trước đến nay. Dự kiến thời gian tới, số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng vì thời điểm mùa mưa đang kéo dài nhiều tháng.

Theo bác sĩ Thảo, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin nên khi bị kiến đốt sẽ gây ra các tổn thương thành đường hay vệt đỏ, có thể phù nề nhẹ, có mụn nước, mụn mủ, thường ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân. Người dân thường nhầm lẫn bệnh này với giời leo (zona).

img

Hầu hết những bệnh nhân này đến khám trong tình trạng da có sẩn, nổi hồng ban hoặc có chùm mụn nước nhỏ trên da bệnh nhân được cho thuốc dị ứng và thuốc thoa tại chỗ, có tác dụng làm dịu da và kháng khuẩn. Trong trường hợp bệnh nhân có vết thương lan rộng và hở ra, có nguy cơ nhiễm trùng thì khi đến khám, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn, kê đơn thuốc uống và kết hợp chăm sóc tại chỗ cho vết thương mau lành.

Vết thương do côn trùng, còn gọi là zona, hay kiến ba khoang sẽ xuất hiện nhiều mùa mưa gây khó chịu cho bệnh nhân. Với trường hợp viêm da do tiếp xúc do kiến ba khoang, có đặc điểm lâm sàng là xuất hiện hồng ban trên bề mặt da, tại các vị trí có dịch tiết của côn trùng.

Bí quyết đối phó với kiến ba khoang

Các bác sĩ bệnh viện Da liễu TP.HCM khẳng định, nhiều bệnh nhân khi bị côn trùng cắn, cụ thể là kiến ba khoang đều hoang mang với những vết thương nhiễm trùng khi bị kiến đốt. Bởi vì lúc đầu vết thương chỉ nhỏ nhưng do chủ quan nên không đi thăm khám. Thời điểm nhiễm trùng nặng, có người phải chuyển viện cấp cứu, cũng là lúc họ nhận ra mối nguy hiểm khôn lường từ vết cắn loại côn trùng này. Do đó, bác sĩ da liễu khuyên người dân hết sức cẩn trọng và để ý với những vết thương này.

Việc điều trị vết thương do kiến ba khoang sẽ mất khoảng 1 tuần đến 10 ngày, ít để lại sẹo nhưng có vết thâm do tăng sắc tố sau viêm. Trong quá trình viêm da dị ứng sẽ xuất hiện mụn mủ. Đây là phản ứng viêm da bình thường của cơ thể, không nên cố nặn ra để lại vết thương hở, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng và để lại sẹo.

Theo bác sĩ Thảo, nhiều người không biết viêm da dị ứng do côn trùng đốt, cụ thể là kiến ba khoang. Có người biết nhưng chủ quan không theo dõi thăm khám, khi vết thương nặng, ảnh hưởng đến sinh hoạt như đi lại, ăn uống và công việc, cuộc sống hằng ngày thì họ mới đi bệnh viện. Trước đó, họ đã tự ý ra mua thuốc, kem bôi tại các tiệm thuốc tây điều trị ở nhà.

img

Để không mất nhiều thời gian, bác sĩ Thảo khuyên khi bị kiến ba khoang tấn công, người dân nên đến cơ sở chuyên khoa da liễu khám và điều trị, không nên tự ý mua thuốc bôi ngoài để tránh những phản ứng do dị ứng thuốc... Đặc biệt, người dân không nên dùng tay sờ lên vị trí bị côn trùng cắn, vì như thế sẽ khiến tình trạng vết thương trở nên nhiễm trùng nhiều hơn.

“Một số người có cơ địa đặc biệt nhạy cảm, chỉ cần một lượng chất dị ứng kích ứng rất nhỏ thôi cũng gây ra những phản ứng toàn thân rất nặng ảnh hưởng đến sức khỏe. Tốt nhất, người dân cần tự bảo vệ mình, nếu làm vườn tại khu vực xuất hiện nhiều kiến ba khoang thì nên mang găng tay, găng chân, sau đó thay đồ xong, tắm rửa rồi mới thực hiện các việc khác”, bác sĩ Thảo chia sẻ thêm.

Bác sĩ Vũ Thị PhươngThảo cảnh báo, kiến ba khoang chứa dịch tiết độc nên tiếp xúc với da sẽ gây viêm da, bỏng da. Do đó, khi phát hiện kiến ba khoang bò trên da, tuyệt đối không được đập vào da, không được dùng tay sờ vào vị trí kiến bò, nếu không sẽ khiến cho chất độc phát tán và lan trên diện tích rộng gây tình trạng vết thương càng nặng thêm. Đã có trường hợp phải cấp cứu vì nhiễm trùng da nặng.

Nguyễn Lành