Giá trị nổi bật của các dòng sông ở Hà Nội đã được nhận diện từ lâu và vấn đề làm thế nào để khai thác giá trị này phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn văn hóa cũng không phải bây giờ mới được suy tính. Nhiều ý tưởng, đề xuất và nỗ lực trên thực tế đã có.

Từng là người trong cuộc, hiểu tường tận về quy hoạch Hà Nội gắn các dòng sông, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, cho biết: “Từ năm 1954 đến nay, đã có tới 7 lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, đều đề cập đến quy hoạch các con sông, trong đó nổi bật là việc khai thác giá trị của sông Hồng.

Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí, tổ chức những sự kiện và năm 2012, thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng”.

Trước sức hấp dẫn đặc biệt của khu vực hai bên dòng sông Mẹ, đã có nhiều tổ chức nghề nghiệp trong nước và nước ngoài đến Hà Nội nghiên cứu, đề xuất ý tưởng quy hoạch phát triển với quy mô khác nhau…

Cũng theo TS.TKS Đào Ngọc Nghiêm, trong không gian của sông Hồng, nhiều đề án, dự án rất đáng ghi nhận như: Dự án “Trấn sông Hồng” được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng ngoài đê khu vực An Dương, năm 1996; dự án “Khu đô thị khoa học” do Công ty Indochina Land - Hoa Kỳ đề xuất, năm 2005... Đặc biệt, hai dự án, gồm: HAIDEP nằm trong Chương trình phát triển tổng thể Thủ đô Hà Nội giữa Việt Nam - Nhật Bản đề xuất khai thác hai bên sông Hồng, năm 2004; Hợp tác quy hoạch cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn qua Hà Nội giữa Hà Nội và Seoul - Hàn Quốc, năm 2006 đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, những dự án này phải cất vào ngăn kéo vì nhiều lý do, trong đó có việc chưa đưa ra được giải pháp bảo đảm an toàn thoát lũ và ổn định dòng chảy cũng như việc xác lập mối quan hệ vùng giữa tiềm năng quỹ đất của khu vực ven sông Hà Nội với các tỉnh lân cận; và cả việc ứng dụng khoa học kỹ thuật như thế nào trong khai thác tiềm năng quỹ đất ven sông cũng như khu vực bãi giữa, bãi bồi…

Bên cạnh đó, việc khai thác giá trị của các dòng sông như Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống, sông Tích... cũng đã được chú ý.

Điển hình vào năm 2022, Công ty cổ phần tập đoàn môi trường Nhật Việt (JVE) đã đề xuất dự án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử - văn hóa – tâm linh (Công viên hữu nghị Việt Nhật). Bên cạnh việc triển khai các giải pháp tổ chức cảnh quan, xử lý ô nhiễm nước, thoát nước chống ngập kết hợp với ùn tắc giao thông, dự án này còn đề xuất tạo ra các không gian đi bộ và xây dựng các công trình nổi trên mặt sông Tô Lịch mang đậm tính văn hóa lịch sử.

Ý tưởng này sau khi công bố đã gây nhiều ý kiến trong dư luận, một số chuyên gia rất hoan nghênh ý tưởng nhưng cho rằng, việc thực hiện sẽ “mơ hồ” và chưa đủ sức thuyết phục. Do đó, ý tưởng này dù nhận được giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội nhưng đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy.

Nếu nhìn ở bức tranh rộng hơn, những năm vừa qua, rất nhiều nghiên cứu, đề xuất, thử nghiệm đã được triển khai nhằm tìm phương án "hồi sinh” sông Tô Lịch và các dòng sông “chết” của Hà Nội. Song, đa số các phương án chỉ xử lý được hiệu quả trong một khu vực hoặc một khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó, các ý tưởng hồi sinh các dòng sông chưa giải quyết được những xung đột, mâu thuẫn giữa cảnh quan tự nhiên và vấn đề phát triển đô thị hiện nay của Hà Nội.

Và đến ở thời điểm hiện tại, tất cả vẫn giậm chân tại chỗ. Hiện trạng các sông hiện đều đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đến nay thành phố chưa có giải pháp mang tính toàn diện để khắc phục, xử lý hiệu quả, triệt để.

Trong sự cố gắng có phần tuyệt vọng, đã từng có ý kiến đề nghị Hà Nội xem xét cống hoá đối với Tô Lịch, Kim Ngưu với kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu việc xả thải, tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, ý kiến trên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận, nhất là từ phía các nhà sử học, nhà văn hóa.

Những bế tắc từ trong nhận diện vấn đề, ý tưởng, đề xuất đến triển khai trong thực tế, đã khiến Hà Nội trở nên “chậm chân, hụt hơi” nếu so sánh với nhiều thành phố khác trên thế giới mà ở đó các con sông đã trở thành những tài nguyên cảnh quan lịch sử vô giá.

Đánh giá về thực trạng du lịch đường sông của Hà Nội, ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thẳng thắn thừa nhận: “Du lịch đường sông ở Hà Nội hiện nay chưa phát triển xứng với tiềm năng một phần là do công tác quy hoạch còn chậm triển khai. Bên cạnh đó, công tác quản lý chưa được chú trọng, đặc biệt khâu bảo vệ môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm.

Hạ tầng giao thông kết nối dịch vụ du lịch đường sông cũng chưa được quan tâm đầu tư để đáp ứng nhu cầu của du khách, hệ quả là doanh nghiệp chẳng mấy mặn mà. Ngoài ra còn thiếu cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực xã hội. Và cuối cùng là sản phẩm du lịch đường sông, điểm đến du lịch liên quan còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn”.

Xác định được tầm quan trọng của các dòng sông Hà Nội, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nhấn mạnh nội dung này trong khâu đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan với tư tưởng khai thác các giá trị cảnh quan, môi trường đặc trưng của Hà Nội để phát triển Thủ đô.

Trong đó, xác định trước năm 2030, làm sống lại các dòng sông nội đô, bảo vệ nghiêm ngặt các hồ, không gian mặt nước; khai thác lợi thế cảnh quan hệ thống sông, hồ để tạo không gian sinh thái đặc sắc của Thủ đô, nhất là tiềm năng Hồ Tây, sông Hồng, sông Đuống, sông Tô Lịch. Đây đồng thời cũng được xác định là nhiệm vụ cấp bách ưu tiên hàng đầu khi triển khai Quy hoạch Thủ đô.

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có đề cập đến xây dựng các trục cảnh quan, phát triển hài hòa đô thị hai bên các dòng sông và sông Hồng sẽ là trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt, các nội dung về quy hoạch sông Hồng được quan tâm như Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, đã nhấn mạnh: “Nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ”.

Việc khai thác, phát huy tiềm năng hệ thống sông, hồ Hà Nội trong phát triển Thủ đô tiếp tục được thể hiện khá cụ thể trong các nội dung về phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, đặc biệt trong phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch. Có thể kể đến như khai thác các hành lang du lịch dọc các sông như sông Hồng, sông Tô Lịch…

Xây mới các công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao gắn với trục cảnh quan sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Tích. Phát triển không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm, khu phố cổ Hoàn Kiếm, khu vực Hồ Tây, khu vực Văn Miếu và vùng phụ cận, khu vực hồ Ngọc Khánh, hồ Thiền Quang, thành cổ Sơn Tây, dọc theo trục không gian văn hóa sông Hồng...

Hình thành không gian triển lãm văn hóa nghệ thuật hai bên bờ sông Hồng; xây dựng các công trình mỹ thuật công cộng mang nét văn hóa biểu trưng của Thủ đô; bố trí, tạo điểm nhấn cho không gian các đô thị cửa ngõ phía Bắc sông Hồng, phía Tây và phía Nam thành phố, trục cảnh quan sông Hồng, sông Đáy, sông Tô Lịch…

Hình thành một số công trình văn hóa mới của Thủ đô và cả nước, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới, gắn với quảng trường và không gian lễ hội trên trục Hồ Tây - Cổ Loa, Hồ Tây - Ba Vì và các cầu qua sông Hồng…

Một điểm đáng lưu ý nữa, đó là Quy hoạch Thủ đô lần này đã chú trọng phát triển hệ thống giao thông đường thủy, vốn là loại hình giao thông chủ yếu của Hà Nội trong lịch sử do lợi thế về địa hình nhiều sông nước, nhưng đã bị mai một và chưa phát huy được hiệu quả trong giai đoạn qua.

Qua đó, xác định giao thông đường thủy, bao gồm cả vận chuyển hàng hóa và phục vụ hành khách, đặc biệt khách du lịch là loại hình giao thông quan trọng và đặc sắc của Thủ đô. Các tuyến giao thông đường thủy kết nối liên vùng, góp phần mở rộng không gian phát triển Thủ đô hướng biển; đồng thời kết nối Vùng đồng bằng sông Hồng với vùng Trung du miền núi phía Bắc qua các con sông Hồng, sông Đuống, sông Đà…; mở rộng, phát triển không gian đô thị, phát triển các tuyến du lịch độc đáo không chỉ qua các con sông ngoại thành như sông Cà Lồ, sông Thiếp… mà cả trong nội đô như sông Tô Lịch, sông Tích.

Mới đây nhất, Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp thứ 7 (6/2024) đã tiếp tục mở đường cho việc phát huy giá trị các dòng sông, trong đó nhấn mạnh: “Thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.”

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, việc khai thác giá trị văn hóa, lịch sử của các dòng sông ở Hà Nội, biến đây thực sự trở thành nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa là một bài toán khó và dài hơi, mà bước đi đầu tiên là phải làm sống lại các dòng sông.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) cho rằng việc cứu các dòng sông “chết” là công việc rất bức thiết, ai cũng mong chờ. Tất nhiên đó là việc rất khó, nhưng có những việc khó hơn rất nhiều Hà Nội vẫn làm, thì không lý gì lại không nỗ lực cứu lấy những giá trị gắn liền với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

“Sông, phải có đủ các yếu tố cần thiết để nó được gọi là sông theo đúng nghĩa, đó là có dòng chảy, có sinh vật, cây cỏ sống được và quan trọng nhất, người dân tận hưởng được những giá trị mà sông mang lại. Tuy nhiên, trừ sông Hồng, tất cả các sông khác của Hà Nội đang ở trong tình trạng ô nhiễm rất tồi tệ. Thứ nhất là bị bức tử bởi nước thải, chất thải, đổ thẳng xuống sông. Hai là ở nhiều khu vực người dân sống hai ven bờ những tuyến sông này ra sức lấn chiếm khiến lòng sông ngày càng bị thu hẹp. Tôi cho rằng Hà Nội cần có các giải pháp chiến lược, căn cơ để từng bước làm sống lại các con sông khốn khổ này”, ông Tứ nói.

Tuy nhiên chuyên gia này cũng nhấn mạnh, đối với các dòng sông chết, mấu chốt không đơn giản ở việc ngăn chặn ô nhiệm theo cách hiểu cơ học mà phải thực sự phục hồi, làm sống lại dòng sông và xa hơn là biến nó thành không gian văn hóa, tinh thần, du lịch của Hà Nội.

Dẫn câu chuyện hồi sinh dòng sông Cheonggyecheon tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, PGS.TS Đào Trọng Tứ cho rằng đây là như một ví dụ điển hình trong việc hồi sinh các dòng sông chết. Khi Seoul phát triển công nghiệp vào giữa những năm 1950, dòng sông Cheonggyecheon bị ô nhiễm trầm trọng và được cống hóa dành mặt bằng để xây dựng các hệ thống đường cao tốc đa tầng. Điều này không những khiến dòng sông bị chết mà còn làm đô thị lộn xộn và thiếu tính bền vững do bị phá vỡ cấu trúc tự nhiên một cách thô bạo. Để khắc phục tình trạng trên, Hàn Quốc đã phải mất 10 năm từ 2006 để phục hồi lại dòng sông Cheonggyecheon. Sau hơn 10 năm được phục hồi và chỉnh trang, Cheonggyecheon, một con sông thực sự đã “chết” đã trở thành cảnh quan tuyệt vời giữa thủ đô, với cả thác nước, dòng chảy trong xanh, yên ả… mang đến chất lượng tiện nghi cho cuộc sống, cảnh quan thật đẹp cho thủ đô.

Đề án cải tạo sông Cheonggyecheo rất thành công của Seoul, Hàn Quốc.

“Ai cũng biết, một thành phố, thủ đô có nhiều sông, hồ là một món quà thiên nhiên ban tặng, cần giữ gìn, làm đẹp nó nhiều nhất có thể, chính nó sẽ làm cho thủ đô đẹp đẽ hơn, đáng sống hơn. Không thể và đừng bao giờ “giết chết” sông ngòi rồi mải miết đi tìm những giá trị khác cho cuộc sống”, PGS.TS Đào Trọng Tứ khẳng định.

PGS. TS Đào Trọng Tứ cho biết, để hồi sinh các dòng sông chết, không có cách nào khác là phải chặn nguồn nước thải. Nói đúng hơn là phải kiểm soát, xử lý nguồn thải trước khi đổ vào sông. Lượng nước thải khắp nơi hằng ngày vẫn đổ vào các con sông trong nội đô thì tình trạng ô nhiễm sẽ không những được cải thiện mà ngày một ô nhiễm trầm trọng hơn.

Nguyên tắc xử lý ô nhiễm các dòng sông chết là bắt buộc nước phải qua xử lý mới được đưa ra sông. Về mùa cạn thì phải dùng hệ thống bơm để tạo nguồn, tạo dòng chảy, tránh tình trạng lòng sông bị bồi lắng. Để xử lý ô nhiễm môi trường dòng sông thì không chỉ đầu tư hạ tầng mà còn đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Tất cả nước thải phải được xử lý trước khi đưa ra sông.

Chuyên gia này đặc biệt nhấn mạnh, nếu chỉ làm theo kiểu đối phó, nửa vời, Hà Nội sẽ không thể cải tạo, hồi sinh được các dòng sông bị ô nhiễm. Hà Nội cần huy động mọi nguồn lực xã hội, chính quyền, người dân và các tổ chức quốc tế để việc phục hồi các dòng sông chết hiệu quả hơn.

Hà Nội còn duy nhất sông Hồng là con sông “sống”. Tuy nhiên, PGS. TS Đào Trọng Tứ cảnh báo hiện vẫn chưa có nhiều biện pháp bảo vệ, chỉnh trang khu vực hai bờ con sông. Vẫn còn tình trạng lấn chiếm, đổ phế thải dọc bờ sông.

“Tình trạng đổ thải lấn sông diễn ra ngày này qua tháng khác, cứ âm thầm như vậy thì chẳng biết trong tương lai gần, sông sẽ bị biến đổi thế nào. Nếu không quản được vấn đề này, tới đây muốn quy hoạch, dọn dẹp để làm thành phố ven sông, tạo ra một bộ mặt kỳ vĩ cho thủ đô từ hai bên sông, tôi nghĩ là rất khó. Khi đó thời gian để bỏ ra giải phóng mặt bằng cũng phải tính bằng thập kỷ”, ông Tứ bày tỏ.

Để cứu các dòng sông "chết, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới về xử lý ô nhiễm môi trường nước trên hệ thống hồ, ao; phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải nhằm từng bước làm "sống lại" các dòng sông lớn, như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch, sông Tích… Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch mạng lưới thu gom, xử lý nước thải theo hướng nước thải phải được thu gom, xử lý ngay tại đầu nguồn.

Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xử lý nước thải Yên Xá là một trong những dự án trọng điểm của thành phố được khởi công xây dựng từ năm 2019 với tổng mức đầu tư hơn 16.293 tỷ đồng nhằm cải thiện môi trường cho các con sông quan trọng của Thủ đô.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện các dự án thu gom và xử lý nước thải theo quy hoạch và giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét”.

Thực hiện: Mạnh Quốc

Ảnh: Hữu Thắng - Internet

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |