Dọc tuyến dự án cao tốc Bắc - Nam có những hợp phần tương đối phức tạp như thi công các hầm xuyên núi, các cầu vượt qua sông, qua hồ,… Theo thiết kế, trên toàn dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 có 6 hầm xuyên núi gồm: Hầm Tam Điệp (dài 245m, dự án Mai Sơn – QL45), hầm Thung Thi (dài 680m, dự án Mai Sơn – QL45); Hầm Trường Vinh (dài 450m, thuộc dự án Nghi sơn – Diễn Châu); Hầm Thần Vũ (dài 1,1km, thuộc dự án Diễn Châu – Bãi Vọt); Hầm Dốc Sạn (750m, thuộc dự án Nha Trang – Cam Lâm); và Hầm Núi Vung (dài 2,2km, thuộc dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo).
Để hiểu hơn tính chất phức tạp của những phần việc quan trọng này, chúng tôi đã dành một ngày theo chân những người thợ đào hầm đến với công trường hầm Thần Vũ để được mục sở thị.
Hầm Thần Vũ, chạy xuyên qua núi Thần Vũ - ngọn núi cao nhất thuộc dãy Thần Vũ, nằm ở phía nam, giáp 2 huyện Diễn Châu và Nghi Lộc của tỉnh Nghệ An. Hầm có chiều dài 1.280m, được thiết kê 2 ống hầm cao 8m, rộng 15m, đủ cho 3 làn xe và các điểm mở rộng đề phòng sự cố trong quá trình sử dụng.
Tìm đến công trường thi công hầm Thần Vũ, chiếc xe gầm cao phải hết sức vất vả, sau hơn 30 phút, chúng tôi mới “bò” qua được tuyến đường công vụ dài hơn 2km đất đá lổn nhổn, dẫn vào công trường hầm Thần Vũ. Giữa rừng núi ngút ngàn, trải ra trước mắt chúng tôi một công trường tấp nập, hối hả với tiếng máy, tiếng khoan, tiếng động cơ… vang cả một góc rừng.
Tại đây, hiện có 2 nhà thầu thi công khoan hầm gồm Công ty Hòa Hiệp và Tập đoàn CIENCO4. Thời điểm này, công trường thi công hầm Thần Vũ nhộn nhịp máy móc và hàng trăm công nhân đang làm việc. Để đảm bảo đúng tiến độ của dự án, 2 nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực để thi công 3 ca/ngày.
“Đến nay đơn vị đã thi công với độ sâu 150m (cửa hầm phía Bắc) và hơn 20m của 2 cửa hầm phía Nam (trái 3m, phải 20m). Để đảm bảo đúng tiến độ, chúng tôi luôn thường trực hơn 100 người, 4 máy khoan hầm, 3 máy phun tẩy bê tông, 8 máy đào, hàng chục chiếc ô tô, thực hiện 3 ca 4 kíp, 24/24h với phương châm “không cho hầm nghỉ”, ông Võ Sơn Hải - Chỉ huy trưởng Công ty TNHH Hoà Hiệp (đơn vị đảm nhiệm 3/4 dự án) cho biết.
Ở công địa ngoài hầm, công nhân đang hối hả thi công mái taluy chống sạt lở đất đá phía trên nóc hầm.
Trong ống hầm, người lao động cùng nhiều máy móc, thiết bị chuyên dụng, hiện đại cũng hoạt động liên tục không ngừng nghỉ, ngày cũng như đêm. Do lòng núi Thần Vũ có địa chất phức tạp, có nhiều lớp đá trầm tích nên quá trình thi công hầm phải vừa làm vừa gia cố.
Ghi nhận tại công trình phía Bắc hầm Thần Vũ, mỗi nhà thầu thi công hiện có khoảng 100 cán bộ, công nhân, chia 3 ca làm việc 24/24h để đảm bảo tiến độ. Đại diện các nhà thầu cũng khẳng định tiến độ thi công hầm Thần Vũ đáp ứng được tiến độ đề ra của dự án. Dự kiến khoảng tháng 5/2023, hầm sẽ thông tuyến.
Tận mục sở thị cảnh thi công trong hầm Thần Vũ, trước mắt tôi phần đường hầm vừa được mở rộng phần thô, sâu hun hút. Ánh sáng từ các bóng đèn treo hai bên vách hầm vừa đủ để nhìn rõ mọi vật. Tiến vào hầm, cũng giống như anh em công nhân khi vào ca làm việc, chúng tôi chân đeo ủng, đầu đội mũ bảo hộ có gài đèn chiếu sáng.
Càng đi sâu vào trong hầm, không khí càng nóng bức và có phần ngột ngạt dù đã có hệ thống lọc không khí chạy 24/24 không ngừng nghỉ. Tiếng ồn từ cỗ máy khoan xoáy vào vách đá tạo nên một chuỗi âm thanh lúc trầm đục, lúc chát chúa. Trong không gian vừa mùi đất đá ẩm ướt vừa mùi thuốc nổ còn vương lại từ vụ nổ trước, các tốp thợ đào hầm đang lặng lẽ thực hiện các phần việc của mình. Những đường sáng áo phản quang mặc trên người làm họ nổi bật lên bên trong cái vòm hầm được chiếu sáng bằng đèn cao áp.
Ở cuối đường hầm, các công nhân đang nhồi thuốc nổ vào trong các lỗ sâu chừng 2-4m đã khoan trước đó bằng máy chuyên dụng. Sau khi hoàn thành công tác khoan nhồi thuốc nổ, sẽ có công nhân gọi loa cảnh báo di chuyển tất cả người lao động ra hết khỏi khu vực ống hầm, để bắt đầu kích nổ bằng điểm hỏa.
Đếm: “1…2…3…nổ”, sau đó là một tiếng nổ rất lớn và loạt khói, bụi bay mù mịt khắp ống hầm, tràn ra ngoài cửa hầm, lớp đất đá sâu ước chừng 5m vỡ ra thành các mảnh lớn nhỏ nằm ngổn ngang ở cuối hầm.
Sau khi kiểm tra an toàn, công nhân sẽ tiến vào, dùng máy móc dọn đất đá vỡ do nổ mìn ra ngoài rồi ghim một lớp thép trên nóc hầm, đặt miếng đệm sắt, siết chặt đai ốc để làm kết cấu chống đỡ. Mái hầm thi công đến đâu sẽ được phun bê tông tươi gia cố chắc đến đó. Loại bê tông đặc biệt gần như đông cứng ngay lập tức.
Trong suốt quá trình đó, người kỹ sư trắc địa có mặt tại hiện trường, liên tục sử dụng thước đo để kiểm tra các thông số như: Cập nhật vị trí tim hầm, xác định độ lệch thực tế của tim hầm so với thiết kế và trực tiếp ra quyết định cho hướng đi của máy đào hoặc máy khoan. “Trong quá trình thi công, do áp lực của đất đá và do hoạt động của máy móc nên có thể xảy ra biến dạng của bản thân đường hầm. Việc đo đạc liên tục giúp phát hiện và cảnh báo sớm các biến dạng nguy hiểm để có giải pháp kịp thời ngăn chặn các sự cố có thể xảy ra. Đây là công việc phải chính xác không được mắc bất kỳ một sai sót nào”, một kỹ sư trắc địa chia sẻ.
Trung bình sản lượng đất đào mỗi ngày đạt khoảng 5.000m3. Tổng khối lượng đất đào hạng mục hầm khoảng 600.000m3 sẽ được vận chuyển phục vụ công tác đắp nền đường tại các đoạn thuộc Km435+200 - Km436+300; Km437+500 - Km438+500.
Công việc với nhịp độ như vậy cứ lặp đi lặp lại cho đến khi thông ống hầm. “Do khoan hầm không bị ảnh hưởng thời tiết nên chúng tôi đã thi công 3 ca liên tục, không kể ngày đêm. Với hơn 30 cán bộ, kỹ sư, công nhân, chúng tôi đảm bảo phối hợp giữa các tổ một cách thông suốt nhất, đáp ứng mọi tiến độ, dù mưa hay nắng”, Kỹ sư Nguyễn Xuân Huề - Ban điều hành nhà thầu CIENCO4 – nhà thầu phụ trách trực tiếp thi công 567/1.100m hầm Thần Vũ phía Bắc nhánh trái, cho biết.
Trò chuyện kỹ hơn cùng anh em kỹ sư, công nhân tại các công trường thi công hầm xuyên núi, chúng tôi mới có dịp biết thêm về nhiều điều đặc biệt trong công việc “phá núi, mở đường” này.
Các cụ xưa có câu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” để ám chỉ ý nghĩa để có cuộc sống tốt đẹp, thuận lợi cũng như đạt được như ý trong cuộc sống thì nên lưu ý, kiêng kị một số điều không tốt. Tưởng chừng câu nói trên chỉ áp dụng trong đời sống thường nhật, nhưng ngay chính việc thi công những công trình giao thông với những công nghệ hiện đại nhất cũng có những điều kiêng kị như vậy.
“Rất sợ phụ nữ” - đây là câu nói vui của Kỹ sư Nguyễn Xuân Huề. Theo kỹ sư này, Việt Nam làm hầm theo tín ngưỡng của Nhật Bản, theo đó trong suốt quá trình thi công không bao giờ thấy có bóng dáng phụ nữ vào hầm, nhất là ở giai đoạn từ khi mở cửa đến khi thông hầm.
“Hỏi ra mới biết quan niệm của người Nhật, con gái là nước. Mà làm hầm thì sợ nhất là nước nên họ không cho bất kỳ phụ nữ nào vào hầm khi đang thi công. Điều đó từ quan niệm nay đã trở nguyên tắc bất di bất dịch trong thi công hầm ở Việt Nam. Tuyệt nhiên tất cả các hầm đều như vậy”, anh Huề lý giải.
Ngoài “sợ phụ nữ” xuất hiện trong công địa thi công, Kỹ sư Huề cho biết anh em kỹ sư công nhân trong quá trình thi công hầm còn không ăn thịt chó, không để xảy ra chuyện trai gái trong phạm vi thi công hầm. Hỏi kỹ hơn về lý do “kiêng” như vậy, anh Huề chỉ cười bảo: “Mọi người đều kiêng như vậy lâu dần thành “luật bất thành văn” chứ cũng không có sự giải thích cụ thể nào, kiêng thì mình cũng cảm thấy an tâm, không lấn cấn gì”.
Đi sâu vào tìm hiểu đời sống của người lao động trên các công trường, chúng tôi càng thấy rằng việc thi công hầm xuyên núi, máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại là điều đương nhiên, nhưng không thể không có sự xuất hiện của yếu tố “rất tinh thần”.
Anh Hoàng Đình Thịnh - Phó Giám đốc Ban điều hành đơn vị trực tiếp thi công hầm Thung Thi (Tập đoàn Đèo Cả) cho biết giống như việc thi công bao công trình khác, nhà thầu cũng chọn ngày tốt để bày lễ cúng động thổ. Bên cạnh đó, tuần rằm, mồng một hằng tháng nhà thầu cũng sẽ sắp đặt ban thờ ngay trước cửa hầm để làm lễ xin thần linh.
“Quan niệm người Việt mình là vậy. Mỗi khu đất đều có 1 vị thổ thần trông coi, trong khi chúng tôi thi công chủ yếu ở vùng rừng núi, theo quan niệm của người dân bản địa còn thần rừng, thần núi. Việc phá núi, mở hầm, đụng chạm đến khu đất của thần mà chưa xin phép được cho là thất lễ. Do đó việc làm lễ cúng động thổ hay trong các ngày tuần rằm, mùng một như một cách thể hiện sự tôn trọng với thiên nhiên, tôn trọng yếu tố văn hóa tâm linh của người Việt”, ông Thịnh chia sẻ.
Ông Thịnh cũng tiết lộ khi chính thức mở cửa hầm, đơn vị thi công cũng phải thực hiện nghi lễ rót rượu lên đỉnh hầm bằng cách khoan một lỗ nhỏ ở trung tâm hầm, người đóng vai trò chủ chốt trong thi công hầm sẽ lên rót rượu vào lỗ được khoan ấy để xin phép khai mở hầm. Đến giai đoạn trước khi đục thông ống hầm cũng cần làm lễ để xin phép thần linh.
Bên cạnh đó, ông Thịnh cho biết: “Mỗi khi trong nội bộ anh em công nhân kỹ sư, nhiều người có vấn đề gì về sức khỏe, tâm lý hay trong quá trình thi công gặp trục trặc gì chúng tôi cũng mời các sư thầy về làm lễ cầu an. Đó như một liều thuốc tâm lý giúp người lao động an tâm làm việc. Giữa núi rừng bao la, nhiều khi đó như là một chỗ dựa về tinh thần, giúp họ có niềm tin”.
Lời kết: Những chia sẻ mà chúng tôi nghe được trong những ngày “tận mục sở thị” chỉ là một phần rất nhỏ những câu chuyện đời, chuyện nghề của những “người mở đường” trên khắp các công trường cao tốc Bắc – Nam. Với tâm thế của người đi trước mở đường, họ đang từng ngày tạo nên hình hài của mạng lưới cao tốc rộng lớn, kết nối những miền đất của Tổ quốc với khát vọng “đại lộ sinh đại phú”, để lại dấu ấn trên chặng đường phát triển của Đất nước.
Mời quý độc giả theo dõi tuyến bài Dấu ấn "người mở đường" trên cao tốc Bắc Nam trên tạp chí điện tử Người Đưa Tin
- Bài 1: Chạy đua về đích trước giờ G
- Bài 2: Hậu trường của những “phu đường”
- Bài 3: Những “luật bất thành văn” của thợ đào hầm xuyên núi
NGUOIDUATIN.VN |