Những năm qua, khu vực giáp ranh giữa 3 địa phương này luôn là “điểm nóng” về tình trạng phá rừng trái phép. Công tác bảo vệ rừng ở đây luôn là một bài toán nan giải đối với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Rừng vẫn “chảy máu”
Nằm cách UBND xã gần 50 km, bản rẻo cao Sơn Tống và Gia Phú của xã Mường Nhà nằm giáp ranh với Púng Bửa (xã Na Ư) và Na Côn (xã Núa Ngam). Đây là địa bàn diễn ra tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng trong thời gian qua. Trên con đường từ bản Sơn Tống đi Gia Phú, chúng tôi dễ dàng bắt gặp cảnh những sườn đồi, mỏm đồi chỉ còn trơ lại những gốc cây đen ngòm mà người dân đã đốt rừng làm rẫy. Có điểm ở sườn dốc, cảnh rừng bị tàn phá trông thật thảm thương. Những khúc gỗ với đường kính đo được hơn 50cm, dài 2 đến 3 mét, bên cạnh là gần chục thanh gỗ đã qua sơ chế nằm rải rác ở mép đường. Dưới sườn dốc là gần chục cây gỗ lớn bị đốn ngã, nhiều khúc gỗ còn nguyên mùn cưa ở gốc, mùi gỗ vẫn còn hăng hắc như chỉ mới bị triệt hạ 1, 2 ngày trước.
Tại khe suối Huổi Hẹ, gần trung tâm bản Gia Phú có gần 30 thanh gỗ chiều dài hơn 4 mét, rộng và dày 20cm được cắt xẻ vuông vắn theo quy trình sơ chế mà “lâm tặc” đã tập kết lại trước khi vận xuất khỏi hiện trường. Đi sâu theo con suối, chúng tôi thấy một thân cây lớn với chu vi một người ôm nằm vắt ngang qua dòng chảy, phía gốc cây là những lóng gỗ dạng mỏng được cắt rời từ thân cây. Ngay bên cạnh là nơi mà “lâm tặc” dùng để sơ chế gỗ, chỉ còn lại lớp mùn cưa dày và hàng chục tấm ván bìa nằm ngổn ngang bên bờ suối.
Cùng số phận của rừng ở bản Sơn Tống là khu rừng già ở gần trung tâm bản Púng Bửa, xã Na Ư. Bản Púng Bửa cách UBND xã Na Ư hàng chục km đường đồi núi quanh co, uốn khúc theo lưng chừng núi, đồi. Tại địa phận bản này, bên cạnh dòng suối là cửa ngõ vào bản, được dựng nên bởi một cánh cửa gỗ chắc chắn, như muốn ngăn cách, biệt lập với thế giới bên ngoài. Ngay cạnh cây cầu trước cổng vào bản là gần chục thanh gỗ đã được bào gọt sắc cạnh, vuông vắn nằm bên đường chờ vận chuyển. Khu vực rừng ở bên kia khe suối, trên những vách đá sừng sững là những cây đại thụ nhiều năm tuổi. Những cây cổ thụ này cũng đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ vì sự phá hoại của lâm tặc. Ngay bên phải của dòng suối, cách cổng vào bản 30 mét, một thân gỗ lớn với chu vi khoảng 3 người ôm, dài gần 15 mét bị đốn ngã nằm trải dài theo lòng suối, vết cưa còn rất mới, mủ cây ứa ra thành dòng ở gốc cây.
Tình trạng phá rừng không chỉ xảy ra ở những địa bàn ít người như khu vực bản Gia Phú, xã Mường Nhà hay gần bản Púng Bửa, xã Na Ư mà ở ngay địa điểm cách UBND xã Na Ư chưa đầy 2 km, một thân cây chu vi một người ôm không xuể, có chiều dài hơn chục mét đã bị cưa đổ cạnh dòng suối. Điều đó chứng tỏ khu vực này không được sự quản lý nghiêm ngặt của cơ quan chức năng.
Gian nan bài toán giữ rừng
Thực tế cho thấy, tình trạng “lâm tặc” ngang nhiên phá rừng ở những bản giáp ranh 3 xã Na Ư, Mường Nhà và Núa Ngam đã rõ. Điều đáng lo ngại là trong khi “lâm tặc” không ngừng “lộng hành” ở những điểm nóng này thì cơ quan chức năng vẫn còn loay hoay trong việc xác định ranh giới để phân định trách nhiệm quản lý rừng. Vùng giáp ranh giữa ba xã Núa Ngam, Na Ư và Mường Nhà rất khó phân biệt. Các bản rẻo cao ở nơi đây dân cư thưa thớt, nằm rải rác giữa bạt ngàn núi rừng, địa hình vô cùng hiểm trở gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, bảo vệ rừng. Nơi đây phần lớn là người dân tộc Mông sinh sống, cách ly với những địa bàn khác, nền kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp.
Trao đổi với phóng viên, ông Vì Văn Đông, chủ tịch UBND xã Mường Nhà cho biết : Địa bàn xã rất rộng mà số cán bộ quản lý, bảo vệ rừng quá mỏng. Cả xã có diện tích hơn 27 ngàn ha nhưng chỉ có 2 Kiểm lâm “cắm” địa bàn cùng với 1 Bảo lâm cơ sở. Bởi vậy, lực lượng cán bộ không thể thường xuyên đến tận cơ sở. Khi xảy ra phá rừng, nếu không được thông báo thì cơ quan chính quyền cũng không thể nắm được. Theo ông Đông thì khu vực từ Sơn Tống đến Gia Phú có khu rừng giáp với xã Núa Ngam đã trở thành “điểm đen”, đáng báo động về tình trạng phá rừng. Trước đây, khu vực rừng này thuộc xã Núa Ngam nhưng người dân của Mường Nhà qua canh tác, làm nương và sinh sống trên rừng của xã Núa Ngam. Thời gian qua, UBND xã cũng đã cử cán bộ đi khảo sát, tuyên truyền bảo vệ rừng nhưng vẫn chưa thể chấm dứt được tình trạng “lâm tặc” hoành hành ở khu vực này.
Thực trạng phá rừng ở vùng tam giác nối liền 3 xã này rất nghiêm trọng, song điều đáng lo ngại là dường như cơ quan chức năng ở địa phương vẫn chưa thể xác định được những khu rừng bị lâm tặc triệt hạ thuộc địa phận của xã nào. Những khu rừng nơi đây trở nên “vô chủ”, không được sự quản lý chặt chẽ của một địa phương nhất định.
Trao đổi về tình trạng phá rừng ở khu vực bản Púng Bửa, ông Ly Nình Vàng, Phó Chủ tịch UBND xã Na Ưb trả lời “lấp lửng” về quyền và nghĩa vụ quản lý rừng nơi đây. Ông phủ nhận thực trạng phá rừng xảy ra ở bản Púng Bửa thuộc địa phận xã Na Ư và cho rằng khu vực rừng bị lâm tặc chặt phá hiện nay vẫn chưa xác định được là thuộc địa phận của xã Na Ư hay là xã Núa Ngam. Lãnh đạo xã Na Ư cho rằng khó khăn nhất trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là ý thức của người dân còn hạn chế. Trong tập quán của người dân tộc Mông, chủ yếu là phá rừng làm nương vì không có đất, nguồn nước để canh tác lúa. Mặt khác, việc quản lý, bảo vệ rừng trong xã chủ yếu là do cán bộ xã kiêm nhiệm, không có cán bộ phụ trách trực tiếp mà nguồn hỗ trợ lại rất thấp nên việc quản lý rừng gặp nhiều trở ngại.
Về phía Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên, Hạt trưởng Phạm Văn Khiên cũng thừa nhận những khó khăn trong công tác quản lý rừng trên toàn huyện, đặc biệt là ở khu vực giáp ranh nối liền 3 xã Na Ư, Núa Ngam, Mường Nhà. Theo ông thì trở ngại lớn nhất ở việc tuyên truyền, phổ biến đến người dân là vấn đề ngôn ngữ do những khu vực này chủ yếu là người dân tộc Mông sinh sống. Cán bộ chức năng không hiểu tiếng Mông thì rất khó để tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng đến người dân.
Bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng gỗ và các lâm sản từ rừng, nhu cầu mở rộng đất nương để sản xuất nông nghiệp, người dân đã phá rừng làm rẫy trái phép. Ông Khiên đã đưa ra những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng đốt rừng làm nương, tình trạng chặt phá rừng trái phép như: Cần thiết phải tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về bảo vệ rừng và tầm quan trọng của rừng đến từng địa bàn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến từng bản làng, cho Trưởng bản và các hộ dân ký cam kết bảo vệ rừng. Hơn nữa, việc tăng cường đội ngũ cán bộ, cử cán bộ người Mông hoặc biết nói tiếng Mông sẽ giúp người dân tộc Mông ở những bản rẻo cao này hiểu hơn để bảo vệ rừng.
Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện Điện Biên xảy ra khá nhiều vụ phá rừng, đặc biệt ở vùng giáp ranh giữa Núa Ngam, Na Ư và Mường Nhà, tình trạng phá rừng vẫn đang nóng lên từng ngày. Tuy nhiên việc xử lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng ở khu vực này vẫn làm “đau đầu” cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để trả lại sự bình yên cho núi rừng Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung.
Theo Thông tấn xã Việt Nam