Bằng Ái Sa, da Ngọc Thảo

Vụ việc người phụ nữ xuất thân từ nghề cắt tóc gội đầu nhưng nhờ mượn bằng cấp 3 của chị gái mà tiến thân lên đến chức Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk là một vở kịch “Hồn Trương Ba da Hàng thịt” phiên bản lỗi.

img

Không phải thời chiến tranh loạn lạc làm thất lạc giấy tờ, cũng không phải thời phong kiến địa chủ khiến cơ hội học hành thăng tiến bị hạn chế, thế nhưng một người phụ nữ vẫn “đội lốt” người khác để tiến thân và hưởng quyền lợi gian dối trong suốt 10 năm.

Đó là bà Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975), ở Đắk Lắk. Bà Thảo chưa học hết cấp 3 nhưng lấy bằng cấp 3 của chị ruột là bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973, hiện là hộ lý tại khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) để học trung cấp, liên thông lên đại học, cao học và hiện là Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Xưa nay mới chỉ thấy người ta gian dối bằng cấp kiểu học giả lấy bằng thật, không học vẫn có bằng nhờ mua bán hoặc học thuê, hoặc là khai man bằng cấp, tuổi tác … nhưng người gian dối vẫn chính danh. Còn “mượn” cả tên, tuổi lẫn bằng cấp của người khác trong hàng chục năm mới bị vạch trần như bà Thảo kể ra cũng là một câu chuyện hài hước phi thường.

So với vở bi hài kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của cố nhà thơ – nhà biên kịch Lưu Quang Vũ thì phiên bản “Bằng Ái Sa, da Ngọc Thảo” của nữ trưởng phòng ở Tỉnh ủy Đắk Lắk là một phiên bản nhập vai rất lỗi.

Ông Trương Ba - một người nho nhã, chơi cờ giỏi - khi chết đi được một tiên cờ tên là Đế Thích thương cảm, cho sống lại trong hình hài của lão hàng thịt. Bi kịch của Trương Ba là tuy được sống lại nhưng không hề hạnh phúc vì vợ mình sợ hãi không dám đến gần, vợ ông hàng thịt ghen tuông đòi chồng, cùng với đó là hàng loạt hiểu lầm lẫn tranh giành hài hước khác. Cuối cùng, không thể cố gắng trở thành một người khác, ông Trương Ba lại xin được chết.

Người tự trọng dù có được người khác yêu mến mà ban phát cho quyền lợi, thậm chí là quyền tối cao của con người là quyền được sống, cuối cùng họ vẫn tự nguyện trả lại quyền lợi. Còn đây bà Thảo không nỗ lực học hành nhưng lại sử dụng kết quả nỗ lực của người khác để trèo cao lên ghế Trưởng phòng trong một cơ quan Nhà nước, chối bỏ xuất phát điểm của một nhân viên cắt tóc gội đầu.

Thậm chí trong khi nhập vai làm chị gái mình, bà Thảo đã thẳng tay “xóa sổ” 8 người trong gia đình (gia đình có 12 anh chị em nhưng trong sơ yếu lý lịch tự thuật chỉ khai 4 anh chị em, trong đó không có tên Trần Thị Ngọc Thảo). Nhờ hồ sơ khai man mà bà Thảo được cơ quan cử đi các lớp đào tạo, bồi dưỡng và học liên thông lên đại học, cao học.

Câu chuyện nhập vai dối trá của bà Thảo còn lỗi lầm ở chỗ nó được “tiếp tay” bởi sự tắc trách của một dây chuyền. Có người còn suy diễn đến khả năng “nâng đỡ không trong sáng” như sự việc xảy ra ở Thanh Hoá.

Hàng năm, cơ quản lý cán bộ, công chức đều tiến hành rà soát hồ sơ cán bộ nhưng không hiểu sao không phát hiện trường hợp bà Thảo giả mạo hồ sơ, giấy tờ nghiêm trọng đến vậy.

Trong suốt 10 năm, sẽ có những giao dịch hành chính phải sử dụng cả bằng cấp và giấy tờ tùy thân có dán ảnh khác như chứng minh thư, hộ chiếu… nhưng sự gian dối này vẫn như “con voi chui lọt lỗ kim”. Phải chăng bà này làm giả cả chứng minh thư hoặc hộ chiếu?

Tổ chức cơ sở Đảng nơi bà Thảo công tác thậm chí còn không về địa phương thẩm tra lý lịch, xác minh hồ sơ đề nghị kết nạp Đảng viên cho bà Thảo mà chỉ gửi văn bản yêu cầu xác minh. Và dường như bà này đã “mua chuộc” được cả cơ quan quản lý nhân khẩu ở địa phương nên mới có được kết quả thẩm tra xác nhận tên chị - người em như vậy.

Sau khi bị người dân tố cáo, bà Thảo đã làm đơn xin thôi việc. Giải trình về việc giả mạo nghiêm trọng này, bà Thảo cho biết: “Thời điểm xảy ra sự việc, tôi còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn và nông nổi. Chính vì muốn có việc làm để mưu sinh trong lúc gia đình rất khó khăn...".

Tôi cho rằng lời giải thích này là ngụy biện. Người ta có thể nông nổi khi trẻ vì mưu sinh, nhưng nếu có tự trọng thì sẽ chủ động trả lại thứ gì của người khác khi cuộc sống đã bớt khó khăn, chứ không phải gian dối nối tiếp gian dối trong suốt hàng chục năm để hưởng thụ các cơ hội đào tạo và thăng tiến khác như bà Thảo. Cho nên ngay cả lời biện hộ của bà này cũng rất lỗi.

Cuối cùng, bà Thảo nên cảm ơn người tố giác bà, bởi chỉ khi sự việc vỡ lở thì bà mới được “trả lại tên cho em”, được sống đúng là mình chứ không phải chui trong cái vỏ bọc của người khác một cách hèn nhát.

Thiết nghĩ sau khi xử lý kỷ luật bà Ngọc Thảo về mặt hành chính (khai trừ Đảng, cách chức, buộc thôi việc), bà Thảo cần phải bị truy tố hình sự về tội làm giả giấy tờ, sử dụng giấy tờ giả (nếu có), đồng thời phải trả lại tất cả những chi phí đào tạo, phụ cấp chức vụ, chế độ lương bổng, chế độ bảo hiểm do gian dối mà có được trong suốt những năm núp bóng người khác để học hành và làm việc.

Những cá nhân, đơn vị để xảy ra tắc trách trong tuyển dụng, đề bạt, sử dụng cán bộ trong vụ việc này cần bị xử lý nghiêm.

Ngay cả chị gái bà Thảo – bà Trần Thị Ngọc Ái Sa – người cho em gái mượn bằng cấp 3 sử dụng trong suốt nhiều năm để gian dối cũng nên bị truy cứu trách nhiệm vì tội tiếp tay cho hành vi giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tội không tố giác tội phạm.

Vở bi hài kịch này rất tệ này cần phải được “vá lỗi” bởi thái độ cầu thị, kiên quyết, trên tinh thần thượng tôn pháp luật để xử lý cả người sai phạm lẫn cá nhân, tổ chức bỏ lọt sai phạm.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img