Chuyện thật như đùa là cảm xúc phẫn nộ trước thông tin có đến 30% phi công ở Pakistan sử dụng bằng giả. Thật không thể tin nổi trên thế giới lại có nơi người ta phải đánh cược sinh tử vào tay những kẻ dùng bằng giả...trên trời. Song không chỉ có thế, cuộc sống luôn tiềm ẩn những thứ giả có thể phải trả giá mạng sống…
Cách đây một tháng, chuyến bay PK 8303 của Pakistan International Airlines (PIA) đã gặp thảm kịch khi đâm vào khu dân cư ngay trước khi hạ cánh xuống sân bay Karachi, Pakistan. Vụ tai nạn khiến 97 người thiệt mạng và gây thiệt hại đáng kể về cơ sở vật chất.
Trong một thống kê không đầy u ám, người ta nhận ra rằng tai nạn máy bay xảy ra khá nhiều ở Pakistan. Tính từ năm 2010 tới nay, đã có ít nhất 7 vụ máy bay rơi ở quốc gia Nam Á, điều khiến không ít người lo lắng về tiêu chuẩn an toàn trong các chuyến bay của nước này.
Sau vụ tai nạn nói trên, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Pakistan Ghulam Sarwar Khan cũng thông báo một thực trạng đáng quan ngại về năng lực của phi công, khi kết quả điều tra cho thấy có đến 262 trong tổng số 860 phi công Pakistan sử dụng “giấy phép lái máy bay đáng ngờ”.
262 phi công đã thuê người để thi lấy bằng và không hề có đủ kinh nghiệm điều khiển máy bay. Nói cách khác, có đến 30% phi công ở Pakistan đang sử dụng “bằng giả”. Dù chưa có bằng chứng nào cho thấy sự liên quan giữa năng lực phi công và tai nạn máy bay ở Pakistan nhưng con số kia nghe xong ai cũng cảm thấy thảng thốt.
Một lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng, sự thuần thục và chính xác tuyệt đối như ngành hàng không mà lại có đến hàng trăm phi công không dùng bằng giả vận hành máy bay cùng hàng trăm tính mạng hành khách trên bầu trời. Chuyện thật như đùa. Các phi công này khác gì “người mù” mò mẫm trên bầu trời cùng một cỗ máy mang theo bao nhiêu sinh linh vô tội.Mỗi chuyến bay của họ dường như là một trò cá cược sinh tử đối với tính mạng của hàng trăm con người không hề hay biết rủi ro luôn cận kề.
Ngay cả trong vụ tai nạn mới đây của Pakistan, kết luận cũng xác định do lỗi con người thay vì kỹ thuật. Theo dữ liệu hộp đen, hai phi công trên máy bay đã mải mê trò chuyện trong lúc hạ cánh với tốc độ quá nhanh, gây ra sự cố không thể kiểm soát. Một lý do khá oan trái cho cái chết của 97 con người.
Xã hội có nhiều thứ giả mạo. Một trong số đó là bằng cấp, chứng chỉ giả. Hầu hết công dụng của bằng giả là để giúp một cá nhân thiếu năng lực ngồi vào vị trí mong muốn, để thăng tiến hoặc đem lại những giá trị về tiền bạc, danh vọng cho bản thân.
Không thiếu những trường hợp gây bức xúc dư luận đã được phơi bày trong thời gian gần đây. Nào là chủ tịch xã dùng bằng giả để lên chức, rồi giảng viên trung tâm tiếng Anh dùng chứng chỉ IELTS giả để thu hút học viên. Tất nhiên, những tấm bằng giả đó có thể nói là “vô hại” một phần nào đó, vì nó không gây chết người. Nhưng vẫn có loại bằng giả có thể vẽ lên viễn cảnh tang tóc.
Nói đến câu chuyện ở Việt Nam, có một “bằng giả” khác vừa bị phát hiện và tấm bằng này cũng nguy hiểm không kém sự dối lừa của các phi công Pakistan, khi công việc đó cũng liên quan đến tính mạng con người.
Hôm 20/6, sở Y tế Đồng Nai đã đề nghị điều tra, xử lý một trường hợp bác sĩ sử dụng bằng giả. Người sử dụng bằng giả được xác định là bà Trần Xuân Ngọc (42 tuổi, ngụ TP.HCM). Vị “bác sĩ lậu” này bị phát hiện trong quá trình kiểm tra nhân sự một phòng khám đa khoa ở Đồng Nai chuẩn bị đi vào hoạt động.
Cụ thể, bà Ngọc cung cấp hồ sơ "tốt nghiệp Y đa khoa tại trường ĐH Y dược TP.HCM. Tuy nhiên, trường ĐH Y dược TP. HCM xác định nhân vật này không hề có tên trong danh sách đào tạo. Sau khi xác định dùng bằng giả, phòng khám đa khoa nói trên đã cắt hợp đồng với bà Ngọc.
Ngành y cũng tương tự như lĩnh vực hàng không, nếu không muốn nói là còn đòi hỏi chuyên môn ở ngưỡng cao hơn. Nhưng chỉ vì chút danh vọng tiền tài, một cá nhân sẵn sàng sử dụng chút kiến thức vụng về của mình để đi hành nghề chữa bệnh cứu người.
Một bác sĩ thực thụ phải là những cá nhân xuất sắc, được đào tạo cả chục năm trước khi bắt đầu cầm dao mổ. Một phi công phải có kinh nghiệm bay hàng chục nghìn giờ mới được phép điều khiển một chiếc máy bay lên bầu trời. Vậy mà vẫn có những đối tượng liều lĩnh “ngồi nhầm chỗ” một cách trơ tráo, đạp lên tính mạng người khác để làm lợi cho bản thân.
Giao tính mạng cho những con người có năng lực thực sự, dù có biến cố khó lường xảy ra, chúng ta cũng không hối tiếc. Nhưng để trở thành chuột bạch cho những kẻ vô lương tâm, mất liêm sỉ thì đó là một nỗi niềm căm phẫn không thể nói nên lời.
Đọc những câu chuyện nói trên, chợt hoang mang khi nhận ra bao nhiêu con người ngoài kia đang mạo hiểm sinh mạng của mình mỗi ngày cho một tấm bằng giả nào đó, mà không hề biết.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.