Ngày 18/4/1984, đoàn quy tập Nghệ An được thành lập nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các cuộc kháng chiến ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Tỉnh Nghệ An được giao nhiệm vụ trực tiếp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh trên đất bạn Lào đưa về nước ở địa bàn 2 tỉnh Xiêng Khoảng và Viêng Chăn, sau có thêm tỉnh Xay Xổm Bun mới thành lập.
Thượng tá Nguyễn Trọng Ngân - Chính trị viên đội Quy tập, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cho biết, giai đoạn thứ nhất là từ năm 1984 - 1994, công tác còn sơ khai, cực kỳ vất vả bởi khi đó tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn hết sức phức tạp. Giai đoạn thứ hai là từ năm 1994 - 2015, chúng ta tìm được nhiều liệt sỹ nhất, riêng ở tỉnh Xiêng Khoảng thời gian này đã tìm được khoảng 12.000 liệt sỹ và đưa về nước. Giai đoạn thứ ba là từ năm 2015 đến nay.
“Do phần lớn mộ liệt sỹ đã được tìm thấy và đưa về nước, tình hình an ninh chính trị của bạn đã ổn định nên quy mô của đoàn Quy tập được đưa về thành đội Quy tập. Tính từ năm 2015 cho đến 2021, chúng ta đã tìm thấy 517 hài cốt liệt sỹ, trong số đó có 16 hài cốt đã xác định được thông tin”, Thượng tá Ngân cho biết.
Mặc dù vậy, ở giai đoạn này, công tác tìm kiếm, quy tập rất gian khó bởi lực lượng giảm bớt; số mộ còn lại nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, phải hành quân bộ cả ngày đường mới tới nơi. Với tấm sơ đồ cũ mòn trong tay, với những thông tin ít ỏi chắp nối từ đồng bào bản địa cung cấp, đội Quy tập cắt rừng để đi. Đặc biệt, chiến trường xưa đã thay đổi rất nhiều nhưng bom đạn còn sót lại không hề ít.
“Có những nơi anh em vừa đi, vừa mở đường. Mấy chục năm trời, địa hình thay đổi do mưa gió bào mòn, các phần mộ trôi đi hoặc bị san phẳng, không giống với sơ đồ đã được cung cấp. Gần như chúng tôi phải dò dẫm giữa thăm thẳm rừng già để tìm kiếm với hành trang duy nhất là sức người, là nghĩa tình với người đã ngã xuống”, Thượng tá Ngân nói.
Mùa khô ở Lào khắc nghiệt, ngày nắng khô khốc, đêm rét thấu xương. Mặt đất rắn đanh, nhát cuốc bổ xuống, bật ngược trở lại. Những đôi tay chai sạn, tướp máu vẫn cẩn thận lật từng lớp đất như sợ đụng chạm vào cõi yên nghỉ của các bác. Mỗi ngôi mộ được phát hiện, dẫu không còn nguyên vẹn, dẫu chẳng có một dòng tên tuổi, địa chỉ cũng khiến các chiến sĩ quy tập mừng rơi nước mắt.
Bao nhiêu năm rồi, những phần mộ chỉ còn lại nắm đất đen, mảnh tăng, chiếc võng lượm hay chiếc đế giày, mảnh thắt lưng nhưng đối với những người tìm mộ, những thứ ấy còn quý hơn vàng ròng. Bởi đó là hồn cốt, là xương máu của cha ông đã đợi họ hàng chục năm trời để được về với quê mẹ thân thương.
Thiếu tá Lê Đình Thích là một trong những chiến sĩ “kinh nghiệm” nhất trong đội Quy tập khi tham gia 4 mùa cho biết, len lỏi trong những khu rừng rậm, vượt núi đèo trơn trượt, vách đá cheo leo, hành trang của cán bộ, chiến sĩ đội Quy tập mang theo là cuốc, xẻng cùng ba lô trên vai cùng với một tâm nguyện cháy bỏng là tìm được hài cốt liệt sỹ để đưa về.
Trong nhiều năm tìm đồng đội, Thiếu tá Lê Đình Thích có rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Một trong đó là chuyến vượt sông Nậm Nơn vào tháng 11/2019.
“Tổ của tôi xuất phát lúc 5h sáng từ đồn Biên phòng Lào đến sông Nậm Nơn của nước bạn. Mấy hôm trước trời mưa to nên nước đổ về như thác, dòng sông hiền hòa giờ đục ngầu, chảy xiết, người bình thường nhìn chắc chắn không dám vượt. Nhưng lúc đó, chúng tôi buộc phải vượt qua sông thì mới đến được vị trí phần mộ liệt sỹ hy sinh ở trong rừng”, Thiếu tá Thích nhớ lại.
Sau cuộc hội ý nhanh, Thiếu tá Nguyễn Quang Trung là người bơi giỏi nhất nên bơi sang trước. Sông sâu, nước chảy xiết, từng mỏm đá giờ đây cũng như hung thần chờ nuốt chửng người lính. Mọi người ở trên bờ cũng vô cùng lo sợ. Tuy nhiên, với tinh thần thép được tôi luyện trên thao trường, Thiếu tá Trung đã vượt sông an toàn.
Sau khi Thiếu tá Trung dùng đầu dây thừng buộc chặt vào gốc cây, các cán bộ, chiến sỹ khác lần theo sợi dây níu giữ ba lô và bơi tới bờ. Tiếp đó, tổ các anh phải đi bộ khoảng 2 giờ đồng hồ thì mới tới điểm nằm trong bản đồ.
“Chúng tôi dựa theo thông tin và khoanh vùng, ngày tìm kiếm, đêm mắc võng nghỉ ngơi. Buổi tối giữa rừng già tĩnh mịch vô cùng sợ. Tiếng côn trùng kêu inh ỏi, vắt bám đầy thân cây leo lên võng. Rồi nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con. Thế nhưng, cứ nghĩ đến các liệt sỹ cũng đang nằm cô đơn đâu đó nơi đây thì trong lòng chúng tôi lại thêm quyết tâm phải tìm bằng được”, Thiếu tá Lê Đình Thích nói.
May mắn được hồn thiêng của anh hùng, liệt sỹ phù hộ nên quần quật 2 ngày sau, tổ của Thiếu tá Lê Đình Thích đã phát hiện được phần mộ. Đó là thời điểm gần 12 giờ trưa, mọi người đều đã mệt rã rời nên cử một người đi nhóm lửa, vo gạo chuẩn bị nấu ăn.
“Khi bổ cuốc xuống thì tôi nghe thấy “cộp”. Tiếng động này khác hẳn với việc bổ cuốc xuống đất. Trong lòng tôi vang lên sự vui mừng và nghĩ thầm tìm được rồi. Lúc này, chúng tôi không còn thấy đói nữa, cũng không thấy mệt nữa, lập tức mấy anh em bỏ cơm tiếp tục cẩn thận đào bới. Sau vài giờ đào, chúng tôi đã tìm thấy được hài cốt của một liệt sỹ”, Thiếu tá Lê Đình Thích kể.
Mùa khô 2020 - 2021, đội Quy tập Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã tìm kiếm, cất bốc được 95 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại địa bàn 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Viêng Chăn và Xây Xổm Bun, nước CHDCND Lào. Trong đó có 9 hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam có đầy đủ thông tin về họ tên, quê quán và đơn vị công tác.
Bài 2: Sứ mệnh tìm đồng đội hi sinh ở nước Triệu Voi trở về
A.N