Bangladesh vừa trải qua sự kiện chính trị quan trọng trong ít nhất 2 thập kỷ, đánh dấu sự khởi đầu một kết thúc buồn cho 15 năm cầm quyền của một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của đất nước, khu vực và thế giới.
Từng là một câu chuyện thành công của khu vực, quốc gia Nam Á đông dân thứ 8 thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân phức tạp, bao gồm các vấn đề kinh tế - xã hội, sự bất mãn của quần chúng, cạnh tranh chính trị…
Từ một cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên phản đối hệ thống hạn ngạch việc làm gây tranh cãi, chỉ trong vòng vài tuần, tình hình đã phát triển thành một phong trào toàn quốc cuối cùng dẫn đến việc lật đổ Thủ tướng Sheikh Hasina, nhà lãnh đạo chính trị tại vị lâu nhất của Bangladesh (1996-2001 và 2009-2024).
Mặc dù hệ thống hạn ngạch này, trong đó dành riêng tới 30% việc làm trong khu vực công cho con cháu của những cựu chiến binh tham gia cuộc chiến giành độc lập vào năm 1971, đã bị Đảng Liên đoàn Awami (AL) cầm quyền của bà Hasina bãi bỏ vào năm 2018, nhưng đã được Tòa án Tối cao Bangladesh khôi phục vào tháng 6 năm nay.
Trước làn sóng phẫn nộ ngày càng tăng trên đường phố phản đối quyết định này, Tòa án Tối cao Bangladesh đã xoa dịu bằng cách giảm hạn ngạch xuống chỉ còn 5%. Động thái này quả thực có mang lại sự lắng dịu tạm thời, nhưng sớm bùng phát thành một phong trào toàn quốc khi bạo lực gia tăng. Trong vòng một tuần, các cuộc biểu tình đường phố đã trở thành làn sóng đòi hỏi không gì khác ngoài việc bà Hasina phải từ chức.
Hệ thống hạn ngạch được thiết lập bởi nhà lãnh đạo Bangladesh lúc bấy giờ là ông Sheikh Mujibur Rahman, cha của bà Hasina, để ghi nhớ công lao của những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 50 năm, khi hậu duệ của những cựu chiến binh này chỉ chiếm một phần nhỏ trong dân số Bangladesh – khoảng 0,12-0,2%, việc duy trì hệ thống hạn ngạch gây ra nhiều bất cập.
Bất bình đối với vấn đề này đã âm ỉ từ lâu, đặc biệt là trong bối cảnh Bangladesh phải đối mặt với nạn thất nghiệp gia tăng, lạm phát leo thang, khiến cuộc sống của người dân ngày càng eo hẹp và người trẻ cảm thấy thất vọng. Có tới gần 18 triệu thanh niên, sinh viên đối mặt với tình trạng thất nghiệp ở một quốc gia có dân số 171 triệu người.
Ông Jaheen Faruque Amin, một nhà làm phim và là nhà văn có văn phòng tại Dhaka cho biết, các sinh viên ở Bangladesh đang phản đối không chỉ các chính sách của chính phủ về việc làm trong khu vực công, mà còn tìm cách để cải thiện triển vọng tương lai của mình.
Theo ông, nhiều người trong số các sinh viên biểu tình ngày nay từng là học sinh trung học vào năm 2018 khi các cuộc biểu tình kêu gọi cải thiện an toàn đường bộ nổ ra, theo sau vụ 2 học sinh trung học ở Dhaka bị một chiếc xe buýt do một tài xế không có giấy phép điều khiển đâm phải.
Khi phong trào phát triển, căng thẳng giữa những người biểu tình và chính quyền cũng tăng theo. Sinh viên biểu tình kêu gọi một phong trào bất hợp tác vào ngày 4/8. Trên thực tế đây là bước đánh dấu sự kết thúc của các cuộc biểu tình phản đối hạn ngạch viên chức và sự bắt đầu của một phong trào rộng lớn hơn, bất chấp lệnh giới nghiêm, việc bị ngắt kết nối Internet hay hơi cay từ cảnh sát.
Trong suốt thời kỳ này, các cuộc biểu tình diễn ra trong sự tương tác phức tạp của nhiều bên tham gia. Sinh viên là nòng cốt của phong trào, nhưng dần được những thành phần khác như phụ huynh, giáo viên, luật sư, các nhà hoạt động văn hóa, nghệ sĩ, chuyên gia và các thành viên xã hội dân sự hưởng ứng.
Bạo lực đã làm rung chuyển quốc gia Nam Á, thu hút sự chú ý của cả khu vực và thế giới. Sự phẫn nộ của công chúng tăng cao, và lên đến đỉnh điểm vào ngày 5/8. “Cuộc tuần hành đến Dhaka” chứng kiến hàng trăm nghìn người xuống đường ở thủ đô và các thị trấn xung quanh. Số lượng người biểu tình đã nhanh chóng tăng lên thành hàng triệu người khi họ diễu hành về phía Ganabhaban – dinh thự chính thức của Thủ tướng Bangladesh. Chưa dừng lại, họ còn tấn công vào các đồn cảnh sát và nhà riêng của các Bộ trưởng là thành viên của Đảng AL.
Vào thời điểm này, những người thực thi pháp luật nhận ra tình hình đã vượt khỏi tầm kiểm soát và khuyên bà Hasina từ chức. Bà Hasina được cho là đã từ chối và thúc giục các biện pháp mạnh mẽ hơn để chế ngự đám đông.
Trong một diễn biến quan trọng, quân đội đã từ chối tuân thủ. Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh, Tướng Waker-uz-Zaman, tuyên bố quân đội “luôn đứng về phía nhân dân”.
Đối mặt với sự từ chối của quân đội và sự phẫn nộ của công chúng, bà Hasina đã phải rời khỏi đất nước. Cuối cùng, phong trào do sinh viên lãnh đạo đã thành công trong việc lật đổ một chính phủ nắm quyền trong 15 năm nhưng đã dần để mất lòng dân.
Theo Viện Hòa bình Mỹ (USIP) – cơ quan do Quốc hội Mỹ thành lập, chuyên nghiên cứu về xây dựng hòa bình và giải quyết xung đột, khi sinh viên Bangladesh lần đầu xuống đường vào tháng 6, có vẻ như không ai trong số họ tin rằng đây là thời điểm bắt đầu một cuộc cách mạng chính trị.
Chưa kể, những yêu cầu khiêm tốn trước đó của họ về việc cải cách hệ thống hạn ngạch công vụ – và phản ứng bạo lực của chính phủ – đã châm ngòi cho một phong trào rộng rãi phát triển theo thời gian trong một bộ phận dân chúng thất vọng một phần vì tiếng nói của họ không được phản ánh trong cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 1 năm nay, nơi bà Hasina đắc cử lần thứ 4.
“Nắm bắt được động lực của cuộc biểu tình, các nhà cách mạng trẻ tuổi đã mở rộng yêu cầu của họ thành sự thay đổi mang tính hệ thống, cuối cùng đã lật đổ vị Thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử đất nước”, Tiến sĩ Geoffrey Macdonald, một nhà khoa học chính trị tại USIP, cho biết.
Chính phủ lâm thời Bangladesh do ông Muhammad Yunus lãnh đạo đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng. Ảnh NY Times
Sau khi bà Hasina bị buộc từ chức và rời đi, nền kinh tế lớn thứ 2 Nam Á hiện đang phải đối mặt với quá trình chuyển đổi chính trị không chắc chắn. Để ổn định tình hình, một chính phủ lâm thời đã được thành lập.
Theo yêu cầu của phong trào sinh viên, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Muhammad Yunus đã được chọn để lãnh đạo Nội các lâm thời. Nhận rõ nguy cơ bất ổn mà đất nước đang phải đối mặt, ông Yunus đã kêu gọi quần chúng “giữ bình tĩnh và giúp những người xung quanh bạn giữ bình tĩnh”.
Sinh năm 1940 tại thành phố ven biển Chittagong, ông Muhammad Yunus là một nhân viên ngân hàng và nhà kinh tế học. Năm 1983, với tư cách là Trưởng Khoa Kinh tế tại Đại học Chittagong, ông đã thành lập Ngân hàng Grameen, tiên phong trong hệ thống “cho vay vi mô” – cung cấp các khoản vay nhỏ, không cần thế chấp và lãi suất thấp cho những người không thể tiếp cận tín dụng để họ khởi nghiệp và thành công thoát khỏi đói nghèo.
Làn sóng biểu tình sinh viên nhanh chóng biến thành phong trào đòi bà Hasina từ chức Thủ tướng Bangladesh, ngày 5.8.2024. Ảnh Le Monde
Ông Yunus, người được mệnh danh là “ngân hàng của người nghèo” và Ngân hàng Grameen đã giành giải Nobel Hòa bình năm 2006. Nhưng mối quan hệ của ông với bà Hasina đã trở nên tồi tệ khi ông bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến chính trị vào năm 2007. Chính quyền của bà Hasina bắt đầu điều tra ông Yunus vào năm 2008, cáo buộc ông sử dụng vũ lực để thu hồi các khoản thanh toán từ những phụ nữ nghèo ở nông thôn – một cáo buộc mà ông đã phủ nhận.
Kể từ khi nhậm chức vào ngày 8/8, chính phủ lâm thời do ông Yunus dẫn dắt đã giám sát một cuộc cải tổ lãnh đạo nhanh chóng của các tổ chức quan trọng, bao gồm bổ nhiệm một chánh án mới và một thống đốc ngân hàng trung ương mới. Cải cách lực lượng cảnh sát cũng đã bắt đầu để khôi phục lòng tin của người dân vào lực lượng thực thi pháp luật.
Mặc dù được quân đội và quần chúng ủng hộ, nhưng ông Yunus và Nội các lâm thời không có nhiều thời gian. Điều đáng lo ngại là kịch bản ông Yunus phải từ chức trước khi kịp cải cách hệ thống chính trị đủ để phá vỡ vòng luẩn quẩn thù hằn – giữa Đảng AL của bà Hasina và Đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) của bà Khaleda Zia – vốn đã làm tổn thương nền chính trị Bangladesh kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1971.
Hiến pháp Bangladesh quy định, một cuộc bầu cử phải được tổ chức trong vòng 90 ngày. Nhưng các nhà quan sát ở Dhaka cho biết, ông Yunus cần nhiều thời gian hơn để bảo vệ ngành tư pháp, cảnh sát và hệ thống bầu cử khỏi sự thâu tóm chính trị mới.
Áp lực từ các chính đảng về tổ chức bầu cử sớm là một mối nguy hiểm khác. Hiện tại, họ đang tỏ ra kiềm chế. “Chúng tôi ủng hộ chính phủ lâm thời”, ông Mirza Fakhrul Islam Alamgir, Tổng thư ký Đảng BNP cho biết. “Chúng tôi muốn một cuộc bầu cử sớm nhất có thể, nhưng môi trường chính trị cần phải sẵn sàng cho điều đó”.
Các nhà lãnh đạo đảng khác cũng nói như vậy. Tuy nhiên, nếu họ cảm thấy có sự dao động trong chính phủ của ông Yunus, họ có thể thay đổi thái độ.
Ngoài ra, trên mặt trận kinh tế, sau nhiều năm “bỏ trứng vào một giỏ” – tập trung duy nhất vào xuất khẩu hàng dệt may và trang phục, vốn từng giúp tạo ra “phép màu kinh tế”, nhưng cũng khiến tác động của đại dịch và gián đoạn chuỗi cung ứng thêm thảm khốc đối với đất nước, giờ đây Bangladesh có nhiều việc phải làm để lấy lại động lực phát triển.
“Nền kinh tế đang gặp nhiều vấn đề. Có những vấn đề với ngành ngân hàng, lạm phát và nhiều vấn đề phức tạp khác. Nhiệm vụ trước mắt của chính phủ lâm thời Bangladesh là đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng để không bị đình trệ”, ông Salehuddin Ahmed, phụ trách Tài chính và Kế hoạch trong Nội các lâm thời của ông Yunus, cho biết.
Thách thức lớn thứ ba đối với ông Yunus là điều hướng bối cảnh địa chính trị phức tạp, với việc Bangladesh hiện là “chiến trường” địa chính trị giữa Trung Quốc, Ấn Độ và phương Tây.
Những diễn biến ở Bangladesh có tác động trực tiếp nhất đến nước láng giềng Ấn Độ, với việc chính quyền của bà Hasina từ lâu vẫn luôn ủng hộ việc cải thiện quan hệ giữa Dhaka và Delhi.
Là nước láng giềng lớn nhất, với 5 tiểu bang có chung đường biên giới dài 4.000 km với Bangladesh, Ấn Độ cũng lo ngại rằng bất kỳ cuộc khủng hoảng an ninh nào ở Bangladesh cũng đều ảnh hưởng đến họ.
Giờ đây, Ấn Độ, ngoài việc là nơi lưu trú tạm thời của cựu Thủ tướng Hasina, còn phải chịu áp lực từ việc bảo vệ khoảng 10.000 công dân Ấn Độ tại Bangladesh, cũng như nhóm thiểu số Hindu gồm 14 triệu người ở đó. Chỉ riêng trong tháng 7, hơn 4.500 người Ấn Độ đã từ Bangladesh về nước.
Có thể nói việc một chính phủ “thân Ấn Độ” sụp đổ là một “đòn giáng” đối với Delhi, khi phong trào biểu tình, bao gồm sinh viên, những người ủng hộ Đảng BNP đối lập và những người theo Hồi giáo, có khuynh hướng “chống Ấn Độ”.
Trong thời gian cầm quyền, bà Hasina ngoài việc cẩn thận vun đắp mối quan hệ với Ấn Độ và các đối tác khác, cũng hướng đến Trung Quốc để tìm kiếm sự hỗ trợ, đặc biệt là về tài chính.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Bangladesh, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, và là nguồn cung cấp công nghệ quân sự chính cho Dakha. Nguồn tài chính dồi dào mang lại một lợi thế đặc biệt cho Bắc Kinh trong bối cảnh Bangladesh đang sa lầy trong khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, “sự hào phóng” của Trung Quốc hiện nay có thể bị hạn chế bởi các vấn đề kinh tế của chính họ và sự thận trọng của họ đối với các khoản đầu tư liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) – chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ mang dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bắc Kinh đã thu hẹp BRI trong những năm gần đây để tập trung vào các dự án nhỏ hơn nhưng có chất lượng cao hơn.
Về phần mình, Đại sứ Trung Quốc tại Bangladesh Yao Wen cho biết chính phủ Trung Quốc hoan nghênh chính phủ tạm quyền của Bangladesh, và Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Dhaka. Nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bangladesh đang đứng trước “ngã ba đường” nhưng “người dân Bangladesh sẽ vượt qua được những thách thức”.
Cuộc khủng hoảng ở Bangladesh cũng đang gây rắc rối cho Mỹ và các chính phủ phương Tây khác. Không giống như Ấn Độ có quan hệ thân thiện với chính quyền vừa sụp đổ của bà Hasina, Mỹ muốn áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn.
Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một đơn vị cảnh sát tinh nhuệ dưới quyền bà Hasina vì cáo buộc vi phạm nhân quyền vào năm 2021, và đối với một cựu tham mưu trưởng quân đội vào năm 2024 vì cáo buộc tham nhũng.
Mặc dù vậy, Mỹ và các đồng minh vẫn có đòn bẩy đáng kể ở Bangladesh, một phần là vì quốc gia Nam Á đang trong quá trình đàm phán tìm kiếm 4,7 tỷ USD cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nơi Mỹ là cổ đông lớn nhất và do đó có quyền biểu quyết lớn nhất.
Những diễn biến ở Bangladesh cũng mang lại bài học cho các quốc gia khác ở Nam Á hay bất kỳ quốc gia nào với dân số đông và trẻ đang phải đối mặt với bất bình đẳng ngày càng tăng và thiếu cơ hội việc làm.