Bánh Trung thu gói trọn ký ức, giấc mơ và ân tình

Bánh Trung thu gói trọn ký ức, giấc mơ và ân tình

Thứ 4, 15/09/2021 | 06:48
0
Trung thu năm nay sẽ có nhiều đứa trẻ phải đón Tết ở những khu cách ly tập trung hay vùng phong tỏa nhưng hương vị tình thân, nghĩa đồng bào vẫn trọn vẹn, đong đầy…

Mùa thu và lễ hội Trăng tròn

Bước vào tháng 8 âm lịch hàng năm, đi đâu chúng ta cũng thấy nhộn nhịp những quầy hàng bày bán bánh Trung thu. Không hiểu sao, dù đã có tên gọi riêng là bánh nướng, bánh dẻo nhưng người ta vẫn cứ gọi chúng là bánh Trung thu. Và Tết Trung thu thì bên cạnh những trái cây quen thuộc của mùa thu như trái bưởi vàng tươi, trái hồng mọng đỏ, trái thị thơm lừng, mâm cỗ trung thu dù đủ loại hoa quả, bánh trái vẫn chẳng thể nào thiếu được hình ảnh của những chiếc bánh trung thu hình trăng. Chẳng biết chính xác bánh Trung thu có từ bao giờ nhưng cứ mỗi dịp tết Trung thu (15/8 âm lịch), dù bận rộn đến mấy, ta cũng không quên mua cặp bánh nướng, bánh dẻo để biếu ông bà, cha mẹ, trước để thắp hương tổ tiên, sau để cho lũ trẻ bày mâm phá cỗ. 

Ở Việt Nam cũng như một số các quốc gia châu Á khác, Tết Trung thu (15/8) là một trong những cái Tết quan trọng trong năm cùng với Tết Nguyên Đán, Tết Hàn thực (3/3), Tết Đoan Ngọ (5/5).  Theo các nhà nghiên cứu thì người Việt đã có lễ hội Trăng tròn mùa thu từ thời cổ đại, được khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Trung thu chính là thời gian nhà nông vừa hoàn thành việc thu hoạch vụ mùa nên tổ chức vui chơi, ăn mừng và cầu nguyện cho mùa sau mưa gió thuận hoà, mùa màng bội thu, quốc thái dân an.

Bĩnh tĩnh sống - Bánh Trung thu gói trọn ký ức, giấc mơ và ân tình

Những chiếc bánh tròn trịa, xinh xắn được làm từ bột mì, bột nếp, đường kính và các loại nhân mặn ngọt luôn là biểu tượng cho sự đoàn viên và hòa thuận của gia đình. Ảnh minh họa từ internet

Các sự tích về Tết Trung thu của người Việt thường gắn với hình ảnh chị Hằng, chú Cuội cùng các trò chơi dân gian như múa lân, rước đèn, trông trăng, phá cỗ và bánh Trung thu thì không thể thiếu. Theo như Phan Kế Bính viết trong sách Việt Nam phong tục: "Dân ta thế kỷ XIX, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng...". Như vậy có thể thấy những chiếc bánh trung thu hình mặt trăng luôn linh hồn của những dịp Tết Trung thu. 

Tại sao bánh Trung thu lại có thường có hình mặt trăng?

Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc: Tại sao những chiếc bánh Trung thu thường có hình mặt trăng? Ngày nay, bánh Trung thu vô cùng đa dạng cả về hình dáng cũng như hương vị. Ngoài hương vị truyền thống với nhân thập cẩm, đậu xanh, hạt sen, mứt bí, mè rang thì các loại bánh nướng và bánh dẻo còn biến tấu với đủ các loại nhân khác nhau như: trà xanh, đậu đỏ, trứng muối, bào ngư sốt vang, gà quay vi cá… mang đến nhiều lựa chọn cho người sử dụng dù khó tính nhất cũng phải tìm được vị bánh ưng ý.

Bánh Trung thu cũng không chỉ có hình tròn mà còn cả hình vuông, hình con cá và nhiều hình dáng ngộ nghĩnh khác. Tuy vậy hình như những chiếc bánh trung thu vẫn được người ta yêu thích nhất với hình mặt trăng. Những chiếc bánh tròn trịa, xinh xắn được làm từ bột mì, bột nếp, đường kính và các loại nhân mặn ngọt luôn là biểu tượng cho sự đoàn viên và hòa thuận của gia đình. Phải chăng hình tròn cũng chính là sự trọn vẹn, tròn đầy và mặt trăng cũng là hình ảnh tượng trưng cho hạnh phúc viên mãn nên những chiếc bánh trung thu hình mặt trăng sẽ chẳng thể nào thiếu được trong ngày Tết đoàn viên gia đình với những ước mong về may mắn, bình yên và hạnh phúc cho những người thân yêu.

Những chiếc bánh trung thu hình tròn cũng giúp cho việc cắt những miếng bánh được đều hơn khi chia cho các thành viên trong gia đình. Theo quan niệm của cha ông thì miếng bánh cắt càng đều, gia đình càng hòa thuận, hạnh phúc.

Thời điểm thưởng thức bánh ngon nhất

Tất nhiên là bánh Trung thu người ta sẽ ăn vào dịp Tết Trung thu rồi. Điều tôi muốn nói ở đây là thời điểm để bánh Trung thu ăn ngon nhất từ sau khi ra lò. Chắc có nhiều người nghĩ cứ ăn bánh ngay khi còn nóng là ngon nhất. Đúng, có rất nhiều đồ ăn cũng như bánh trái sẽ rất ngon khi vừa nấu chín hay ra lò nhưng với bánh Trung thu thì lại không phải như vậy.

Tại sao chúng ta thấy các cơ sở sản xuất như làm bánh từ trước Tết Trung thu cả tháng? Không phải là không có lý do của nó. Bạn biết đấy, bánh nướng như cái tên gọi của nó sẽ phải trải qua công đoạn nướng trong lò. Vỏ của bánh thường được làm từ bột mì, men nở trộn với trứng gà và dầu ăn cùng phần nhân bánh bên trong nên khi vừa ra lò những chiếc bánh nướng có thể rất thơm nhưng chưa ngon. Nhiệt độ cao của lò nướng sẽ khiến vỏ bánh bị khô, màu sắc cũng chưa đẹp mắt. Sau khoảng thời gian từ một tuần đến 10 ngày, chất dầu cùng các nguyên liệu của nhân bánh sẽ ngấm đều và tứa ra khiến lớp vỏ bánh mềm mịn như một lớp lụa mỏng, màu sắc cũng trở nên hấp dẫn hơn. Cắt chiếc bánh trên ta sẽ cảm thấy hơi có chút dầu làm bóng tay hoặc thấm ra tờ giấy bọc. Ăn bánh lúc này là ngon nhất.

Với bánh dẻo, loại bánh mà vỏ bánh được làm từ bột nếp trộn với nước đường ướp hương hoa bười thì lại ngon nhất sau khoảng một tuần ra khuôn. Bánh dẻo khi mới làm vỏ bánh thường nhão, chưa có độ cứng cáp nên khi cắt hoặc ăn bánh chúng ta thường cảm thấy dính ở tay, ở miệng. Sau 5 đến 7 ngày, bánh sẽ khô hơn, kết cấu vỏ bánh săn chắc hơn, bột của lớp vỏ cũng trong hơn, cắt miếng bánh không còn dính. Đây chính là thời điểm bạn nên thưởng thức bánh.

Với các loại bánh Trung thu được làm thủ công, không sử dụng chất bảo quản thì thời hạn sử dụng cũng ngắn hơn, vì thế hãy lưu ý ngày sản xuất của bánh để không bị quá hạn và chọn cho mình thời điểm bánh ăn ngon nhất.

Dưới ánh trăng rằm sáng tỏ, cả gia đình quây quần bên nhau, cầm miếng bánh cắn nhẹ để cảm nhận các vị mặn, ngọt của bánh đang tan từ từ trên đầu lưỡi và thấm vào vị giác rồi truyền đi khắp các giác quan trên cơ thể. Nhấp thêm ngụm trà chan chát nếu bạn cũng là một tín đồ của trà, ta sẽ thấy sự hòa quyện vô cùng ngọt ngào cái hương vị của tình thân trong ngày Tết đoàn viên. Tết Trung thu sẽ hoàn hảo hơn nếu nhà bạn có thêm chậu hoa quỳnh hay khóm nhài vừa nở tỏa hương dìu dịu. Tôi cam đoan, trong khung cảnh ấy bạn sẽ quên hết mọi muộn phiền, chán nản hay bế tắc, tuyệt vọng của cuộc sống ngoài kia.

Ký ức của ngày xưa và ngày nay

Ngày xưa, (tôi cứ tạm gọi thế) trong ký ức của những thế hệ gen X, Tết Trung thu là cả một niềm mong đợi và bánh trung thu còn là món quà xa xỉ với nhiều đứa trẻ. Cứ sau mỗi đợt nghỉ hè là hình như bọn trẻ chỉ háo hức trông đợi Tết Trung thu. Vì Trung thu sẽ được đi rước đèn, sẽ được xem múa lân, sẽ được ăn các loại hoa quả, bánh trái nhất là được ăn bánh Trung thu (cái thời mà còn chưa nhiều các loại bánh ngọt và cũng chưa nhiều người sợ béo phì và tiểu đưởng như bây giờ). Những ai thuộc thế hệ ấy chắc chắn là trong ký ức vẫn lưu giữ một miền tuổi thơ với những Tết trung thu như vậy.

Ngày nay khi cuộc sống đã đủ đầy, cái ăn, cái mặc không còn là nỗi lo cơm áo ghì bao người sát đất như ngày trước, bánh Trung thu cũng ít được mọi người và những đứa trẻ thích hơn. Phần vì giờ có quá nhiều loại bánh ngon, phần vì giờ muốn ăn bánh Trung thu lúc nào cũng có, phần vì người ta lại thấy bánh quá ngọt so với khẩu vị của con người thời hiện đại…Thế nên cũng chẳng còn mấy người háo hức đợi Trung thu để ăn bánh Trung thu. Dù mỗi dịp Trung thu các quầy bánh Trung thu vẫn mọc lên khắp các phố phường, siêu thị với những sắc màu, mẫu mã kích thích thị giác và những nhân viên bán hàng chào mời tha thiết. Với nhiều người hiện đại, Tết Trung thu giờ chỉ như một ngày bình thường như bao ngày bình thường khác. Có chăng người ta ghé mua hộp bánh về để thắp hương rằm vừa nhanh tiện, hay mua làm quà biếu cho ông bà, bố mẹ, bạn bè vì giá cả cũng phải chăng mà hình thức cũng đẹp và lịch sự chẳng thua kém bất cứ một loại bánh nhập ngoại thượng hạng nào.

Tuy nhiên, cũng chẳng vì thế mà người ta không còn quan tâm đến bánh Trung thu. Ở Hà Nội vẫn có nhiều cửa hàng bánh Trung thu cổ vẫn giữ được tên tuổi và uy tín cho chất lượng những chiếc bánh Trung thu mỗi dịp rằm tháng 8. Như tiệm bánh Trung thu gia truyền Bảo Phương ở phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Tiệm bánh đã tồn tại hơn 60 năm nay và được xem là một trong những tiệm bánh cổ truyền, lâu đời nhất của Hà thành. Trải qua nhiều thập kỷ, bánh Trung thu Bảo Phương vẫn được cho là hãng bánh còn giữ được "hương vị cổ xưa" của những chiếc bánh Trung thu Hà Nội. Hình ảnh những đoàn người xếp hàng dài trước cửa tiệm bánh để mua bằng được những chiếc bánh Trung thu của Bảo Phương ngoài sự tò mò muốn chứng kiến các công đoạn của quá trình làm ra những chiếc bánh còn có cả sự hiếu kỳ muốn kiểm chứng vị ngon của bánh có đúng như đồn đại.

Bánh Trung thu Bảo Ngọc cũng là một thương hiệu khác quen thuộc, gần gũi của người dân Hà Nội thập niên 80 của thế kỷ trước. Những chiếc bánh mang hương vị rất riêng không lẫn vào đâu được với lớp vỏ bánh giòn, dẻo, nhân bánh đậm vị mà rất thanh khiến người ta ăn nhiều cũng không thấy ngấy cùng hình ảnh những chuỗi cửa hàng Bảo Ngọc đông kín người chờ mua bánh chắc vẫn là một ký ức đẹp, đáng nhớ của nhiều người Hà Nội.

Gần đây hơn, để phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng, nhiều hãng bánh trung thu mới ra đời trên cả nước cũng nhanh chóng khẳng định được tên tuổi trên thị trường như Kinh Đô, Long Đình hay Maison Mooncake, Hilton Hanoi Opera với những chiếc bánh trung thu được làm thủ công đầy tỉ mỉ từ nguyên liệu được chọn lựa kỹ lưỡng mang những nét tinh tế trong văn hóa ẩm thực của nhiều quốc gia trên thế giới để tạo ra nét sang trọng và ấn tượng khó quên cho món quà biếu dịp Trung thu.

Con đường khởi nghiệp của giới trẻ

Tại sao không chứ, cứ tưởng bánh trung thu đã cũ như mặt trăng, vậy mà vẫn có những người trẻ đang rất đang hào hứng với nó. Những bạn trẻ yêu thích công việc làm bánh và làm giàu vẫn luôn khao khát có thể mở một quán trà và làm đủ các loại bánh chắc chắn sẽ là một ý tưởng không tồi. Câu chuyện của cô gái trẻ Thùy Dương với quyết định bỏ công việc ổn định ở ngân hàng để về mở một tiệm bánh với số vốn ít ỏi 20 triệu đồng giữa mùa Covid chẳng phải là một gợi ý hay ho cho những nhiều bạn trẻ đang không biết làm gì để kiếm tiền lúc này đó sao. Những chiếc bánh Trung thu của Dương được làm thủ công với mặt bánh họa những bức tranh dân gian, tranh Đông Hồ sống động đã gây bão trong cộng đồng mạng những ngày gần đây, khiến cho rất nhiều người thích thú. Số lượng bánh được đặt và bán ra cùng mức thu nhập hàng trăm triệu một tháng trong giai đoạn cả xã hội đang khó khăn vì dịch bệnh như thời điểm này quả là giấc mơ cho nhiều người trẻ. Tuổi trẻ, chúng ta có quyền cho mình nhiều lựa chọn. Vấn đề chỉ là bạn có đủ ý chí và sự kiên trì cho sự lựa chọn của mình không mà thôi. Việc làm ra những chiếc bánh trung thu vừa đẹp vừa ngon như Thùy Dương cũng sẽ khiến cho bạn cảm thấy thanh xuân của mình thêm thêm ngọt ngào và ý nghĩa hơn.

Trung thu mùa Covid

Trung thu năm nay đang đến gần, tiết trời mùa thu đã bắt đầu làm khô se da dẻ, những cơn gió thu đã lành lạnh mỗi sớm mai hay mỗi đêm khi mở cửa. Cái cảm giác khiến người ta thấy mình hồn mình cô đơn, trống trải và càng khao khát sự ấm áp của tình thân. Trung thu năm nay sẽ có nhiều đứa trẻ phải đón Tết ở những khu cách ly tập trung hay những vùng phong tỏa. Cũng sẽ có nhiều người không được về đoàn viên bên gia đình để ăn bánh trung thu. Phố Hàng Mã hay các con phố bán đồ chơi cũng sẽ không còn cảnh nhộn nhịp, tấp nập như những Trung thu trước. Những tiệm bánh Trung thu nổi tiếng cũng vắng hình ảnh những đoàn người xếp hàng dài mấy dãy phố để mua bánh.

Nhưng chắc chắn không vì vậy mà chúng ta quên ngày Tết Trung thu và những chiếc bánh truyền thống. Chương trình Trung thu cho em 2021 vừa được Trung tâm Công tác Xã hội Thanh thiếu niên Việt Nam phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Ban Dân vận thành ủy Tp. Hồ Chí Minh cùng sự đồng hành của Câu lạc bộ Công tác Xã hội chuyến xe yêu thương và các doanh nghiệp, cá nhân sẽ tiến hành trao trực tiếp 5.000 phần quà Trung thu cho các em bị nhiễm Covid-19 đang được điều trị tại các bệnh viện; các em có cha hoặc mẹ là bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang được điều trị; các em bị mất cha hoặc mẹ vì Covid-19; các em đang phải tạm xa cha mẹ do Covid-19 trong dịp Trung thu năm 2021. Đó sẽ là những món quà trung thu ngọt ngào nhất của hương vị tình thân và tình nghĩa đồng bào của Trung thu năm nay. 

Thanh Hương

* Bài viết của độc giả gửi cho Người Đưa Tin.
Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được những bài viết, chia sẻ của quý bạn đọc qua hộp thư điện tử: toasoan@nguoiduatin.vn

 

 

 

 

 

Tết Trung thu bắt nguồn từ đâu?

Thứ 2, 30/08/2021 | 08:09
Đúng như tên gọi, Tết Trung thu rơi vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm, vào giữa mùa thu. Tuy nhiên nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết này không phải ai cũng biết.

Món ăn đặc trưng vào mùa thu ở các nước trên thế giới

Thứ 2, 30/08/2021 | 11:18
Ở Việt Nam, mùa thu gắn liền với bánh Trung thu, chả cốm, xôi cốm, chả rươi… Vậy, ở các nước khác nhắc tới mùa thu là nhắc tới những món ngon nào?
Cùng chuyên mục

Nữ sinh có điểm thi tốt nghiệp cao nhất tỉnh ngậm ngùi tính nghỉ học

Thứ 2, 31/07/2023 | 08:39
Có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất tỉnh Quảng Bình nhưng vì hoàn cảnh gia đình, Ngọc đành ngậm ngùi tính chuyện nghỉ học... đi xuất khẩu lao động.

Nam sinh mắc bệnh hiểm nghèo giành học bổng Đại học Anh quốc Việt Nam

Thứ 3, 09/05/2023 | 09:00
Mặc dù mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh, hàng tháng phải đi viện truyền máu nhưng Nhật vẫn giành được học bổng “Trái tim sư tử” của Đại học Anh quốc Việt Nam.

Chuyện về những chuyến "xe 0 đồng" dành cho bệnh nhân nghèo

Thứ 2, 27/03/2023 | 14:35
Những chuyến "xe 0 đồng" đầy nghĩa tình đã trở thành điểm tựa tinh thần cho bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

“Chưa bao giờ là muộn để học tiếng Anh với người theo nghề y!”

Thứ 2, 27/02/2023 | 08:06
Đó là chia sẻ về tầm quan trọng của tiếng Anh với nghề y của chàng bác sĩ trẻ có trình độ IELTS 8.0 ở Huế.

Chuyện về người “cha” 18 năm chôn cất hơn 1000 thai nhi xấu số

Chủ nhật, 26/02/2023 | 15:00
18 năm qua, ông Trọng cùng nhóm của mình lặng lẽ đến từng phòng khám, bệnh viện, cơ sở nạo phá thai,… để đưa thai nhi xấu số về chôn cất.