img

Báo động tình trạng tài xế đi lùi, chạy ngược chiều trên cao tốc: Mức xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe?

Nguyễn Lâm

Mặc dù đã có không ít những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do hành vi lùi xe, đi ngược chiều trên cao tốc, thế nhưng trong gần đây tình trạng này lại đang có xu hướng gia tăng. Phải chăng mức xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên các tài xế coi thường pháp luật và sẵn sàng vi phạm?

Tâm lý của những lái xe mới, ít kinh nghiệm

Mới đây nhất là trường hợp một chiếc xe 4 chỗ ngang nhiên chạy ngược chiều trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên xảy ra vào ngày 15/5 khiến dư luận bức xúc. Ngay trong sáng 18/5, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện chiếc ô tô chạy lùi trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để ra nút rao Quốc lộ 10 gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.

Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin Pháp luật, về vấn đề này, anh Bùi Văn Tuân - Lái xe hợp đồng tại Thái Bình - chia sẻ: Khi đi trên đường cao tốc, lái xe thường di chuyển với tốc độ cao nên khi phát hiện trường hợp xe khác đi lùi sẽ rất khó xử lý. Nhất là những lái xe mới, còn ít kinh nghiệm rất có thể bị giật mình, mất bình tĩnh dẫn đến những sự việc đáng tiếc xảy ra.

“Tâm lý chung của các lái xe là lựa chọn tuyến đường nhanh nhất, ngắn nhất để tiết kiệm thời gian, nhiên liệu. Đặc thù của đường cao tốc là điểm quay đầu sẽ cách nhau khó xa, nên khi ô tô không may đi quá nút giao, điểm quay đầu trên đường cao tốc thì một số tài xế sẽ lựa chọn đi lùi hoặc đi ngược chiều tới điểm cần đến” - Anh Tuân lý giải.

img

Anh Bùi Văn Tuân (Tài xế lái xe hợp đồng ở Thái Bình).

Còn anh Nguyễn Văn Khoa (Hưng Yên) cho rằng: Mức xử phạt hiện nay còn quá nhẹ so với các quốc gia khác trên thế giới. Việc tài xế biết sai nhưng vẫn cố tình vi phạm là cực kỳ nguy hiểm. Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét tăng mức xử phạt hay thậm chí là phạt tù đối với những trường hợp này.

Bàn luận với phóng viên Người Đưa Tin Pháp luật về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều lái xe đi lùi, đi ngược chiều, dừng đỗ không đúng quy định trên cao tốc, ông Trịnh Quang Mộng - Phó Trưởng phòng Quản lý Vận hành (Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) - cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do y thức tham gia giao thông của một bộ phận lái xe hiện nay còn kém, thiếu trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh khi tham gia giao thông.

Ông Mộng chia sẻ: “Cá nhân tôi cho rằng có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tài xế vi phạm quy định trên đường cao tốc. Thứ nhất, các tài xế vi phạm chủ yếu là người mới lái xe, mới có bằng, kinh nghiệm còn non nên thường đi quá nút giao. Bởi nếu có kinh nghiệm thì lái xe có thể biết, hoặc tìm hiểu về lộ trình di chuyển để chủ động khi lái xe. Nguyên nhân thứ hai là do tâm lý chủ quan của tài xế khi cho rằng hành vi của mình không bị phát hiện do hệ thống camera giám sát trên đường cao tốc hiện nay ở nước ta còn chưa được đảm bảo”.

Trái lại, ông Lương Duyên Thống -Vụ trưởng vụ Quản lý Phương tiện và người lái (tổng cục Đường bộ Việt Nam) - cho rằng càng lái xe lâu năm thì càng dễ mắc vì phạm. Bởi theo ông Thống, là người mới, kỹ năng lái xe còn yếu thì họ lại càng cẩn thận, chỉ có những người lâi lâu năm có ý thức kém mới cố tình vì phạm các lỗi trên.

Nhẹ như thế, bị phạt cũng chẳng sợ

Bàn luận với phóng viên Người Đưa Tin Pháp luật về nguyên nhân dẫn đễn tình trạng nhiều tài xế đi lùi, đi ngược chiều, dừng đỗ không đúng quy định trên cao tốc, PGS. TS Phạm Ngọc Trung - Chuyên gia văn hoá giao thông - cho rằng: Xét một cách tổng thể, hệ thống đường cao tốc của nước ta đã đáp ứng được nhu cầu của người tham gia giao thông với hệ thống lối ra/vào, quay đầu đầy đủ. Do đó, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do yếu tố chủ quan của người tham gia giao thông.

Những trường hợp này chỉ quan tâm đến lợi ích của cá nhân mà không chú ý đến sự an toàn tính mạng, tài sản của những người tham gia giao thông khác, có thể họ chưa nắm được luật Giao thông đường bộ hay dựa có mối “quan hệ” với lực lượng chức năng nên bất chấp tất cả để vi phạm.

“Một nguyên nhân khác là chế tài xử lý ở nước ta còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe với người dân. Thay vì tước bằng vài tháng hay phạt tiền cao nhất chỉ là 17 triệu đồng thì chúng ta nên tước bằng lái của tài xế vài năm, phạt tiền vài trăm triệu đồng. Chỉ có xử lý nghiêm như vậy mới giải quyết dứt điểm được tình trạng vi phạm như hiện nay” - PGS.TS Phạm Ngọc Trung nói.

img

PGS.TS Phạm Ngọc Trung – Chuyên gia văn hoá giao thông.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cũng nhận định, tình trạng ô tô vi phạm quy định trên đường cao tốc như đi lùi, đi ngược chiều …đang ở mức báo động. Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bên cạnh vấn đề ý thức của người lái xe thì mức xử phạt cũng là một điều đáng lưu ý. Cùng một lỗi vì phạm, thế nhưng mức xử phạt ở nước ta còn thấp, trong khi các quốc gia khác xử phạt rất nặng. Vì thế, tôi cho rằng cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý thật nặng đối với những truờng hợp vi phạm”.

Cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn luật Giao thông

Thượng tá Ngô Văn Phục - Phó Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh Bắc Giang) cho rẵng: Mức xử phạt hiện nay đối với những lỗi vi phạm trên đã rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, cũng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm luật khi tham gia giao thông, kiểm tra hoàn thiện lại hệ thống biển báo đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó phải xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm. Bởi hành vi đi lùi là rất nguy hiểm, không những nguy hiểm cho bản thân lái xê mà còn nguy hiểm đến tính mạng những người khác.

N.L

img