img

Bảo hiểm xe máy bắt buộc: Tiền bồi thường ở… nơi xa lắm

Thanh Lam - Thu Huyền

TNhững ngày qua, dư luận tranh cãi gay gắt chuyện bảo hiểm xe máy, bởi nhiều người cho rằng gần như không bao giờ dùng đến. Trong khi đó, cảnh sát giao thông nhiều tỉnh thành đã ra quân xử phạt người đi xe máy không có bảo hiểm xe… Vậy, bảo hiểm xe máy bắt buộc có cần thiết và ai là người được hưởng lợi từ loại bảo hiểm thương mại này?

Có bảo hiểm cho… đủ thủ tục

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, anh Đinh Nhật Hoàng (người dân sinh sống tại Hà Nội) cho biết bản thân anh có mua bảo hiểm xe máy, là loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe có thời hạn 1 năm. Tuy nhiên, anh ít khi sử dụng đến, thậm chí đến khi hết hạn cũng quên mua lại.

“Mục đích chính khi tôi mua bảo hiểm xe, là để chấp hành đúng quy định của luật giao thông. Còn vấn đề mức độ bồi thường khi xảy ra va chạm tôi không để ý, thậm chí không quan tâm. Chỉ sử dụng như kiểu chống chế, cho đủ bộ giấy tờ”, anh Hoàng cho hay.

img

Bảo hiểm xe máy bắt buộc đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Theo cá nhân anh Hoàng, bảo hiểm xe cần thiết nhưng mức độ bồi thường ra sao khi xảy ra va chạm thì cần phải có hướng dẫn cụ thể. Như vậy, bảo hiểm mới đi vào thực tiễn của đời sống, tránh tình trạng như hiện nay chỉ mang tính đối phó.

Tương tự, anh Hoàng Anh (Hà Nội) làm công việc giao hàng, thường xuyên phải di chuyển trên đường. Tuy nhiên, bản thân anh lại ít khi quan tâm đến bảo hiểm xe máy.

“Thời gian gần đây, tôi thấy mọi người xôn xao đi mua bảo hiểm xe, tôi trước đó cũng không mua bảo hiểm xe vì nghĩ rằng nó không thật sự cần thiết. Theo tôi thấy, thường những vụ va chạm xảy ra, có bảo hiểm xe cũng khó đòi được bồi thường. Vì thế, tôi vẫn giữ quan điểm không mua bảo hiểm xe. Thiết nghĩ, bảo hiểm xe không cần thiết phải bắt buộc vì thủ tục để nhận được bồi thường khi gặp tai nạn, va chạm ra sao tôi không nắm được”, anh Hoàng Anh chia sẻ.

Ai được hưởng lợi từ bảo hiểm xe máy?

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, bảo hiểm toàn diện xe máy gồm các loại sau: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe máy; bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe; bảo hiểm cháy nổ cho xe máy.

img

PGS.TS Ngô Trí Long chia sẻ quan điểm.

Trong đó, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy là loại bảo hiểm bắt buộc mà chủ sở hữu xe máy nào cũng cần phải mua theo quy định.

Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải mua bảo hiểm xe máy bắt buộc, trao đổi với PV PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường giá cả (bộ Tài chính) cho rằng: “Bảo hiểm là điều không ai mong muốn nhận được, nhưng khi xảy ra va chạm, tai nạn thì người bị nạn có thể được hỗ trợ. Tuy nhiên, bảo hiểm xe máy nếu có bồi thường thì rất ít thậm chí không được bồi thường. Làm như vậy chỉ mang tính hình thức”.

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, bảo hiểm xe theo quy định là bắt buộc, nhưng thực chất lại không có nhiều tác dụng. Nhìn nhận dưới góc độ kinh tế về việc ai sẽ là người được hưởng lợi, ông Long cho hay: “Như phân tích ở trên thì người dân hầu như được hưởng lợi rất ít, vậy thì món lợi chủ yếu thuộc về các công ty bảo hiểm”.

Thực tế, người dân mua để chấp hành quy định đây là điều quan trọng, nhưng khi xảy ra va chạm thì lại khó thực thi, hầu như không ai được thụ hưởng từ bảo hiểm này.

“Chúng ta hướng đến điều có lợi nhất cho người dân, tuy nhiên bảo hiểm xe như đã nêu ở trên thì người dân dường như không có lợi, lợi nhất ở đây là công ty bảo hiểm. Theo tôi, cơ quan quản lý nên nghiên cứu bỏ quy định về bảo hiểm xe máy bắt buộc”, ông Long cho biết thêm.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, việc bồi thường từ bảo hiểm xe máy chả khác gì “chờ được vạ thì má đã sưng”. Vậy, khi gặp những sự cố ngoài ý muốn, người dân làm cách nào để được bảo hiểm đền bù?

Nhìn nhận vấn đề trên dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, về bản chất pháp lý thì bảo hiểm xe máy bắt buộc thuộc loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ 3 (bên bị gây tai nạn). Loại này khác các bảo hiểm khác ở chỗ người được hưởng lợi là người mua bảo hiểm hoặc người thân của người mua bảo hiểm khi có tai nạn, rủi ro.

Theo luật sư Cường, Bộ luật Dân sự 2015 quy định người gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải bồi thường. Nhưng trong trường hợp người gây tai nạn có hoàn cảnh khó khăn, trong khi thiệt hại gây ra rất lớn, thì bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc sẽ đảm bảo quyền lợi cho nạn nhân.

Theo đó, khi bị tai nạn, người bị thiệt thòi nhất là nạn nhân. Người này sẽ được bảo hiểm chi trả một khoản tiền mà không phụ thuộc vào khả năng của chủ phương tiện.

Tuy nhiên, luật sư Cường cũng lưu ý một số tình huống bảo hiểm không bồi thường như: Gây tai nạn cố tình bỏ chạy, tài xế không có bằng lái, thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn...

Người dân có quyền khởi kiện

“Khi phát sinh những việc liên quan đến vấn đề hưởng tiền bồi thường thì người dân cứ chủ động, liên hệ với đơn vị bán bảo hiểm để làm các khâu liên quan đến việc giải quyết khoản tiền bồi thường. Trong trường hợp, kể cả các khâu giải quyết tiền bồi thường này mà cả 2 bên không tìm được tiếng nói chung thì người dân mua bảo hiểm có quyền khởi kiện đơn vị bán bảo hiểm ra cơ quan toà án, để toà án đưa ra một bản án giải quyết cho quyền lợi của mình”, luật sư Cường cho hay.

T.L-T.H

img