Bạo lực học đường hóa… ung thư, ngành giáo dục có còn thuốc chữa?”

“3 ngày một trận nhẹ, 5 ngày một trận nặng”, không rõ học thói ở đâu, các cháu học sinh cứ “đè nhau ra” đánh hội đồng, lột đồ... như du côn. Không rõ từ khi nào, bạo lực học đường đã hóa thành khối ung thư di căn, để cả xã hội miết mải đi tìm thuốc giải.

img

Bức tranh học đường có vẻ ngày càng méo mó và đen đúa... Khi mà, bên cạnh rất nhiều những vấn đề nóng đến bỏng tay như thầy giáo dâm ô học sinh, sửa điểm thi THPT quốc gia thì bạo lực học đường nay cũng trở thành một vấn nạn mà ngành giáo dục dường như vẫn chưa có biện pháp nào “hóa giải” thành công.

Cũng phải thôi, mỗi vụ bạo lực học đường vỡ lở ra, truyền thông, báo chí, mạng xã hội đăng tải ầm ầm cũng là lúc ngành giáo dục, từ trên xuống dưới, từ lớn đến nhỏ xoắn xuýt “lao vào” giải quyết. Việc đầu tiên của họ là gì?

Cấp trường sẽ triệu tập người liên quan, yêu cầu viết tường trình, báo cáo lên cấp huyện, tỉnh hoặc thành phố. Cấp Bộ, Sở sẽ ra văn bản, yêu cầu làm rõ và tùy diễn biến sự việc để tiếp tục chỉ đạo các bước tiếp theo.

Không sai! Thậm chí các đơn vị chức năng của ngành đều rất... đúng quy trình. Đáng nói, vụ nào cũng như vụ nào, đều “rập” một cái khuôn xử lý gần y chang nhau.

Ví dụ gần đây nhất, hôm trước nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị 5 bạn cùng học đánh hội đồng ngay tại lớp học, bị lột quần áo dưới sự chứng kiến của biết bao học sinh. Ấy vậy mà, chỉ ngay hôm sau đó, tại Nghệ An, thêm 4 nữ sinh không “kiềm chế” nổi cảm xúc, tiếp tục đánh 1 nữ sinh vì tội... đặt điều.

Nhưng sau tất cả... cấp nào cũng sẽ thành lập một cái gọi là hội đồng kỷ luật thật… to, để chốt hạ mọi vấn đề và kết thúc vụ việc.

Kỷ luật! Tốt thôi. Có điều, tôi e rằng, giống như bao vụ bạo lực học đường đã xảy ra, “khối ung thư” bị cắt bỏ phần này sẽ di căn sang phần khác, thậm chí còn tăng tần suất, kéo dài và ngày càng nghiêm trọng hơn.

Phải chăng, kỷ luật không phải thuốc chữa dứt điểm căn bệnh này?

Căn nguyên, gốc rễ vấn đề của bạo lực học đường là gì? Là giáo dục nhân cách con người! Tôi biết, đây không phải là câu chuyện của riêng ai. Nhưng nhà trường – nơi mỗi đứa trẻ sống trong quãng thời gian hình thành, định hình nhân cách sẽ phải mang trong mình trọng trách lớn nhất. Bởi thế:

Trường, đừng nặng thành tích, đừng chỉ "đâm đầu" vào lo kiến thức cho các con, để các con thi huyện, tỉnh, quốc gia, thi đại học đạt thành tích cao, giúp nhà trường “nở mày nở mặt”.

Trường, đừng vì thành tích, sợ những điều xấu trong trường bung bét mà tìm mọi cách bao che.

Nếu sợ, hãy sợ các em học sinh không có đạo đức, không trưởng thành, không thích nghi được với xã hội. Vì kiến thức cần, nhưng đạo đức, nhân cách cần không kém.

Tôi vẫn nhớ Bác Hồ từng nói, có đức mà không có tài, làm gì cũng vô dụng. Có tài mà không có đức thì làm việc gì cũng khó...

Nếu có đạo đức, tôi tin rằng, không chỉ là bạo lực học đường mà còn nhiều vấn đề khác của ngành giáo dục cũng sẽ được giải quyết triệt để. Còn việc giáo dục đạo đức, nhân cách như thế nào, xin nhường lại cho ngành giáo dục…

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

img