Trong thời điểm kinh tế hiện nay, con số đó khiến không ít người phải giật mình, người ta quan tâm nhiều hơn đến thực trạng của các bảo tàng đang được sử dụng và giá trị hiệu quả của chúng. Trao đổi với PV Người đưa tin về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra những nhận định vô cùng thú vị.
Bảo tàng Dân tộc học tuy đầu tư ít nhưng rất thu hút khách tham quan
Quy mô của bảo tàng tỷ lệ nghịch với thu hút khách tham quan
Ông đánh giá thế nào về thực trạng các bảo tàng hiện nay ở Việt Nam?
Có thể nói, ở Việt Nam bảo tàng vừa thiếu lại vừa thừa. Những bảo tàng hiện có không được khai thác sử dụng một cách triệt để. Nhiều bảo tàng được xây xong rồi lại không được đưa vào sử dụng. Ví dụ như bảo tàng Hà Nội, khánh thành từ năm 2010 mà đến nay vẫn đang thiết kế trưng bày. Đây là điều rất dở. Đáng lẽ việc thiết kế trưng bày phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng từ trước thì lại để đến lúc xây xong bảo tàng mới thực hiện. Một cổ vật mà không được trưng bày đúng cách thì sẽ trở thành một cái bát xấu xí không hơn không kém. Điều quan trọng của bảo tàng là tôn lên giá trị của cổ vật nhưng điều đó lại không được ưu tiên. Đó cũng là vấn đề tôi e ngại, không biết bảo tàng sắp xây dựng có đi theo vết xe đổ đó không.
Xin ông cho biết lý do về thực tế đáng buồn này?
Thực ra ở đây tồn tại một vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đề cập đến. Người ta thích xây dựng cơ bản hơn quản lý. Vì xây dựng cơ bản có thể cắt xén được còn quản lý thì không. Chính vì thế, người ta "say sưa" vấn đề xây dựng cơ bản nhưng mà không "đếm xỉa" gì đến vấn đề quản lý.
Nghĩa là không phải cứ đầu tư nhiều tiền là có thể thu hút khách tham quan?
Đúng. Tôi lấy ví dụ Bảo tàng Dân tộc học, tuy tầm quan trọng không bằng nhiều bảo tàng khác và vốn đầu tư cũng thuộc dạng ít nhưng họ lại khai thác rất tốt, sử dụng rất có hiệu quả, tạo được tiếng vang ở trong và ngoài nước. Như vậy, quy mô của bảo tàng không tỉ lệ thuận với việc thu hút được khách tham quan.
Vậy việc xây dựng một bảo tàng mới có cần thiết không, thưa ông?
Theo tôi, đó không phải là vấn đề cấp bách trong thời gian này. Cứ khai thác sử dụng tốt những bảo tàng hiện có. Hiện chúng ta đã có Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, xây dựng trên cơ sở trường Viễn Đông Bác cổ từ thời Pháp, tuy nhỏ nhưng kiến trúc rất đẹp. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người ghé thăm bảo tàng đó? Bao nhiêu khách du lịch mong muốn đến đó? Đó là vấn đề cần thiết hơn. Trước mắt chúng ta phải làm cho tốt bảo tàng đó. Rồi sau này mới nghĩ đến chuyện nên dành chỗ cho một bảo tàng đoàng hoàng, to đẹp. Xây dựng một bảo tàng lịch sử tầm cỡ là việc nên làm. Đây là cơ hội tốt để giáo dục lịch sử cho người dân, giới thiệu lịch sử và nền văn minh Việt Nam cho khách nước ngoài. Nhưng việc này cần phải thực hiện đúng thời điểm.
Nên tạm gác dự án xây dựng bảo tàng Lịch sử
Theo ông, khi nào là thời điểm thích hợp?
Tôi cũng được nghe nhiều người hỏi có thực sự cần thiết xây một bảo tàng hoành tráng trong bối cảnh hiện nay? Tôi cho rằng, cho dù kinh tế không khó khăn đi nữa thì chúng ta vẫn còn nhiều nhu cầu đầu tư vào những dự án cấp thiết hơn Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Dư luận hiện nay lên tiếng vì bảo tàng sắp xây là một bảo tàng lớn, giá trị lên đến 60 triệu USD (hơn 11.000 tỷ đồng). Công trình khởi công vào cuối năm nay trong giai đoạn nền kinh tế còn rất khó khăn với chủ trương của Nhà nước là cắt giảm đầu tư công mà đưa ra một quyết định như thế là một điều khó hiểu. Theo tôi, nên tạm gác dự án xây dựng bảo tàng Lịch sử cho đến hết kế hoạch 5 năm, tức là hết năm 2015. Tuy việc xây dựng bảo tàng cũng đóng góp vào việc thực hiện quy hoạch của Hà Nội nhưng chúng ta còn nhiều việc khác cấp bách hơn. Ví dụ như trường đại học Quốc Gia cũng là công trình văn hóa nhưng cũng chưa khởi động gì đáng kể, hay như nhiều bệnh viện định xây dựng hoặc đang xây dựng dở như bệnh viện Ung Bướu mới làm đợt một được 300 giường thì "ăn thua" gì. Giữa bệnh viện, trường học với bảo tàng, ai cũng hiểu cái nào thực sự cần thiết hơn.
Ngoài ra, cần phải tính toán rằng, khi xây xong rồi sẽ cần khoản kinh phí lớn để hoạt động, bảo tàng càng lớn, kinh phí càng nhiều. Trong bối cảnh ít khách đến như hiện nay thì lấy đâu ra kinh phí? Với một công trình lớn như thế, tôi lo rằng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch khó có thể "nuôi" được. Vì sau khi xây dựng, bộ sẽ phải trích ngân sách để duy trì bảo tàng. Trong khi bộ có rất nhiều vấn đề cần dùng đến ngân sách, họ sẽ phải cân đối và quỹ dành cho duy trì bảo tàng sẽ bị chia sẻ. Với một công trình lớn như thế, chi phí dành cho điều hòa cũng là một khoản đáng kể, đó là chưa kể đến chi phí dành cho vệ sinh và các hoạt động bảo tồn khác. Nếu không được "chăm sóc" thì bảo tàng sẽ xuống cấp một cách nhanh chóng. Nhìn vào sân vận động Hàng Đẫy hay sân Mỹ Đình là một điển hình.
Xin cảm ơn ông!
Bảo tàng Dân tộc học: Nhỏ nhưng hút khách Thông tin trên website của Bảo tàng cho thấy, tổng kinh phí để xây dựng là 27 tỉ đồng và thêm khoảng 4 tỷ đồng cho việc sưu tầm hiện vật, tư liệu và tổ chức trưng bày. Hiện vật của Bảo tàng Dân tộc học không phải chỉ là những cổ vật đắt tiền, mà chủ yếu bao gồm nhiều thứ rất bình thường trong đời sống hàng ngày của người dân như: Con dao, cái gùi, chiếc khố, ống sáo, cái tẩu, tấm chiếu... Chúng phản ánh mọi khía cạnh văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân cư, thể hiện tiêu biểu mọi mặt cuộc sống của họ. |
Xuân Nhung