Lâu nay trong làng túc cầu Việt, nhắc đến các ông bầu ở giai đoạn đầu, người ta nghĩ ngay đến đại gia Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai – HAGL) và ông Võ Quốc Thắng (Chủ tịch tập đoàn Đồng Tâm Long An).
Hai ông chính là những người tiên phong, khởi xướng cho trào lưu doanh nhân đi làm bóng đá đầu những năm 2000 và vẫn tiếp tục gắn bó cho tới hôm nay.
Trong đó, ông bầu phố núi Đoàn Nguyên Đức là người nổi tiếng về cả đam mê, nhiệt thành, sự phóng tay đầu tư tiền tỷ lẫn những phát ngôn gây sốc. Ông được giới truyền thông thể thao gọi với cái tên thân thương là bầu Đức.
Thật vậy, còn nhớ khi mới bước chân vào bóng đá năm 2001, ông Đoàn Nguyên Đức bỏ ra mỗi năm hơn 10 tỷ đồng đầu tư cho môn thể thao mà mình đam mê này.
Chỉ một năm sau, năm 2002, ông trở nên nổi tiếng vì đưa được chân sút số một Đông Nam Á Kiatisuk Senamuang của đội tuyển Thái Lan về đội bóng của mình bằng bản hợp đồng được ký vào tháng 3/2002.
Sau đó, Kiatisuk đã đóng góp lớn cho Hoàng Anh Gia Lai trong vòng 5 năm khoác áo đội tuyển bằng việc cùng câu lạc bộ 2 lần vô địch quốc gia năm 2003 và 2004, đồng thời là huấn luyện viên trưởng của câu lạc bộ.
Chính nhờ thành tựu này mà chỉ vài ba năm sau, thương hiệu HAGL trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước.
Nhắc đến đào tạo trẻ tại Việt Nam, HAGL Arsenal JMG có lẽ nổi tiếng nhất. Có thể nói, HAGL Arsenal JMG chính là lá cờ đầu của phong trào đào tạo bóng đá trẻ tại Việt Nam.
Năm 2007, ông Đoàn Nguyên Đức đã sang tận London (Anh) để bắt tay với CLB Arsenal và nhà quản lý - HLV Arsene Wenger, để mang về Việt Nam quy trình đào tạo trẻ theo chuẩn châu Âu, áp dụng cho học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG được thành lập cùng năm.
Lứa đầu tiên của học viện này bao gồm 15 cầu thủ gồm có những cái tên mà bây giờ đã trở nên đình đám là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường...
Và có lẽ một điều không có nhiều người biết đó là, ngày 5/3/2007, bầu Đức động thổ xây dựng Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG trên khu đất rộng 5 ha đang trồng cao su. Những cây cao su đang ở tuổi thu hoạch (bình quân 300 triệu/ha/năm) mà phải chặt bỏ để nhường chỗ cho niềm đam mê bóng đá.
Tính đến giờ, sau mười mấy năm, chưa kể những khoản đầu tư cho đào tạo và thi đấu, Bầu Đức phải chi ít nhất 50 triệu USD để thương hiệu Arsenal được song hành cùng Học viện Arsenal HAGL JMG.
Năm 2011, ông cùng với các doanh nhân làm bóng đá khác là ông bầu Võ Quốc Thắng của câu lạc bộ Đồng Tâm Long An, ông Nguyễn Đức Kiên (trước khi vướng vào vòng lao lý) của ngân hàng ACB cùng vạch ý tưởng và thành lập công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), một doanh nghiệp chuyên điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.
Và phải 14 năm sau, năm 2015, với HAGL, tập đoàn của ông Đoàn Nguyên Đức mới ghi nhận có doanh thu và lợi nhuận từ bóng đá. Các nguồn thu đến từ bán vé, quảng cáo hay áo đấu...
Đầu năm 2018, vì một vài “lùm xùm” với quan chức liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mà bầu Đức suýt từ bỏ bóng đá. Thời điểm đó, báo chí trong nước bình luận, nếu bầu Đức bỏ bóng đá thì đó chắc chắn sẽ là một nốt trầm xao xuyến đối với nền túc cầu non trẻ của nước nhà bởi thành tựu ngày hôm nay đã ít nhiều in dấu ấn của ông. Rất may cuối cùng điều đó đã không xảy ra.
Nói về các cầu thủ con cưng của mình, ông Đức luôn dành cho họ những lời có cánh. “Riêng các cầu thủ của tôi, tôi đã ươm mầm nhân cách và tự họ đã chăm sóc mình thành người tử tế, đó là giá trị lớn nhất” – ông Đoàn Nguyên Đức tự hào nói và coi mình là bố mẹ còn những cầu thủ HAGL là “những đứa con ngoan và bản lĩnh”.
Bầu Đức cũng đi vào lịch sử bóng đá nước nhà bằng việc đi tìm và trả lương 2 năm cho huấn luyện viên Hàn Quốc Park Hang-seo để dìu dắt lứa cầu thủ U23 Việt Nam hôm nay.
Ông Đoàn Nguyên Đức là người trực tiếp sang Hàn Quốc đàm phán để VFF ký hợp đồng với HLV Park Hang-seo, sau khi HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức. Sau đó ông còn đưa đồng hương của HLV Park là ông Chung Hae-Seong về tái thiết bóng đá Hoàng Anh Gia Lai với mục tiêu vô địch V-League 2019.
Khi ông đóng vai Lưu Bị đi tìm “Khổng Minh” Park Hang-seo, đã vấp phải không ít lời chỉ trích “ngáng đường” vì cho rằng ông có tham vọng thâu tóm VFF.
Vượt qua những thị phi ấy, ông như người chèo thuyền trên dòng nước ngược, để đến một ngày, vị trí Á quân giải U23 Châu Á của đội tuyển khiến cả nước vỡ òa. Để hôm nay, dưới sự dẫn dắt của ông Park, bóng đá Việt Nam lần thứ 2 bước lên lễ đài vinh quang sau 10 năm chờ đợi là vị trí Quán quân AFF Cup 2018, sau đó là top 8 đội mạnh nhất Asian Cup 2019.
Sau những thành công vang dội của thầy trò ông Park, bầu Đức chia sẻ với báo chí rằng: “Tôi bị ném đá nhiều quá nên đôi khi không dám nói ra. Bây giờ, ông Park đã chứng tỏ được tài năng nên tôi nói ra để mọi người hiểu”.
“... Xưa nay, hội đồng HLV ngồi ở nhà chờ nộp đơn, xem xét duyệt để lấy ai và bỏ ai. Nhưng những người giỏi không bao giờ nộp đơn, họ tự trọng nên chúng ta phải mời. Câu này không ai dám nói nhưng tôi dám nói! Vì người giỏi không ai nộp đơn đâu, mời ông Park cực kỳ phức tạp trong thời gian dài” - bầu Đức kể lại.
Ông Đoàn Nguyên Đức sinh ra trong gia đình có 10 anh chị em, quê quán tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.Năm 1965 khi ông mới 3 tuổi, gia đình chuyển lên An Phú, Pleiku, Gia Lai sinh sống. Do nhà nghèo nên từ nhỏ việc gì vất vả (làm ruộng, làm rẫy, làm thuê…), ông đều đã trải qua.
Năm 1982, sau khi tốt nghiệp cấp 3 hệ 12 năm, ông Đức lên TP.Hồ Chí Minh thi đại học nhưng thi trượt. Không nản lòng, Đoàn Nguyên Đức tiếp tục vừa làm vừa học, quyết thi đại học, nhưng tới lần thi thứ 4, ông vẫn không đậu.
Quyết định bước vào đời mà không có bằng cấp, ông Đức có câu nói nằm lòng: “Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”. Sau này, khi đã trở nên giàu có, ông nói “Tôi không có bằng đại học nhưng 10.000 cử nhân đang làm việc cho tôi”.
Thật vậy, từ một xưởng mộc nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại Gia Lai hồi những năm 1990, ông Đức bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, cũng từ năm 2011, tình hình kinh doanh của HAGL bắt đầu có dấu hiệu không ổn định, khoản nợ phải trả tăng lên hơn 15.000 tỷ - bằng 63% tổng tài sản.
Thời điểm 2015 - 2016 là thời điểm khó khăn đối với bầu Đức vì phải tái cơ cấu toàn bộ doanh nghiệp, chấp nhận bán đi mảng bất động sản vốn sinh lời “khủng” rồi đến thủy điện, mía đường...
Năm 2016, tập đoàn HAGL rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất lịch sử 30 năm thành lập. Lỗ hợp nhất 1.503 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả khổng lồ với hơn 36.000 tỷ đồng. Giá cổ phiếu HAG lao dốc thảm hại, một thời gian dài quanh quẩn ở mốc vài cốc trà đá (9.000 đồng/ cổ phiếu) khiến bầu Đức bật ra khỏi top người giàu trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, đối với bóng đá - mảng chỉ tiêu tiền, không mang lại lợi nhuận hay ghi nhận doanh thu, đóng góp cho tăng trưởng tài chính, thì ông lại giữ lại cho bằng được.
Năm 2016, ở giữa cuộc khủng hoảng, ông chủ doanh nghiệp đam mê bóng đá vẫn chi 40 tỷ đồng cho Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG trong chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
Và bước sang năm 2017, khi áp lực nợ nần đã giảm bớt, ông tiếp tục chi thêm 49 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản của học viện này.
Nếu tính tất cả các khoản chi phí đầu tư xây dựng, đội ngũ nhân sự quản lý, chi bất thường khi tập huấn dài ngày ở nước ngoài, trả lương ông Park Hang Seo... thì tổng số tiền mà bầu Đức bỏ ra cho bóng đá gần hai mươi năm qua phải tính đến con số hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện tại, tập đoàn của bầu Đức đang sở hữu 69,85% vốn tại công ty Cổ phần Thể thao Hoàng Anh Gia Lai.
Trong một diễn biến liên quan, năm 2018, bầu Đức đã có một cú bắt tay trị giá 2.200 tỷ đồng với tỷ phú USD Trần Bá Dương của tập đoàn Ô tô Trường Hải. Thương vụ hợp tác này được ví như “một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối” trong giới đầu tư, trong đó tỷ phú Trần Bá Dương được coi là quý nhân, người giúp bầu Đức phần nào thoát khỏi cảnh “giật gấu vá vai” vì khoản nợ vẫn còn trên 20.000 tỷ đồng.
Bầu Đức đang sở hữu 326,730,533 cổ phần HAG của công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai với giá trị tài sản quy từ cổ phiếu khoảng 1.630 tỷ đồng. Với giá trị tài sản này, ông bầu phố núi hiện xếp thứ 40 trong danh sách 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Sau gần 20 năm đầu tư cho bóng đá trẻ, bầu Đức chia sẻ cái được cuối cùng: “Chặng đường dài, nhiều thăng trầm, có những lúc kinh tế khó khăn nhưng tôi quyết theo đuổi tới cùng và không cảm thấy gian khổ chút nào. Trái lại tôi thấy vui sướng và hạnh phúc vì sau những bộn bề lo toan việc kinh doanh, mình còn có những chiều ngồi xem tụi nhỏ đá bóng".