Bé gái 11 tuổi tự tử vì bố mẹ cãi nhau: Lưỡi dao vô hình từ sự ích kỷ

Ai đó đã từng nói, gia đình chính là “cái nôi” dưỡng dục một đứa trẻ từ ngoại hình đến tư tưởng. Gia đình hạnh phúc nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc! Nhưng có một thực tế đáng buồn hiện nay, nhiều bậc phụ huynh quá ích kỷ mà đẩy con mình vào vực thẳm.

img
img

Mới đây, ngày 26/11, tại chung cư Goldmark City (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xảy ra một vụ việc thương tâm, bé gái 11 tuổi ngã từ tầng 39 xuống đất thiệt mạng. Theo đại diện ban quản lý tòa nhà, trước đó, bé gái đã chứng kiến cảnh bố mẹ xích mích, tranh cãi, thậm chí là hình ảnh bố sử dụng bạo lực với mẹ. Ai cũng chua xót khi nghĩ đến việc xô xát giữa bố mẹ có thể chính là nguyên nhân khiến cô bé nghĩ quẩn rồi tự tử.

Sự ra đi của cô bé đang ở lứa tuổi dễ chịu tổn thương khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi giật mình, phải nhìn lại quan niệm sai lầm của bản thân đối với cách hành xử trong gia đình.

Hiện nay, không ít bậc phụ huynh vẫn nghĩ rằng, con mình còn nhỏ, việc nhận thức một hành động đúng hay là sai của người lớn là chưa có, nên nhiều người vô tư bộc lộ những dồn nén tâm trạng, cảm xúc trước mặt trẻ, mà không lường trước được sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ thế nào đến sự phát triển trí tuệ, phẩm chất đạo đức, lối sống, tư duy của trẻ.

Đây là một nhận thức sai lầm, bởi, theo nghiên cứu khoa học, con cái là tấm gương phản chiếu của bố mẹ.

Những lời nói, hành động mà người lớn cho rằng vô hại trước một đứa trẻ, bất cứ khi nào cũng có thể trở thành lưỡi dao vô hình cứa sâu vào trái tim, làm tổn thương một tâm hồn nhạy cảm.

Có người từng nói: “Nhà không cần quá lớn, miễn là trong đó có đủ tình thương!”. Khi một cặp vợ chồng không thể giải quyết mâu thuẫn một cách kín đáo, lôi con cái vào “trút giận” hay vô tình để con chứng kiến những trận cãi vã, thậm chí, sẵn sàng sử dụng bạo lực, nhằm thỏa mãn sự ích kỷ của cá nhân, không mảy may quan tâm đến cảm nhận của con, họ đã không còn đủ tư cách để trở thành bố mẹ!

Đứa trẻ trở thành nạn nhân từ chính gia đình, từng lời nói, hành động của bố mẹ khiến chúng bị tổn thương, cảm thấy bất an, thậm chí, tiêu cực hơn, chúng cảm thấy sự sống của mình gây phiền phức cho bố mẹ, sự hiện diện của mình là “ngòi nổ” của sự bất hòa trong gia đình.

Một đứa trẻ thông thường sẽ phản ứng bằng những hành vi lo âu, xáo trộn, còn đối với một đứa trẻ “mong manh”, nhạy cảm, chúng dễ kiệt sức, dẫn đến trầm cảm, chúng sẽ thu mình lại, không muốn chia sẻ với ai và khi bị dồn nén đến tột cùng, chúng lên kế hoạch tự hủy hoại bản thân, mà đỉnh điểm là tự tử.

Cơn giận thỏa mãn thói ích kỷ của bố mẹ mỗi ngày sẽ trở thành những nhát dao cứa ngày thật nhiều, khắc ngày một sâu vào đứa trẻ. Đến khi tổn thương vượt quá giới hạn, cảm xúc không thể tiếp tục chống đỡ, đứa trẻ lựa chọn giải thoát trong tiêu cực.

Chính những lời nói và hành động như một thứ hung khí vô hình, còn bố mẹ bỗng vô tình trở thành kẻ sát nhân ích kỷ.

Khi sự việc đã rồi, các bậc phụ huynh có thể sẽ bừng tỉnh, nhưng mất mát không thể cứu vãn. Chỉ vì những phút bốc đồng ích kỷ của người lớn mà đánh mất sinh mạng của một đứa trẻ. Có đáng hay không?!

Đợi đến khi tài sản quý giá nhất không còn hiện hữu, những làm người bố, làm mẹ mới tỉnh táo trở lại mà nghiền ngẫm về giá trị. Sự hối tiếc muộn màng không giúp ta thay đổi chuyện đã qua. Niềm ân hận, ăn năn không giúp ta thay đổi được quá khứ.

Bi kịch gia đình xuất phát từ chính các bậc phụ huynh sẽ không còn là câu chuyện riêng của một gia đình, khi số lượng trẻ vị thành niên tự tử ngày càng tăng, đứng trong “top đầu” nguyên nhân tử vong tại Việt Nam.

Tiếng chuông báo động đang ngân…

Những bậc làm bố, làm mẹ đang bị sự ích kỷ chi phối tâm lý, cảm xúc có nghe chăng?!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img