Cha mẹ… có quyền xem điện thoại, đọc tin nhắn, Facebook, các bí mật về thư tín khác của trẻ hay không? Nếu xem thì phải hành xử thế nào cho đúng?.
Ngày 21/11, thông tin từ khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi 13 tuổi được chuyển đến từ Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng giập gan.
Nguyên nhân được xác định là do bé gái giận mẹ kiểm tra điện thoại của mình nên nhảy từ tầng 8 xuống tự tử. May mắn là bé không rơi thẳng xuống đất mà rớt xuống mái tôn tầng 2, sau đó rơi xuống đụng xe máy rồi mới tiếp đất. Hiện sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định.
Là một phụ huynh đã có 2 con, tôi thấy việc cha mẹ xem điện thoại không xâm phạm quyền riêng tư của con. Tuy nhiên, phải hài hòa giữa trách nhiệm giáo dục con cái với quyền riêng tư.
Ai đã trải qua tuổi thiếu niên đều biết là độ tuổi này có tính tự tôn rất cao, dễ có những phản ứng quyết liệt khi cảm nhận bị xâm phạm sự riêng tư. Vì cho rằng mình đã lớn nên muốn được tôn trọng như một người lớn thực thụ.
Cảm giác bị xâm phạm sự riêng tư khiến con cái phản ứng quyết liệt, đóng chặt cánh cửa tâm hồn. Điều này khiến trẻ cảm thấy bị theo dõi, giám sát, không được tôn trọng nên càng thu mình lại, giấu giếm, ít chịu tâm sự.
Quyền bí mật đời tư, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín là một trong những quyền cơ bản nhất của mọi công dân, được hầu hết các quốc gia trên thế giới thừa nhận.
Bộ luật dân sự và Bộ luật hình sự qua các thời kỳ đều có quy định về bảo vệ quyền này. Luật trẻ em 2016 cũng có quy định: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác...
Nghị định 56/2017/NĐ-CP có quy định chặt chẽ việc tiết lộ, công bố hình ảnh thông tin, bí mật... của trẻ phải có sự đồng ý của trẻ đủ 7 tuổi và của cha mẹ, người giám hộ trẻ.
Ngay cả cha mẹ hay người giám hộ là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ cũng không được phép tự ý xem điện thoại, thư tín... của trẻ. Thực tế hiện nay trẻ tiếp xúc với môi trường mạng khá sớm, vì vậy cha mẹ cũng phải có giải pháp về kỹ thuật để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng.
Cha mẹ muốn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng riêng tư của trẻ để giúp đỡ, uốn nắn trẻ cũng phải tế nhị, không nên xem trộm, xem lén, mà phải xin phép trẻ cho phép xem. Muốn thế cần yêu thương, thiết lập niềm tin để trẻ cho phép.
Nếu cha mẹ có thái độ đúng, biết tôn trọng khi đặt câu hỏi và hỏi đúng lúc với sự kiên nhẫn, không nôn nóng, không rầy la, trẻ sẽ tin tưởng và tự tìm đến cha mẹ để tâm sự, chia sẻ mọi nỗi niềm của tuổi mới lớn.
Với tình thương và trách nhiệm của mình, cha mẹ hãy khéo léo thay đổi phương pháp giáo dục, kiểm soát phù hợp với lứa tuổi của con. Cảm nhận được tin tưởng và an toàn, trẻ sẽ không ngần ngại để bộc lộ với cha mẹ - những người mà trẻ biết rất rõ rằng họ sẽ hy sinh tuyệt đối để bảo vệ cho chúng.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.